Chuyện làm giàu của người Mạ ở Đắk G’long

30/10/2018
(VBSP News) Người Mạ là một trong 3 dân tộc thiểu số nghèo, lạc hậu nhất của tỉnh Đắk Nông nhưng giờ, cái “mác” ấy đã dần bị đẩy lùi. Chính việc mạnh dạn thâm canh cây cà phê thay cho cây sắn, ngô, lúa cùng với sự đồng hành trên mỗi bước đi của các chương trình tín dụng ưu đãi đã giúp bà con từng bước làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
Vợ chồng chị Y Thị Loan và K’ Sar luôn cùng nhau trong hành trình thoát nghèo

Vợ chồng chị Y Thị Loan và K’ Sar luôn cùng nhau trong hành trình thoát nghèo

Từ câu hỏi “vì sao”?

Cái tên H’Lan, dân tộc Mạ, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong đã trở thành một trong những điển hình thoát nghèo vươn lên làm giàu tại khắp đại ngàn Tây Nguyên. Là hộ nghèo lâu năm của xã, năm 2016, H’Lan được giới thiệu tham gia Hội thi sáng kiến giảm nghèo bền vững do Bộ LĐTB&XH phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc UNDP tổ chức. Tham gia và được tiếp xúc với nhiều người, trong đó có những hộ nghèo giống mình, mà nay đã vươn lên khá giả khiến chị H’Lan băn khoăn. Và câu hỏi “vì sao họ thoát được nghèo?” cứ cuốn lấy tâm trí chị. Câu hỏi lớn dần bao nhiêu thì qua hội thi, câu trả lời cũng bắt đầu hé lộ.

Nhờ học hỏi kinh nghiệm cũng như sự hỗ trợ của các chuyên gia trong việc lựa chọn phương thức sản xuất, chị H’Lan bắt đầu nhận thấy đây là điều quan trọng giúp gia đình chị chăn nuôi tốt hơn, trồng cây sẽ không bị sâu bệnh. Đặc biệt nhất cùng với các kiến thức học hỏi qua hội thi, điều làm cuộc sống của gia đình chị thực sự thay đổi chính là 35 triệu đồng vốn để đầu tư trồng cao su, trồng điều từ NHCSXH huyện Đắk Glong. “Qua gần hai năm, đồng vốn hộ nghèo và những kinh nghiệm quý của cán bộ, chính quyền Đắk Glong đã giúp gia đình chị thoát nghèo. Căn nhà lá đã được thay bằng nhà gỗ, các con không còn bữa đói, bữa no và thu nhập từ vài trăm nghìn/năm, nay đã lên đến 180 triệu đồng/năm…” chị H’Lan kể.

Cũng vẫn câu hỏi ấy, gia đình anh H’Giang ở xã Đắk Som đã tìm ra con đường thoát nghèo cho gia đình. Năm 2008, anh đã bắt đầu “cuộc chiến” với đói nghèo. Anh được các cán bộ NHCSXH huyện Đắk Glong tạo điều kiện cho vay lần lượt 3 chương trình: NSVS&MTNT, hộ nghèo đến hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn. Anh H’Giang cho hay: “Ngoài thâm canh cà phê, gia đình tôi đã tự nuôi thêm bò để cung cấp nguồn phân xanh. Trong 2 năm nay, lượng phân chuồng đã góp rất lớn vào năng suất cà phê, giúp cà phê xanh tốt, quả to, chống hạn tốt. Tới đây, tôi sẽ tiến hành loại bỏ diện tích cà phê xấu, già cỗi, năng suất kém… áp dụng kỹ thuật mới, trồng cà phê hiện tại ghép với gốc cà phê mít để tăng năng suất, chất lượng”.

Hành trình thoát nghèo của H’Giang phải mất gần chục năm nhưng “chậm mà chắc”. Giờ cả gia đình H’Giang đã có ngôi nhà hai tầng kiên cố, trị giá cả tỷ đồng. Doanh thu từ cà phê mỗi năm đạt khoảng 500 triệu đồng. Cuộc sống bắt đầu dư dật cũng là lúc anh nghĩ, phải giúp cho người Mạ mình giàu lên thôi!

… đến những cái kết đẹp

Cũng mang tâm trạng băn khoăn vì sao cùng sống trên mảnh đất, cùng hít thở bầu không khí như nhau… và cũng từng nghèo xơ xác, vậy mà gia đình H’Giang, H’Lan thoát nghèo, mình lại không? Sự thành công của những người Mạ đã trở thành động lực thôi thúc chàng thanh niên K’Sar đi tìm câu trả lời cho chính mình. “Trong hành trình tìm kiếm, tôi may mắn gặp được Y Thị Loan - K’Sar nhìn vợ và bắt đầu câu chuyện - Khi tôi gặp vợ, tôi nghèo lắm, chỉ có mỗi chiếc quần, vợ cũng không có gì. Nhưng vợ chồng như đũa có đôi, quan trọng nhất vẫn là có tình cảm, có cùng chí hướng. Bù lại, cô ấy tháo vát, chăm chỉ, hiền lành. Vợ chồng tôi làm thuê làm mướn mãi, rồi sau phát được ít vườn, làm cái chòi lên ở”.

Chỉ căn nhà tôn ấm cúng, ngăn nắp, bên là khu chuồng trại chăn nuôi hàng nghìn con gà; vài chục con dê; dải cà phê xanh mướt quả… Chị Y Thị Loan cho biết, đây là thành quả của sự đồng lòng và sự hỗ trợ từ những đồng vốn của NHCSXH huyện Đắk Glong. Với anh chị, 20 triệu đồng vốn chính sách vay từ chương trình giải quyết việc làm năm 2006 như phép màu trong câu chuyện cổ tích, hỗ trợ cho gia đình chị rất nhiều. “Hình dung xem, khi không có gì để thế chấp, chỉ có cách duy nhất là vay nóng lãi cao bên ngoài, thì mấy chục triệu tiền chính sách lãi suất thấp không phải thế chấp có ý nghĩa rất lớn. Khoản tiền đó, đối với gia đình tôi lúc ấy không hề nhỏ. Nó giúp vợ chồng tôi tạo những cơ sở đầu tiên cho vườn cà phê ngoài kia”, chị Loan nói.

Có mắt thấy, tai nghe chuyện của gia đình chị Y Thị Loan - anh K’ Sar mới thấy ý chí, quyết tâm của mỗi cá nhân cùng với vai trò của đồng vốn chính sách trong cuộc sống bà con dân tộc thiểu số Đắk Som quan trọng tới nhường nào. Ngoài đồng vốn để hỗ trợ, vợ chồng chị sản xuất, kinh doanh, gia đình chị còn được vay vốn để xây dựng và cải tạo lại công trình nước sạch, vệ sinh môi trường và đặc biệt là khoản vay hơn 33,7 triệu đồng từ chương trình HSSV có hoàn cảnh khó khăn cho con trai là Bùi Anh Văn đi học ngành dược. Giờ cuộc sống đã tạm ổn định, Bùi Anh Văn đã tốt nghiệp ra trường và mở cửa hàng dược ở địa phương. Anh chị cũng dư dả để tính toán làm ăn vững bền hơn. “Tôi nuôi bấy nhiêu bò, gà, dê vừa không tốn tiền mua phân vừa có phân bón cà phê mang lại năng suất cao hơn, coi như mỗi năm tiết kiệm được 150 triệu đồng tiền phân bón; trong khi đó, dê gà bán đi lãi ít, lãi nhiều cũng đủ nuôi các con qua ngày, lấy ngắn nuôi dài. Tận dụng cỏ vườn làm thức ăn cho dê, không phải phun thuốc diệt cỏ, cà phê không bị nhiễm hóa chất, tiện cả đôi đường”, chị Loan vui vẻ nói.

Rời huyện Đắk Som, Đắk Glong trong lời mời “hai năm nữa quay lại để mừng nhà mới cho anh chị nhé!” mà Y Thị Loan nhắn với chúng tôi thấy trong lòng vui khôn tả. Vui vì chính sách đã đến được với bà con; vui vì đồng bào đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, đã quyết tâm không để đói nghèo bủa vây; vui vì chính họ đã làm lan tỏa tinh thần làm giàu cho mình và cho quê hương.

Theo Bình Nhi Báo ĐBND

Các tin bài khác