Cao nguyên Bảo Lâm với công tác giảm nghèo từ nguồn vốn chính sách
Mặc dù không phải là huyện nghèo như Đam Rông nằm trong Nghị quyết 30a về giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ nhưng Bảo Lâm là một huyện trước đây được xem là “rốn nghèo” nằm về phía Nam tỉnh Lâm Đồng. Theo chuẩn nghèo cũ, nếu như năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện là 36%, trong đó các xã có đông đồng bào DTTS sinh sống cao hơn 74%, thì đến cuối năm 2017 giảm còn 21,4%; tỷ lệ hộ nghèo trên toàn địa bàn huyện giảm bình quân 3% - 4%/năm. Tỷ lệ giảm trên là một thành quả đáng khích lệ từ cách điều hành, định hướng của huyện trong việc triển khai các giải pháp đồng bộ, ban hành những Nghị quyết chuyên đề và kế hoạch phù hợp về giảm nghèo bền vững, đặc biệt trong công tác chỉ đạo, phối hợp với NHCSXH tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, giải quyết sự thiếu hụt cơ bản về sản xuất nông, lâm nghiệp, sửa chữa nhà ở, xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, chăm lo việc học hành của con em.
Tính đến 30/9/2018, hầu hết các hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở 14 xã, thị trấn địa bàn vùng cao nguyên Bảo Lâm đã được NHCSXH huyện cho vay vốn ưu đãi với dư nợ hơn 289 tỷ đồng của 15 chương trình tín dụng chính sách để đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh vườn cà phê, hồ tiêu… từng bước thay đổi tập quán làm ăn cũ, lạc hậu. Việc sử dụng, khai thác nguồn vốn vay có hiệu quả cũng đã tạo nên một phong trào thi đua cải thiện kinh tế, xuất hiện nhiều hộ người K’Ho, Chu Ru, Mạ… sản xuất giỏi, thoát nghèo nhanh, vươn lên làm giàu chính đáng.
Tiêu biểu có gia đình chị K’Ché, dân tộc Mạ ở thôn 2, xã Lộc Tân mạnh dạn vay vốn chính sách tới 3 lần tổng cộng 96 triệu đồng để xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp. “Ban đầu tôi vay vốn của NHCSXH huyện Bảo Lâm nuôi 2 con bò vắt sữa, sau khi làm ăn sinh lời, trả hết nợ gốc, lại được Hội Phụ nữ địa phương bảo lãnh vay tiếp vốn chính sách thuộc các chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, chương trình giải quyết việc làm để mua con giống tốt, làm lán trại nuôi tằm, tạo kén ươm tơ dệt lụa. Tuy chưa giàu có lắm nhưng tháng trước gia đình tôi vui mừng thoát hết cảnh nghèo, dành dụm xây được ngôi nhà 4 gian để “an cư lập nghiệp”, chị Ka Tés hồ hởi nói.
Còn đối với vợ chồng anh Bùi Văn Tư và chị Quách Thị Viền, người Mường, quê Tân Lạc (Hòa Bình) cửa ngõ miền Tây Bắc vào Tây Nguyên định cư từ năm 2000, đã được chính quyền xã Lộc An (Bảo Lâm) giúp đỡ vay vốn chính sách khai hoang mở đất trồng cà phê, hồ tiêu tiểu điền. Số tiền bán các loại sản phẩm từ kinh tế vườn đồi đã giúp vợ chồng anh chị hoàn trả được toàn bộ nợ cho ngân hàng và hàng năm thu nhập tới 200 - 300 triệu đồng. Vừa qua vợ chồng anh Tư, chị Viền còn được NHCSXH giải quyết cho vay tiếp 50 triệu đồng vốn dành cho hộ mới thoát nghèo để thực hiện kế hoạch mở rộng diện tích trồng hồ tiêu, cà phê, nâng số lượng đàn bò thịt lên 20 con.
Ông Nguyễn Văn Triệu - Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho biết: Việc NHCXH phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, đoàn thể triển khai cho hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS vay vốn trực tiếp ở Điểm giao dịch xã đã tạo rất nhiều điều kiện cho bà con chủ động làm kinh tế vườn đồi, vườn rừng, cải thiện cuộc sống.
Đúng như đánh giá của lãnh đạo địa phương, những năm qua cùng với các chương trình, dự án khác, nguồn vốn tín dụng chính sách đã thực sự là công cụ quan trọng, thiết thực trong thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở vùng cao nguyên Bảo Lâm. Trên thực tế tập thể cán bộ NHCSXH nơi đây đã tập trung huy động các nguồn lực tài chính, đồng thời làm tốt công tác tham mưu giúp cấp Ủy, chính quyền địa phương phân bổ chỉ tiêu nguồn vốn và tổ chức cho vay đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định, đúng địa bàn.
Bộ mặt vùng cao nguyên phía Nam Lâm Đồng đang đổi thay từng ngày là có phần đóng góp hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách. Phát huy thành tích đạt được, NHCSXH huyện Bảo Lâm tiếp tục đẩy mạnh việc phối hợp với các cấp, chính quyền, đoàn thể, ban ngành tại địa bàn nắm bắt chính xác nhu cầu vay vốn để tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước, quyết tâm không để tồn đọng, lãng phí nguồn vốn, góp phần phục vụ đắc lực chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên Tây Nguyên hùng vĩ.
Bài và ảnh Đông Dư - Phan Anh
Các tin bài khác
- » Vốn chính sách tiếp sức cho vùng khó
- » Mang hơi ấm cán bộ ngân hàng lên với vùng cao
- » Sôi nổi Hội thao NHCSXH lần thứ IV
- » Lan tỏa yêu thương trên quê hương Quảng Nam
- » Chuyện làm giàu của người Mạ ở Đắk G’long
- » Làm giàu trên vùng đất khó
- » “Cây cầu” nối ước mơ của chị em nghèo
- » Vốn nhỏ mang lại hiệu quả cao
- » Nguồn vốn tín dụng chính sách ở Khánh Hòa đạt trên 2.515 tỷ đồng
- » Đoàn Thanh niên NHCSXH tham gia ngày hội hiến máu tình nguyện 2018