Tín dụng chính sách xã hội góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa
Vai trò của tín dụng chính sách xã hội với phát triển kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội
Vấn đề nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra ngay từ những ngày đầu khi mới giành được độc lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm yêu cầu phải gắn kết phát triển kinh tế với bảo đảm công bằng xã hội, xem đó không chỉ là mục tiêu và còn là động lực cho tăng trưởng kinh tế. Quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng gắn kết phát triển kinh tế với xây dựng văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, quan điểm của Đảng về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội luôn rõ ràng, nhất quán và xuyên suốt. Trong suốt quá trình đổi mới kinh tế, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ quan tâm đến thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế, mà luôn quan tâm đến nâng cao đời sống của mọi tầng lớp nhân dân và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Nội dung này đã được Đảng Cộng sản Việt Nam bổ sung, phát triển và được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), trong các văn kiện của Đại hội Đảng và các Nghị quyết của Trung ương.
Tín dụng chính sách xã hội là một trong những công cụ, giải pháp quan trọng của Đảng, Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội. Với những đặc trưng riêng có của mình, tín dụng chính sách đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đồng bào DTTS và đồng bào ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo tạo thói quen tích lũy, hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi giúp họ vượt qua khó khăn, từng bước tiếp cận với các dịch vụ tài chính, ngân hàng, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc sử dụng vốn, tổ chức SXKD có hiệu quả, tạo nguồn tích lũy để trả nợ cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống. Với việc được thiết kế theo một chuỗi các sản phẩm nhằm phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo nguyên tắc ưu tiên hộ nghèo đến hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đã tạo thành một hệ thống đồng bộ, bao phủ các nhóm đối tượng thụ hưởng.
Việc triển khai tín dụng chính sách cũng được tập trung ưu tiên vào những vùng, khu vực trọng điểm gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới tại địa phương theo từng thời kỳ đã góp phần hỗ trợ đa chiều cho người dân không chỉ giảm nghèo mà còn thoát nghèo bền vững và ngăn chặn, đẩy lùi nạn “tín dụng đen”, góp phần tích cực thực hiện hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Từ đây, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại khu vực nông thôn, vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Tín dụng chính sách góp phần khai thác tiềm năng đất đai, lao động và tài nguyên thiên nhiên, góp phần tạo điều kiện phát triển các ngành nghề truyền thống, ngành nghề mới, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho người nghèo lao động ở nông thôn, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trên cả nước.
Tín dụng chính sách không chỉ cho vay ưu đãi hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để SXKD, cải thiện đời sống mà còn thực hiện cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn…để đầu tư phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh các lĩnh vực về dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông, lâm, ngư nghiệp… Mỗi cá thể này đều là một tế bào của xã hội, và khi mỗi cá thể này phát triển, mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh cũng sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Song song với đó, việc triển khai tín dụng chính sách xã hội luôn được quan tâm gắn với chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương theo từng thời kỳ, nhất là các chương trình mục tiêu về phát triển nông nghiệp sạch, xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ, chương trình mỗi xã một sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh, chuyển giao khoa học kỹ thuật… đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo mục tiêu đã định.
Tín dụng chính sách góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng trong cả nước, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Các chương trình tín dụng chính sách được triển khai có hiệu quả ở các vùng trong cả nước, đặc biệt ưu tiên tập trung cho các vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo… đã góp phần thúc đầy nền kinh tế nhiều thành phần từng bước phát triển. Nhiều vùng đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, cơ chế thị trường đã hình thành và từng bước phát triển, tạo tiền đề cho quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng miền, các dân tộc trong cả nước, góp phần thực hiện công bằng xã hội. Ngoài các chương trình tín dụng chính, NHCSXH còn thực hiện các chương trình tín dụng nhằm vào những đối tượng cụ thể theo vùng, miền theo từng giai đoạn như: chương trình tín dụng thực hiện chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn ở đồng bằng sông Cửu Long; chương trình tín dụng cho vay đối tượng đi xuất khẩu lao động tại huyện nghèo; cho vay xây chòi tránh lũ ở các tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; cho vay trả chậm nhà ở vùng đồng bằng sông Cửu Long; cho vay NS&VSMTNT; cho vay đối với hộ đồng bào DTTS và miền núi bị mất đất sản xuất; cho vay hộ nghèo xóa nhà ở dột nát…
Tùy đặc trưng vùng miền, Chính phủ có các chương trình hỗ trợ cụ thể gắn với các chương trình tín dụng chính sách triển khai qua NHCSXH đã góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các vùng và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, việc triển khai tín dụng chính sách cũng đảm bảo bao phủ hết tới các đối tượng nhạy cảm, yếu thế trong xã hội, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội với chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau” và Đảng, Chính phủ và Nhà nước Việt Nam luôn hướng tới.
Qua 19 năm hoạt động, tín dụng chính sách xã hội của NHCSXH đã được ghi nhận và khẳng định là một trong những giải pháp hiệu quả, công cụ hữu hiệu của Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao đời sống nhân dân, đẩy lùi “tín dụng đen” và đảm bảo an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nguồn vốn tín dụng chính sách được triển khai trong những năm qua đã góp phần hỗ trợ các đối tượng thụ hưởng trên mọi mặt đời sống và có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương.
Việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội thể hiện sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với nhân dân trên địa bàn, nhất là đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội, khẳng định mục tiêu mà Đảng, Nhà nước luôn hướng tới đó là chung tay, đồng hành cùng người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau, đảm bảo phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ xã hội và công bằng xã hội. Bên cạnh đó, cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân, việc triển khai tín dụng chính sách xã hội đã góp phần xây dựng khối đại đoàn kết tại cộng đồng dân cư, giúp cho các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt công tác tập hợp quần chúng, ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng, đồng thời, giúp chính quyền gần dân hơn, sâu sát với dân hơn, qua đó, góp phần củng cố niềm tin vững chắc của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Tiếp tục tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội
Được Đảng, Nhà nước quan tâm, cuộc sống của người nghèo ngày càng được cải thiện
Các Bộ, ban, ngành, cơ quan liên quan cần quan tâm rà soát sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động huy động vốn của NHCSXH trên cơ sở sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định của pháp luật về tập trung huy động vốn cho tín dụng chính sách xã hội nhằm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn tới… Song song với đó, chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh và Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện cần chủ động tham mưu HĐND, UBND cùng cấp có kế hoạch bố trí ngân sách chuyển vốn sang NHCSXH hàng năm để bổ sung nguồn vốn cho vay đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, tạo lập nguồn vốn ổn định phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đồng thời, giảm gánh nặng cho Ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, trong bối cảnh diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh COVID-19 gây nhiều tác động, ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và đời sống của nhân dân trên địa bàn nói riêng, cần tiếp tục tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai rà soát, nắm bắt nhu cầu của người dân, cơ sở kinh doanh trên địa bàn, tham mưu HĐND, UBND cùng cấp dành một phần ngân sách chuyển vốn sang NHCSXH cho vay các cơ sở SXKD, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 để phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định.
Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan liên quan và NHCSXH cần tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, kiểm tra giám sát, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, gắn với việc quan tâm tổ chức sơ kết, tổng kết định kỳ ở các cấp để rút ra bài học kinh nghiệm, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cũng như khen thưởng, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến. Bên cạnh đó, cần quan tâm tổ chức quán triệt sâu rộng và đẩy mạnh tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động và quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức về vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch, hoạt động thường xuyên của các cấp ủy, các ngành, địa phương và đơn vị, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị; tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững; đồng thời, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội, công tác điều tra, xác định đối tượng được vay vốn, phối hợp giữa các hoạt động huấn luyện kỹ thuật, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ với hoạt động cho vay vốn của NHCSXH, giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả.
Đối với các chương trình tín dụng chính sách xã hội đang triển khai, NHCSXH cần chủ động rà soát, nắm bắt những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tham mưu Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung, chỉnh sửa đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn hoạt động, tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách một cách kịp thời, thuận lợi và sử dụng vốn vay đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm tín dụng phù hợp với đối tượng chính sách xã hội và yêu cầu quản lý trong giai đoạn mới như: cho vay trực tiếp, cho vay hợp tác xã, cho vay theo chuỗi, cho vay góp vốn, tổ hợp tác và các chính sách tín dụng mới cho các đối tượng phát sinh theo yêu cầu trong từng giai đoạn.
NHCSXH tiếp tục chủ động rà soát, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay của NHCSXH thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, thường xuyên rà soát, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn, đảm bảo hoạt động của Tổ theo đúng quy định, nhất là hoạt động bình xét cho vay được triển khai công khai, minh bạch, dân chủ dưới sự giám sát của tổ chức chính trị - xã hội và Trưởng cấp thôn; quan tâm rà soát, kiện toàn đội ngũ Ban quản lý Tổ, đảm bảo đủ uy tín, năng lực, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội an toàn, hiệu quả. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Điểm giao dịch NHCSXH tại xã, phường, thị trấn, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác giao dịch với ngân hàng và tiếp cận kịp thời với các chủ trương tín dụng chính sách của Đảng, Chính phủ, các thông tin, hướng dẫn về quy trình, thủ tục vay vốn tín dụng chính sách xã hội.
Một mặt, cần đảm bảo duy trì, phát huy tối đa tiềm lực của đội ngũ cán bộ hiện có, mở rộng một cách bền vững nguồn nhân lực để đáp ứng các mục tiêu Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2021 - 2030, mặt khác, cần quan tâm tạo cơ hội để phát huy những điểm mạnh, năng lực vượt trội của nguồn nhân lực sẵn có để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; có chính sách thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng cao; quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… đảm bảo xây dựng đội ngũ cán bộ NHCSXH tinh thông nghiệp vụ, yêu ngành, yêu nghề, triển khai thực hiện tín dụng chính sách với phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”. Song song với đó, cần tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện tốt công tác tập huấn nghiệp vụ cho các cán bộ kiêm nhiệm làm công tác tín dụng chính sách xã hội (cán bộ ngoài hệ thống NHCSXH) gồm: Chủ tịch UBND cấp xã, cán bộ Ban giảm nghèo cấp xã, Trưởng cấp thôn, cán bộ tổ chức chính trị - xã hội làm công tác ủy thác vay vốn các cấp; Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn…, đảm bảo hiểu rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách, nắm chắc chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về tín dụng chính sách xã hội và làm tốt công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện, quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.
Có thể khẳng định, trong suốt quá trình phát triển của đất nước, Đảng ta luôn luôn chú ý quan tâm đến việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Trên cơ sở nhận thức rõ bản chất và tính mâu thuẫn, tính thống nhất trong quá trình tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, Đảng ta đã từng bước đề ra những quan điểm, chủ trương và giải pháp kịp thời, đúng đắn để xử lý mối quan hệ này một cách hợp lý. Từ sự quan tâm đến bề rộng của mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, Đảng ta đã dần dần tập trung vào chiều sâu, vào chất lượng của mối quan hệ này. Việc triển khai thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội thông qua NHCSXH vừa góp phần tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa thể hiện sự quan tâm kịp thời của Đảng, Chính phủ tới các đối tượng yếu thế của xã hội, giúp họ tiếp cận được các dịch vụ tài chính với nhiều ưu đãi, qua đó, góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thực hiện công bằng xã hội và thúc đẩy tiến bộ xã hội.
Mai Phương
Các tin bài khác
- » Những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Chỉ thị 40
- » Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên trong Chi bộ
- » Hành trình mang vốn tín dụng chính sách của Chính phủ đến với người nghèo
- » Đảng ủy NHCSXHTW với công tác phòng, chống tham nhũng
- » Chi bộ Pháp chế học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
- » Các đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước tập trung triển khai kết quả Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII
- » Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ NHCSXHTW lần thứ 9, nhiệm kỳ 2020 - 2025
- » Đường Hồ Chí Minh trên biển - Biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng
- » Đồng chí Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương gửi Thư thăm hỏi, động viên cán bộ, đảng viên, người lao động trong Khối
- » Hướng dẫn tuyên truyền bảo vệ môi trường góp phần phát triển bền vững đất nước