Những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Chỉ thị 40

17/11/2021
(VBSP News) Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40), Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp, tạo điều kiện cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội, đồng thời ghi nhận, đánh giá cao vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, chính trị tại địa phương.
ttx

NHCSXH nhận tiền gửi tiết kiệm từ các tổ chức, cá nhân ngay tại Điểm giao dịch xã
                                                                                                                                        Ảnh: TTXVN

Sau hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40, ngày 10/6/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 06-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Ban Bí thư khẳng định, với sự quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị và triển khai tích cực của hệ thống NHCSXH, công tác tín dụng chính sách xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; đã huy động được hàng trăm nghìn tỉ đồng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo người nghèo và các đối tượng chính sách ở 100% xã, phường, thị trấn của cả nước, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội, những người có hoàn cảnh khó khăn và xây dựng nông thôn mới. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng:
Một là, Chỉ thị số 40 đã thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển kinh tế gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Tín dụng chính sách xã hội đã phản ánh được thực tiễn, nguyện vọng của nhân dân, khi có Chỉ thị thì tín dụng chính sách đã đi vào cuộc sống của nhân dân nhanh hơn, đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, chăm lo các đối tượng yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền trên cả nước.
Hai là, Chỉ thị số 40 đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả, hợp với ý Đảng, lòng dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ, qua đó đã khẳng định NHCSXH là một định chế tài chính công thực hiện có hiệu lực, hiệu quả các chính sách xã hội của Chính phủ.
Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã luôn quan tâm tạo lập nguồn vốn để tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội; cơ chế, chính sách được các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành kịp thời và phù hợp hơn với thực tiễn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến đúng các đối tượng thụ hưởng tại các xã, phường, thị trấn trong cả nước.
Ba là, Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm hơn, chỉ đạo quyết liệt hơn, nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, chính trị của địa phương. Từ đó, đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội đồng thời nâng cao trách nhiệm trong việc thực thi và giám sát.
Bốn là, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã làm tốt hơn chức năng giám sát và phản biện xã hội; thực hiện tốt công tác ủy thác, công tác tuyên truyền phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến hội viên và nhân dân biết, thực hiện, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong triển khai và thúc đẩy phát triển phong trào của các cấp hội.  
Năm là, Hoạt động nhận ủy thác từ NHCSXH cũng đã tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội tập hợp lực lượng, củng cố, nâng cao cả về số lượng, chất lượng phong trào hoạt động. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, nhận thức rõ vai trò của tín dụng chính sách xã hội. Chủ động và tích cực tuyên truyền, lồng ghép tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao kỹ thuật và nhân rộng các điển hình, nhiều mô hình của các chi hội giúp nhau làm kinh tế, vượt khó vươn lên làm giàu.
Sáu là, Hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội đã khẳng định phương thức quản lý và mô hình tổ chức quản trị, điều hành, tác nghiệp của NHCSXH là hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta. Mô hình này đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng chăm lo cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Bảy là, Từ khi có Chỉ thị, NHCSXH có điều kiện tổ chức hoạt động tốt hơn nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao; hoạt động của NHCSXH không ngừng được củng cố, nâng cao, đảm bảo ổn định, hiệu quả bộ máy, ngày càng triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách.
Tám là, Tín dụng chính sách xã hội được thực hiện thông qua NHCSXH đã góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, là một công cụ kinh tế thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường đến với những đối tượng dễ bị tổn thương và là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Từ những kết quả đã đạt được kể từ khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40 có thể rút ra những bài học kinh nghiệm, làm cơ sở cho giai đoạn phát triển tiếp theo của hoạt động tín dụng chính sách xã hội:
Thứ nhất, để Chỉ thị của Đảng thực sự phát huy hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn thì Chỉ thị phải được xây dựng xuất phát từ thực tiễn cơ sở, phản ánh đúng nguyện vọng của nhân dân.
Thứ hai, Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước cùng với sự quyết tâm, quyết liệt trong tổ chức thực hiện của tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, cùng với sự hưởng ứng, đồng tình của toàn dân từ đó Chỉ thị của Ban Bí thư đã đạt được thành công và phát huy hiệu lực, hiệu quả.
Thứ ba, để đưa Chỉ thị đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả thì ngay từ khi ban hành Chỉ thị của Đảng, các cấp, các ngành phải cùng vào cuộc quyết liệt, đồng bộ và nhanh chóng triển khai sâu rộng tới cơ sở.
Thứ tư, cấp ủy, chính quyền địa phương nào tích cực thực hiện, triển khai tốt Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng thì địa phương đó làm tốt hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội.
Thứ năm, tín dụng chính sách xã hội là cầu nối giữa ý đảng và lòng dân, tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Thực hiện trợ giúp người nghèo và các đối tượng chính sách thông qua việc hỗ trợ có điều kiện. Tăng cường tính chủ động, nâng cao ý thức trách nhiệm của người thụ hưởng chính sách, khắc phục tình trạng trông chờ ỷ nại.
Thứ sáu, NHCSXH là cơ quan được Chính phủ giao thực hiện tín dụng chính sách xã hội và là cơ quan được giao tham mưu triển khai thực hiện nhiệm vụ tại Chỉ thị của Ban Bí thư, với nhiệm vụ được giao, NHCSXH đã bám sát, chủ động và tích cực tham mưu các cấp, các ngành để triển khai thực hiện tốt.
Thứ bảy, mô hình và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù, phù hợp với hệ thống chính trị của Việt Nam, do Nhà nước quản lý là điểm tựa của người nghèo, là bước tiến mới trong cải cách thủ tục hành chính “Phục vụ tại nhà, giải ngân thu nợ tại xã” và là điểm sáng trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đã góp phần quan trọng vào thành công của Chỉ thị.
Thứ tám, sự tham mưu tích cực đối với cấp ủy, chính quyền các cấp nhất là cấp cơ sở trong triển khai thực hiện Chỉ thị; chủ động rà soát công việc hàng ngày; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, cùng sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ NHCSXH với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” luôn trách nhiệm, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần tạo lên thành công chung Chỉ thị của Ban Bí thư.
Thứ chín, công tác thông tin, tuyên truyền nội dung Chỉ thị phải được quan tâm thực hiện và triển khai tới các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân kịp thời và đầy đủ để biết, triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát từ cơ sở, bên cạnh đó công tác đánh giá, sơ kết, tổng kết được thực hiện đầy đủ, theo đúng định kỳ.

Cẩm Vân

Các tin bài khác