Tín dụng chính sách thực sự là chính sách ưu việt giúp nhiều hộ nghèo nói chung và các hội viên Hội Nông dân nói riêng có cơ hội thoát nghèo bền vững
Tham dự Hội nghị có đồng chí Ủy viên HĐQT, Trưởng Ban Kiểm soát NHCSXH Lê Ngọc Bảo, đại diện Lãnh đạo cùng đại diện các đơn vị CMNV giúp việc của hai cơ quan.
Đến ngày 30/6/2019, tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách đạt 207.217 tỷ đồng, tăng 12.796 tỷ đồng so với năm 2018, đảm bảo khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, đáp ứng kịp thời nhu cầu giải ngân các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Các đơn vị trong toàn hệ thống đã tích cực, chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Nguồn vốn ủy thác địa phương chuyển sang NHCSXH để thực hiện cho vay đối với các đối tượng chính sách xã hội đạt 14.128 tỷ đồng, tăng 2.318 tỷ đồng so với cuối năm 2018.
Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 198.505 tỷ đồng, tăng 10.713 tỷ đồng so với 31/12/2018 với hơn 6,6 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang được vay vốn.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có hơn 1.158 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho gần 113 nghìn lao động, trong đó hơn 3 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 8 nghìn lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng hơn 760 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng hơn 10 nghìn căn nhà ở cho các đối tượng chính sách…
Riêng dư nợ ủy thác qua Hội Nông dân đạt 61.594 tỷ đồng, chiếm 31,16% tổng dư nợ ủy thác, tăng 3.154 tỷ đồng so với cuối năm 2018. Thông qua việc thực hiện ủy thác, Hội Nông dân có điều kiện củng cố tổ chức và thu hút hội viên; tham gia giám sát đảm bảo chính sách tín dụng được thực hiện công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả trong sử dụng nguồn lực của Nhà nước cho mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, góp phần tích cực trong việc bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh việc phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng, hội viên nông dân hăng hái thực hành tiết kiệm. Đến 30/6/2019, số Tổ tiết kiệm và vay vốn đã triển khai hoạt động tiết kiệm tự nguyện là 56.494 tổ, đạt tỷ lệ 99,93% số tổ, hơn 2 triệu thành viên tham gia gửi tiền tiết kiệm với tổng số dư tiền gửi đạt 2.773 tỷ đồng.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách nói chung và việc thực hiện công tác ủy thác nói riêng, các đại biểu dự Hội nghị đều đã thể hiện quyết tâm cao trong việc phối hợp thực hiện các mục tiêu, giải pháp, phấn đấu cùng NHCSXH hoàn thành tốt chỉ tiêu kế hoạch được giao năm 2019. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng ủy thác, trong đó cần tiếp tục thực hiện tốt hơn việc trao đổi thông tin hai chiều giữa NHCSXH với Hội Nông dân để tạo thuận lợi nhất cho người nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay, đảm bảo đúng người, đúng đối tượng để NHCSXH luôn là người bạn đồng hành cùng người nghèo trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của Hội Nông dân Việt Nam trong thực hiện công tác ủy thác vốn vay từ NHCSXH. Phó Tổng Giám đốc đề nghị Hội Nông dân tiếp tục tham mưu cho các cấp, các ngành thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng và Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch về nguồn vốn, tăng trưởng dư nợ. Tiếp tục chỉ đạo Hội Nông dân các cấp thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng; kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, vướng mắc trong hoạt động của các cấp hội, hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn và việc sử dụng vốn của hộ vay. Phó Tổng Giám đốc cũng lưu ý các cấp Hội Nông dân làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền tín dụng chính sách để hội viên nông dân hiểu, từ đó phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm của hội viên trong việc vay, sử dụng hiệu quả đồng vốn và trả nợ đúng kỳ hạn.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch BCH TW Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng nhấn mạnh: Tín dụng chính sách thực sự là chính sách ưu việt giúp nhiều hộ nghèo nói chung và các hội viên Hội Nông dân nói riêng có cơ hội thoát nghèo bền vững. Đồng thời, đồng chí cũng cho biết việc thực hiện nhiệm vụ cho vay ủy thác nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước cũng chính là thực hiện nhiệm vụ chính trị trong việc đảm bảo mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, an sinh xã hội. Chính vì vậy đồng chí mong muốn NHCSXH sẽ tiếp tục tạo điều kiện, phối hợp chặt chẽ với hội để thực hiện tốt công tác ủy thác, góp phần giúp người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên trong cuộc sống.
PV
Các tin bài khác
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 3 - Kết quả của sự đoàn kết, đồng lòng (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 2 - Để cho những vườn nho trĩu quả (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 1 - Điểm tựa của đồng bào (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Dấu ấn tín dụng chính sách rõ hơn bao giờ hết
- » Ninh Hòa nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách
- » Giúp người nghèo ổn định cuộc sống
- » Gương mẫu giúp nhau vượt khó thoát nghèo
- » Cuộc sống đổi thay của hộ đồng bào DTTS Nghệ An
- » Lào Cai tạo bước đột phá trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Xã Thanh Hối phát huy hiệu quả vốn ưu đãi