Tín dụng chính sách góp phần thực hiện giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Thái Bình
Tổng nguồn vốn của chi nhánh hiện đạt gần 2.100 tỷ đồng; tổng dư nợ đạt 2.088 tỷ đồng. Nguồn vốn và dư nợ cho vay tăng 11 lần so với thời điểm mới thành lập. Hoạt động của NHCSXH đã từng bước được xã hội hóa, có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và hơn 8.000 người thuộc các tổ chức hội, đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Ban quản lý của 3.600 Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện nhiệm vụ ủy thác cho vay khắp các thôn, xã trong tỉnh. Thông qua hoạt động của các tổ chức hội, đoàn thể đã giúp NHCSXH giảm sức ép công việc do số lượng khách hàng lớn (dư nợ cho vay ủy thác chiếm tới 99,7% dư nợ của NHCSXH tỉnh), kịp thời đưa vốn tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo và đối tượng chính sách, phối hợp quản lý hiệu quả khoản vay, hạn chế nợ xấu, nâng cao chất lượng các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của NHCSXH trên địa bàn tỉnh Thái Bình còn một số khó khăn, vướng mắc như: Nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng hạn chế, nhất là nguồn vốn ủy thác từ địa phương; đội ngũ cán bộ tổ chức hội, đoàn thể thường xuyên thay đổi, đòi hỏi kinh phí đào tạo, tập huấn lớn; việc bình xét các đối tượng vay vốn ở một số địa phương chưa chặt chẽ; việc xử lý các khoản nợ khoanh nhận bàn giao từ Kho bạc Nhà nước còn chậm; việc triển khai thực hiện Chương trình tín dụng NS&VSMTNT trong điều kiện tỉnh đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cần phải điều chỉnh…
Để thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước đối với các hộ nghèo và đối tượng chính sách trong thời gian tới, bên cạnh trách nhiệm chính của NHCSXH Việt Nam và chi nhánh các tỉnh, thành phố, rất cần có sự vào cuộc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Chính phủ, các cấp, các ngành và chính quyền các địa phương.
Về phía Trung ương, Chính phủ, NHCSXH cần tiếp tục ưu tiên nguồn vốn cho các địa phương có nhu cầu vay vốn lớn, trong đó có tỉnh Thái Bình để thực hiện cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi. Đồng thời, cho phép các chi nhánh được điều chuyển nguồn vốn thực hiện các chương trình, tạo sự linh hoạt và nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn tỉnh. Có cơ chế cho phép NHCSXH xử lý dứt điểm các khoản nợ tồn đọng của Chương trình cho vay giải quyết việc làm nhận bàn giao từ Kho bạc Nhà nước (nợ tồn đọng hiện nay ở Thái Bình còn gần 600 triệu đồng).
Đối với Chương trình tín dụng HSSV, Chính phủ cũng cần có cơ chế giãn nợ đối với HSSV vay vốn có hoàn cảnh khó khăn đã ra trường nhưng chưa có việc làm; có cơ chế xử lý đối với các trường hợp học HSSV vay vốn nhưng bị chết, bị bệnh tâm thần… nhưng kinh tế gia đình gặp khó khăn không có khả năng trả nợ. Còn đối với Chương trình cho vay NS&VSMTNT, hiện nay, tỉnh Thái Bình đang triển khai quy chế chuyển giao các công trình nước sạch do Ngân hàng Thế giới tài trợ trước đây cho các doanh nghiệp tiếp nhận và khai thác; đồng thời thu hút trên 20 doanh nghiệp đầu tư kinh doanh nước sạch trên địa bàn nông thôn, phấn đấu đến năm 2015 có 100% hộ gia đình nông thôn ở Thái Bình được sử dụng nước sạch. Theo đó, các doanh nghiệp đầu tư trang bị đường ống dẫn nước sạch đến cổng các hộ gia đình, kể cả chi phí đóng góp và chi phí lắp đặt thiết bị, mỗi hộ gia đình chỉ đầu tư 3 - 3,5 triệu đồng là có nước sạch. Đề nghị, Chính phủ và NHCSXH nghiên cứu điều chỉnh Chương trình cho vay nước sạch theo hướng cho vay một phần đối với doanh nghiệp kinh doanh nước sạch trên địa bàn nông thôn.
Về phía địa phương, để bổ sung nguồn vốn phục vụ cho vay các đối tượng chính sách, cấp ủy, chính quyền các tỉnh cần quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH hoạt động. Tiếp tục dành một phần kinh phí tiết kiệm chi ngân sách địa phương hàng năm chuyển cho NHCSXH để tạo lập nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hỗ trợ một phần kinh phí để NHCSXH tổ chức tập huấn cho cán bộ các tổ chức hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn trong toàn tỉnh. Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, các tổ chức hội, đoàn thể thực hiện xét duyệt các đối tượng vay vốn chính xác, dân chủ, công khai, kịp thời… tạo điều kiện để nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.
TS. Đinh Ngọc Thạch
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Cho vay hộ cận nghèo và giải quyết việc làm: Đã xử lý được “điểm nghẽn” vốn ưu đãi
- » Đồng hành cùng chương trình thoát nghèo bền vững
- » Vốn cho vay giải quyết việc làm: Cầu nhiều cung ít
- » Cần Thơ đảm bảo đủ nguồn vốn vay cho HSSV năm học mới
- » 100% hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn sử dụng vốn đúng mục đích
- » Dựng nghiệp, mở nghề từ đồng vốn ưu đãi
- » Nghiên cứu thí điểm cho vay hộ mới thoát nghèo
- » Sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi
- » Kon Tum - những câu chuyện thoát nghèo như cổ tích
- » Giúp hộ cận nghèo phát triển kinh tế