Tín dụng chính sách góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai

20/08/2019
(VBSP News) Gia Lai là tỉnh Bắc Tây Nguyên, dân số hơn 1,5 triệu người với 34 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 46,23% (chủ yếu là người Jrai và Bahnar). Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao so với bình quân chung cả nước; đến cuối năm 2018, số hộ nghèo toàn tỉnh là 34.873 hộ, chiếm tỷ lệ 10,04%, giảm 3,3% so với cuối năm 2017, trong đó số hộ nghèo người dân tộc thiểu số là 30.441 hộ, chiếm tỷ lệ 87,29%; số hộ cận nghèo là 34.956 hộ, chiếm tỷ lệ 10,06%, trong đó số hộ cận nghèo người dân tộc thiểu số là 26.801 hộ, chiếm tỷ lệ 76,67%. Đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; khoảng cách giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số ngày càng tăng; một bộ phận không nhỏ người nghèo chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản. Việc giảm tỷ lệ hộ nghèo nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định chính trị của tỉnh.
Đồng chí Dương Văn Trang, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai

Đồng chí Dương Văn Trang, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai

Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội ổn định và bền vững, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của tỉnh, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong thời gian qua, với sự vào cuộc đầy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội đã triển khai đồng bộ các chương trình, dự án hỗ trợ cho người nghèo phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm, trong đó công tác triển khai các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH tỉnh là một trong những giải pháp hữu hiệu, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Sau khi có Chỉ thị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, chỉ đạo phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 40-CT/TW đến các ngành, các cấp. Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy đã căn cứ tình hình cụ thể của địa phương ban hành kế hoạch, chương trình thực hiện Chỉ thị, đồng thời, tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp.
Qua 05 năm triển khai thực hiện, có thể khẳng định Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đi vào cuộc sống, có tác động tích cực đối với mọi mặt đời sống của người dân trên địa bàn, đặc biệt là các đối tượng hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Tỉnh Gia Lai đã huy động mọi nguồn lực để tạo lập nguồn vốn, mở rộng cho vay trên địa bàn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giải ngân cho 222.964 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với số tiền 6.131 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6/2019, tổng nguồn vốn của NHCSXH tỉnh Gia Lai đạt 4.452 tỷ đồng, tăng 1.651 tỷ đồng so với cuối năm 2014 (tỷ lệ tăng bình quân hằng năm 11,78%), trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH tỉnh đạt 178,4 tỷ đồng, tăng 148,4 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. Vốn vay NHCSXH đã đầu tư đúng đối tượng, có hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho người dân trên địa bàn. Tín dụng chính sách đã trở thành một trong những trụ cột tích cực, quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương, cụ thể giai đoạn 2014 - 2015 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 13,96% còn 11,36%; giai đoạn 2016 - 2018 giảm từ 19,71% xuống còn 10,04% (theo chuẩn nghèo đa chiều); đến nay có 60 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế ở nông thôn.
Bên cạnh đó, Chỉ thị số 40-CT/TW đã tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên; hoạt động tín dụng ưu đãi tại NHCSXH tỉnh đã khẳng định là một công cụ hữu hiệu của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, củng cố hơn nữa lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần tích cực trong việc xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở.

Gia đình anh H’Nich, người dân tộc Ba Na ở làng K’Tăng, xã K’Răng, huyện Đắk Đoa (Gia Lai) vay vốn chính sách từ chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo trồng cà phê và hồ tiêu

Gia đình anh H’Nich, người dân tộc Ba Na ở làng K’Tăng, xã K’Răng, huyện Đắk Đoa (Gia Lai) vay vốn chính sách từ chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo trồng cà phê và hồ tiêu

Đạt được những kết quả nêu trên là nhờ sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của các cấp, các ngành, các địa phương và NHCSXH tỉnh. Để phát huy kết quả sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, thời gian tới Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung nguồn lực để thực hiện có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn. Tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách tín dụng đến đối tượng thụ hưởng. Lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương, MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phải thường xuyên gắn với chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội. NHCSXH tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong hơn 15 năm qua, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 12/4/2017 của Tỉnh ủy về giảm nghèo nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025; Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 04/6/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về ngăn chặn tình trạng vay tiền, mua nợ hàng hóa lãi suất cao trên địa bàn tỉnh; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các cấp, tranh thủ các nguồn vốn ủy thác từ địa phương, chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả; nâng cao hiệu quả phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội; phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ… nhằm tạo điều kiện, mang lại lợi ích thiết thực cho người nghèo và các đối tượng chính sách.

Dương Văn Trang - Ủy viên BCH Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai

Các tin bài khác