Vốn chính sách giúp đồng bào vùng cao Gia Lai giảm nghèo

20/08/2019
(VBSP News) Là một tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu DTTS cao (chiếm trên 46% dân số), Gia Lai là địa phương cần có sự hỗ trợ lớn của các tổ chức tín dụng; trong đó nguồn lực chủ yếu là nguồn vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH để góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Với 222 Điểm giao dịch xã, bà con tỉnh Gia Lai được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận nguồn vốn vay

Với 222 Điểm giao dịch xã, bà con tỉnh Gia Lai được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận nguồn vốn vay

Cuối năm 2014, Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40) được ban hành, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Anh Ksor Hă ở làng Sung Le Tung, xã Ia KLa, huyện Đức Cơ chia sẻ, năm 2014, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, kinh tế gặp nhiều khó khăn. Hai vợ chồng chỉ đi trông vườn thuê cho một doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn nên thu nhập không cao, trong khi phải nuôi bốn người con ăn học. Hiểu được hoàn cảnh của gia đình, Tổ tiết kiệm và vay vốn làng Sung Le Tung đã giới thiệu, giúp đỡ, hỗ trợ anh tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Nhờ đó, gia đình đã thoát nghèo, kinh tế ngày một khấm khá.
Năm 2014, Anh Ksor Hă vay 30 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư mua 4 con bò. Đến năm 2017, đàn bò phát triển thành 7 con, anh đã bán bớt để trả nợ ngân hàng rồi tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng để mua thêm 3ha cao su, 3ha điều và 0,4ha cà phê. Trừ chi phí, mỗi năm anh thu về khoảng 100 triệu đồng; gia đình anh đã thoát nghèo, các con anh có điều kiện được học tập ổn định.
Giống như anh Ksor Hă, anh Rơ Ô Súy ở buôn Đoàn Kết, xã Chư RCăm, huyện Krông Pa cũng được vay 50 triệu đồng từ NHCSXH năm 2016 để mua 3 con bò. Đến nay, đàn bò đã phát triển nên thành 6 con. Gia đình bắt đầu bán bò để để tiếp tục đầu tư cho 2ha sắn, 2 sào lúa rẫy. Trừ hết chi phí, mỗi năm anh thu về trên 30 triệu đồng. Khoản tiền vay của ngân hàng đến cuối năm 2020 mới phải trả nên anh Rơ Ô Súy yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế, nuôi con cái ăn học.

Anh Rơ Ô Súy ở buôn Đoàn Kết, xã Chư RCăm, huyện Krông Pa thoát nghèo nhờ mua bò từ nguồn vốn của NHCSXH

Anh Rơ Ô Súy ở buôn Đoàn Kết, xã Chư RCăm, huyện Krông Pa thoát nghèo nhờ mua bò từ nguồn vốn của NHCSXH

Từ khi có Chỉ thị số 40, NHCSXH tỉnh Gia Lai đã giải ngân cho gần 223.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn với số tiền trên 6.100 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng đã đầu tư đúng đối tượng, có hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn giúp dân đầu tư, phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo bền vững.
Cụ thể, 05 năm qua, nguồn vốn ưu đãi đã giúp trên 87.000 lượt hộ thoát nghèo; giải quyết, tạo việc làm cho hơn 26.000 lao động; giúp gần 13.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; giải quyết cho 102 lao động đi làm việc tại nước ngoài; xây dựng hơn 92.376 công trình NS&VSMTNT; giúp 1.512 hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở…
Tỉnh ủy Gia Lai cũng đã dành 148,4 tỷ đồng ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay. Đến ngày 30/6/2019, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH đạt 178,4 tỷ đồng, chiếm 4% tổng nguồn vốn NHCSXH tỉnh Gia Lai.
Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội tại Gia Lai đã quan tâm hơn với hoạt động tín dụng chính sách xã hội và phối hợp thực hiện hiệu quả. Hiện, tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn đều có Điểm giao dịch; mạng lưới 3.443 Tổ tiết kiệm và vay vốn phủ khắp các thôn, làng… Điều này góp phần công khai chính sách tín dụng của Nhà nước, danh sách hộ vay vốn cũng như quy trình, thủ tục giải ngân.
Riêng 4 tổ chức chính trị - xã hội đang phối hợp với NHCSXH tỉnh Gia Lai tham gia quản lý trên 139 nghìn hộ vay vốn với số tiền 4.438 tỷ đồng (chiếm 99,94% tổng dư nợ). Giám đốc NHCSXH tỉnh Gia Lai Lê Văn Chí cho biết, NHCSXH tỉnh Gia Lai đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp ngành địa phương tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 40. Đơn vị tập trung triển khai cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, giúp hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, tạo điều kiện để người thụ hưởng vươn lên thoát nghèo. Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm từ 13,96% năm 2014 xuống còn 10,04% vào cuối năm 2018.
Thời gian tới, NHCSXH tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến các đối tượng thụ hưởng; kết hợp với hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho hộ vay, giúp họ sử dụng nguồn vốn hiệu quả, từng bước vươn lên thoát nghèo. Cùng đó, ngân hàng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý vốn vay để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích.

Bài và ảnh Dư Toán/TTXVN

Các tin bài khác