Tín dụng chính sách đối với người có công với cách mạng

13/02/2018
(VBSP News) Chương trình cho vay hỗ trợ vốn sản xuất đối với người có công với cách mạng là sáng kiến của NHCSXH tỉnh Hậu Giang đề xuất và đuợc HĐND, UBND tỉnh Hậu Giang thông qua theo Nghị quyết số 30/2017/NQ-HĐND và Quyết định số 1023/QĐ-UBND. Nhờ nguồn vốn địa phương này đã giúp cho hàng trăm hộ gia đình chính sách có điều kiện phát huy truyền thống gương mẫu của gia đình trong phát triển kinh tế, gia tăng thu nhập và ổn định cuộc sống.

Ông Liêm đang kiểm tra cua đinh giống

Niềm vui được thụ hưởng chính sách mới

Ghé ấp 4, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, đến thăm gia đình ông Nguyễn Thanh Liêm -một trong những CCB đã tham gia kháng chiến chống Mỹ nay được thụ hưởng chính sách về hỗ trợ vốn sản xuất từ nguồn địa phương dành riêng cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang thông qua NHCSXH tỉnh để đầu tư vào trồng trầu và nuôi cua đinh.

Trở về địa phương sau những năm tháng cống hiến trong quân ngũ, hành trang là chiếc ba lô chứa đầy những kỷ vật của một thời chiến đấu oanh liệt, đồng đội ông có người đã mãi mãi nằm xuống dưới cỏ xanh, có những người trở về với thương tật đầy mình, có người bị nhiễm chất độc màu da cam, bản thân ông cũng mang trong mình những vết thương của chiến tranh, với tỷ lệ thương tật 25% (thương binh hạng 4/4).

Khép lại những năm tháng lửa đạn trong quá khứ, gần nửa thế kỷ qua, người lính năm xưa ấy chưa lúc nào dừng bước trước cuộc chiến đấu mới - cuộc chiến đấu không có tiếng súng, tiếng bom trên mặt trận giảm nghèo. Năm nay tuy đã 70 tuổi, cái tuổi đáng ra phải nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu, nhưng thương binh Nguyễn Thanh Liêm vẫn hằng ngày cần mẫn lao động, hăng say làm kinh tế, là tấm gương thoát nghèo cho nhiều CCB khác noi theo và làm đẹp thêm truyền thống bộ đội cụ Hồ giữa thời bình.

Khi địa phương có chính sách riêng về hỗ trợ vốn SXKD cho người có công với cách mạng ông Liêm không ngần ngại đứng ra xin vay vốn, số tiền 20 triệu đồng từ NHCSXH huyện Vị Thủy để đầu tư vào trồng hơn 1.000m2 trồng trầu và mua thêm cua đinh giống (hay còn gọi là ba ba Nam Bộ) để tiếp tục nhân rộng đàn.

Đây không phải là lần đầu tiên vay vốn từ NHCSXH, trước đó gia đình ông đã được NHCSXH huyện Vị Thủy phê duyệt cho vay 30 triệu đồng chương trình hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Nguồn vốn vay rất có ý nghĩa, kịp thời động viên và hỗ trợ những người lính trong phát triển kinh tế giữa thời bình. Đặc biệt, việc đóng lãi và tiết kiệm hàng tháng giúp giảm áp lực trả nợ gốc rất lớn. Đến hạn, trả nợ là nhẹ không - ông Liêm cho biết.

Với cây trầu, cứ 12 ngày là cho thu hoạch lá một lần, mỗi lần ông bán được từ 1 - 2 triệu đồng, đầu ra của lá trầu đã được lái buôn trong vùng đảm bảo, việc chăm sóc lại không tốn mấy công sức, hơn nữa cây trầu lại phù hợp với chất đất nơi đây nên rất dễ phát triển. Thường ngày, 2 ông bà tranh thủ lúc rảnh rỗi ra vườn trầu tỉa bớt lá sâu, lá không đạt chất lượng và tưới cho cây. Vợ ông từ sau đợt tai biến, đến nay sức khỏe đã yếu hơn nhưng nhờ có những gốc trầu mà bà vẫn giúp được thêm cho ông đỡ vất vả hơn.

Một phần tiền vốn vay từ chương trình hỗ trợ SXKD cho người có công với cách mạng được ông Liêm đầu tư vào mua thêm cua đinh giống. Ông Liêm chia sẻ, ông bắt đầu nuôi cua đinh từ cách đây 3 năm và học được cách nuôi cua đinh từ chính cậu con rể  của mình hiện sinh sống tại Long An. Ban đầu ông cũng lo thất bại, một phần do cua giống có giá rất cao (400 - 500 nghìn đồng/con) và ông chưa có kinh nghiệm nuôi cua đinh lần nào. Tuy nhiên, sau 3 năm giờ đây trên 100 con cua đinh (bao gồm cả cua giống và cua thịt) đang phát triển rất tốt. Chỉ khoảng 1 năm nữa thôi là ông sẽ có thu nhập không nhỏ từ việc bán cua đinh thịt, với giá bán trên thị trường hiện nay không dưới 500 nghìn đồng/kg, trong khi đó con cua đinh lớn cũng phải được từ 6 - 7kg.

Một trong những hộ gia đình khác cũng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh đối với người có công là ông Phương Thế Hoàng, ấp 6, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, vay vốn 35 triệu đồng, tận dụng mặt kênh trước nhà để đầu tư vào nuôi gà và vịt lấy trứng. 300 con vịt đẻ hôm nào cũng cho ông thu hoạch từ 100 -200 nghìn tiền bán trứng, số gà dự kiến bán trong dịp Tết sẽ cho ông thêm nguồn thu nhập khoảng 6 triệu đồng.

Ông Hoàng cho biết: Lãi suất vay chương trình rất thấp, có 0,6%/tháng, vui nhất là mình được gửi tiết kiệm ít một hàng tháng, phù hợp với thu nhập, cứ vài tháng lại gạt sang trả bớt nợ gốc một phần, nên đến hạn trả nợ gốc tôi không còn lo lắng nữa.

Hiệu quả nhưng chưa đáp ứng hết nhu cầu vay vốn

Đánh giá về chính sách cho vay đối với người có công với cách mạng, anh Lê Thanh Tiếp - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp 6, xã Vĩnh Thạnh Đông, huyện Long Mỹ cho biết, Khi có chương trình mới này, trong Tổ tiết kiệm và vay vốn đã họp lại với nhau, địa phương phối hợp với xã thành lập các tổ truyền đạt cho bà con những cách làm hay, những mô hình kinh tế hiệu quả để bà con có thể áp dụng vào phát triển kinh tế hộ gia đình. 9 hộ gia đình khác của người có công trong xã Vĩnh Thuận Đông cũng đều làm ăn có lãi ngay sau khi vay vốn chính sách, đơn cử như gia đình chị Lanh đã dùng 50 triệu đồng tiền vay để cải tạo hơn 1ha đất lúa để chuyển sang trồng màu, thay vì trước đây cũng với thời gian và công sức lao động như vậy nhưng hiệu quả kinh tế không cao, thì giờ đây ngày nào chị cũng đều có vài trăm nghìn thu được từ tiền bán ớt và bán cà.

Ông Nguyễn ThanhTriều - Giám đốc NHCSXH tỉnh Hậu Giang chia sẻ: Chương trình cho vay đối với người có công với cách mạng mang tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của dân tộc, nên được bà con nhân dân trong tỉnh đồng tình ủng hộ. Sau 5 tháng triển khai chương trình, đã giúp cho 248 hộ gia đình người có công đầu tư vào các mô hình làm ăn một cash hiệu quả như cải tạo vườn trồng hoa màu, chăn nuôi, buôn bán nhỏ, dần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, con số trên còn quá nhỏ so với nhu cầu vay vốn của 19 nghìn hộ gia đình có công trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Mong muốn Chính phủ có một chương trình riêng từ ngân sách của Trung ương để hỗ trợ cho các đối tượng người có công được tiếp cận với chính sách đặc thù. Chỉ cần bổ sung nguồn vốn, còn lại không ảnh hưởng đến bộ máy và quy trình của NHCSXH.

Nếu sáng kiến cho hộ gia đình người có công vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất được nghiên cứu xây dựng thành chính sách đặc thù, áp dụng rộng rãi thì tất cả người có công trên cả nước sẽ có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, xóa nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.

Trúc Quỳnh Trần thực hiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác