Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: Nợ xấu đã được minh bạch hơn

29/09/2014
(VBSP News) Chiều ngày 29/9, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Xử lý ngân hàng yếu kém chỉ là giai đoạn đầu của tái cơ cấu

Điều hành phiên chất vấn này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: Thời gian vừa qua, Thống đốc NHNN đã có nhiều nỗ lực và thận trọng, hiệu quả trong điều hành, góp phần tăng tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng, giảm mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý. “Đặc biệt, Thống đốc cũng chỉ đạo quyết liệt tái cơ cấu hệ thống các TCTD, xử lý nợ xấu và đến nay đã đạt kết quả ban đầu”, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Trong phần chất vấn, đã có 19 đại biểu Quốc hội đặt ra 37 câu hỏi với Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình về các nội dung: thực hiện chính sách tiền tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát trong thời gian qua; quá trình tái cơ cấu hệ thống NHTM, kết quả xử lý nợ xấu; tình hình cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế…

Với phong cách trả lời thẳng thắn, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã lần lượt làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Theo đó, liên quan đến vấn đề tái cơ cấu hệ thống các TCTD, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trong Đề án tái cơ cấu các TCTD được Bộ Chính trị thông qua và đầu năm 2012 Chính phủ ban hành Đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015 thì việc tái cơ cấu có nhiều nội dung, triển khai trong nhiều giai đoạn.

“Tái cơ cấu ngân hàng yếu kém đó chỉ là giai đoạn đầu, còn tiếp theo bao gồm cả tái cơ cấu NHTM Nhà nước, NHTM nước ngoài, hệ thống Quỹ tín dụng Nhân dân và Công ty tài chính. Ngoài ra, để làm nền tảng cho tái cơ cấu, có nhiều biện pháp được NHNN sử dụng, trong đó có cả biện pháp cơ chế chính sách để giúp tái cơ cấu hiệu quả theo hướng vừa xử lý các TCTD yếu kém nhưng đảm bảo ổn định hệ thống ngân hàng và giúp ổn định kinh tế vĩ mô”, Thống đốc nhấn mạnh.

Với các NHTM, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, hiện nay các NHTM đều đã xây dựng đề án tái cơ cấu trình NHNN. Đến nay đã cổ phần hóa 4 NHTM Nhà nước trừ Agribank. Mặc dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhưng việc cổ phần hóa các NHTM Nhà nước được diễn ra với kết quả ngoài sức mong đợi. Thể hiện ở chỗ, phát hành cổ phiếu của các NHTM đạt mức giá rất cao, thể hiện tiềm năng phát triển của hệ thống ngân hàng đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Riêng Agribank là ngân hàng có nhiều yếu kém, hậu quả để lại nặng nề. Thời gian qua NHNN đã xây dựng tái cấu trúc ngân hàng này với 8 đề án nhỏ, đã được Chính phủ phê duyệt và đang triển khai. Theo đó, NHNN đã tiến hành “thay máu” cho ngân hàng này với các biện pháp quyết liệt. Đến nay, Agribank đã thay đổi cơ bản Hội đồng quản trị, ban kiểm soát.

NHNN cũng giao một Phó Thống đốc trực tiếp chỉ đạo tái cơ cấu Agribank. Nhờ đó, đến nay Agribank đã tiến bộ rõ rệt. Năm nay, Agribank có thể đạt tăng trưởng tín dụng khoảng 7 - 8%. Bên cạnh đó, nếu như trước đây Agribank hoạt động trên nhiều lĩnh vực, thì nay tỷ trọng cho vay tam nông chiếm tới 75% tổng dư nợ và phấn đấu tỷ trọng này trên 80% trong vài năm tới.

Nhiều nước có Luật về mua bán nợ

Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã nêu ra 4 phương thức xử lý nợ xấu mà thế giới đang áp dụng để mở đầu cho phần trả lời về xử lý nợ xấu. Ở Việt Nam hiện đang sử dụng phương thức Chính phủ đứng ra xử lý nợ xấu thông qua VAMC. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất so với các nước là Việt Nam không dùng tiền ngân sách để mua đứt bán đoạn nợ xấu.

“Ở các nước, từ khủng khoảng kinh tế châu Á năm 1997 - 1998, có nước đã sử dụng 20% GDP để xử lý nợ xấu, thậm chí có nước sử dụng 70% GDP, còn nước ít nhất là sử dụng 7-10% GDP”, Thống đốc dẫn chứng.

Mặc dù vậy, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, trong 3 năm qua hệ thống ngân hàng đã xử lý được 249 nghìn tỷ đồng nợ xấu, ngoại trừ một số xử lý qua VAMC, còn lại đa số nợ xấu được xử lý qua trích lập dự phòng của TCTD. Đến hết tháng 7/2014, số dự phòng các TCTD đã trích lập là 78 nghìn tỷ đồng để cuối năm nay tiếp tục xử lý nợ xấu. Đặc biệt, theo đánh giá của NHNN hiện nay tài sản đảm bảo có giá trị cao gấp 2 lần số nợ xấu.

Lý giải về việc nợ xấu thời gian gần đây gia tăng trở lại, người đứng đầu ngành Ngân hàng cho biết, thường thì các TCTD xử lý nợ xấu vào cuối năm khi đã hạch toán thu biết lỗ lãi, lợi nhuận, biết được trích lập dự phòng rủi ro nên khi đó họ mới xử lý nợ xấu. Chính vì vậy, con số nợ xấu thường giảm mạnh vào 31/12 hàng năm.

“Trong năm, do các khoản nợ đến hạn chưa trả được thì nợ tích tụ lại và tăng dần lên. Đặc biệt, từ tháng 6/2014, khi hệ thống ngân hàng áp dụng Thông tư 02 và Thông tư 09 - Đây là các văn bản quy phạm phát luật nâng tầm phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro một cách chặt chẽ hơn theo quy định quốc tế nên nợ xấu cũng gia tăng”, Thống đốc giải thích thêm.

Tính đến tháng 7/2014 các TCTD báo cáo nợ xấu ở mức 4,11%, cao hơn mức 3,9% của cuối năm 2013 (tại thời điểm đó, theo giám sát của NHNN tỷ lệ nợ xấu là 8%). Nhưng có sự khác biệt là hiện nay cơ chế giám sát đã được NHNN làm tốt hơn nên nợ xấu đã minh bạch hơn.

Về hoạt động của VAMC, Thống đốc cho biết, đến ngày 24/9 đã mua 47 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Theo kế hoạch, VAMC sẽ mua khoảng 70 nghìn tỷ đồng trong năm nay, cộng thêm 78 nghìn tỷ đồng trích lập dự phòng của các TCTD thì nợ xấu được xử lý thêm đáng kể trong năm nay.

Trả lời băn khoăn của đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) về việc: năng lực của VAMC hay vướng mắc về pháp lý trong mua bán nợ, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, các tổ chức quốc tế cho rằng, trong bối cảnh khó khăn sự thành lập và hoạt động VAMC là chấp nhận được. Liên quan đến Luật mua bán nợ, Thống đốc cho biết, hiện tất cả các nước đều có Luật về mua bán nợ.

“Do thời gian cấp bách nên chưa thể đưa ra Luật ngay, nhưng trong giải pháp xử lý nợ xấu chúng ta phải có cả bước đi ngắn hạn và dài hạn. Chúng tôi cũng đã liệt kê những vướng mắc trong vấn đề xử lý nợ xấu để báo cáo Chính phủ tháo gỡ và trao đổi, bàn bạc với Quốc hội trong thời gian tới”, Thống đốc cung cấp thêm thông tin.

Về lo ngại của nhiều đại biểu Quốc hội, liệu tăng trưởng tín dụng có đạt mục tiêu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, đến cuối tháng 9/2014, tăng trưởng tín dụng đạt xấp xỉ 7% so với cuối năm 2013, tăng hơn với mức 6,87% của 9 tháng năm ngoái. Nếu nhìn vào con số tăng trưởng tín dụng quá khứ của Quý 4 năm 2012 là trên 6% và năm 2013 là 6,04%, thì Quý 4/2014 tín dụng chỉ cần tăng trên 5% là đạt mục tiêu đề ra.

Các chỉ tiêu hoạt động tiền tệ, ngân hàng đều đã đạt mức hợp lý và tích cực. Tuy nhiên, để năm 2015 và năm 2016 thành công hơn nữa thì đề nghị hệ thống ngân hàng tiếp tục phát huy khả năng trong điều hành để có hệ thống ngân hàng lành mạnh. Phải làm sao để các ngân hàng cho vay mà không lo ngại tăng nợ xấu, hoạt động theo cơ chế thị trường, trích lập dự phòng đầy đủ, đảm bảo không để rủi ro xảy ra. 

Các TCTD phải hướng tới hoạt động theo chuẩn quốc tế và khu vực về hoạt động ngân hàng. Do đó, hoạt động tái cơ cấu, chính sách kinh tế, chính sách tín dụng và tài chính phải phù hợp, để cuối năm 2015 chúng ta có những TCTD đạt chuẩn, yên tâm hơn trong phục vụ nền kinh tế. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng kết luận

Quang Cảnh ghi

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác