Phương thức quản lý tín dụng chính sách tại NHCSXH

12/10/2014
(VBSP News) Để có bộ máy quản lý, điều hành gọn nhẹ, tiết giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo việc đưa vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng chính sách được kịp thời, Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc cho vay vốn của NHCSXH thông qua phương thức ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội theo hợp đồng ủy thác hoặc trực tiếp cho vay đến người vay; việc cho vay căn cứ vào kết quả bình xét của Tổ tiết kiệm và vay vốn.

(ảnh 1) Phương thức quản lý tín dụng chính sách tại NHCSXH

Các chương trình và khối lượng tín dụng chính sách mà NHCSXH thực hiện ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng tăng. Năm 2003, chỉ có chương trình cho vay hộ nghèo với dư nợ là 6.290 tỷ đồng, năm 2004 thêm Chương trình cho vay NS&VSMTNT với tổng dư nợ 9.959 tỷ đồng, năm 2008, thực hiện 9 chương trình với tổng dư nợ là 48.941 tỷ đồng. Đến nay, tín dụng ủy thác lên tới gần 20 chương trình, dự án với tổng dư nợ 126.523 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 29,4%; với gần 7 triệu hộ còn dư nợ, tăng hơn 5 triệu khách hàng so với thời điểm thành lập. Trong quá trình triển khai thực hiện dịch vụ ủy thác, các tổ chức chính trị - xã hội đã xây dựng, củng cố và sắp xếp lại Tổ tiết kiệm và vay vốn, hiện có 197.792 tổ đang hoạt động.

Thực hiện dịch vụ ủy thác một số công việc qua các tổ chức chính trị - xã hội đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng tín dụng, thể hiện: nợ quá hạn trong số dư nợ ủy thác có tỷ lệ giảm dần từ 4,5% khi nhận bàn giao còn 1,3% năm 2007, đến năm 2012 là 0,94%; và đến nay xuống còn là 0,5%.

Thông qua phương thức ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hộiđã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị - xã hộivới hàng vạn người từ Trung ương đến cơ sở để chuyển tải nguồn vốn của Nhà nước đến hàng triệu người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp đỡ họ biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội.

Hoạt động nhận ủy thác cũng đã tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hộicó thêm điều kiện củng cố tổ chức của mình sát dân, gần dân hơn, hoạt động hiệu quả hơn; thực hiện chức năng, nhiệm vụ của hội, đoàn thể tốt hơn; năng lực của cán bộ hội, đoàn thể được nâng cao kể cả ở những nơi vùng sâu, vùng xa, miền núi, làm cho hội viên gắn bó hơn với các tổ chức hội. Việc thực hiện dịch vụ ủy thác cũng đã góp phần nâng cao năng lực tổ chức điều hành và phối hợp của đội ngũ cán bộ hội, đặc biệt cán bộ cấp cơ sở. Tổ chức hội, đoàn thể các cấp có thêm nguồn kinh phí hoạt động và thực hiện tốt hơn việc lồng ghép các chương trình, kế hoạch của hội, đoàn thể với chương trình tín dụng chính sách.

Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện tốt hơn; có nhiều người tham gia kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của người vay và hướng dẫn, giúp đỡ người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả để có nguồn trả nợ, trả lãi ngân hàng tốt hơn.

Tổ tiết kiệm và vay vốn là nền tảng để nâng cao hiệu quả và chất lượng vốn tín dụng, tổ hoạt động tốt, tương trợ, phổ biến kinh nghiệm giúp người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, tạo thu nhập. Tổ cũng là nơi đề xuất những đối tượng có nhu cầu vay vốn đảm bảo thực hiện được mục tiêu công khai, dân chủ cũng là việc giám sát của cộng đồng trong việc vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, hạn chế tiêu cực phát sinh trong việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội.

Hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn đã giúp được nhiều hộ nghèo vượt khó, vươn lên thoát nghèo, có việc làm ổn định. Khi sinh hoạt tổ, các thành viên được cung cấp nhiều nguồn thông tin, được học tập chuyển giao KHKT, áp dụng vào sản xuất, kinh doanh, được chăm sóc sức khỏe, được trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau và tạo nên sức mạnh cộng đồng dân cư đầm ấm nghĩa tình.

Nhằm tăng cường khả năng tiếp cận các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với người nghèo và các đối tượng chính sách; tiết giảm các chi phí giao dịch của người vay; thực hiện dân chủ, công khai việc cho vay vốn tín dụng chính sách, NHCSXH đã tổ chức giao dịch tại xã để phục vụ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong việc vay vốn, trả nợ, trả lãi NHCSXH đồng thời là nơi NHCSXH trao đổi thông tin, giải đáp các vướng mắc với người nghèo và các đối tượng chính sách khác cũng như trao đổi phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương để làm tốt các chính sách tín dụng đến người thụ hưởng. Nơi tổ chức giao dịch tại xã gọi là Điểm giao dịch xã và phục vụ tại Điểm giao dịch xã là Tổ giao dịch của NHCSXH nơi cho vay.

Giải ngân vốn chính sách tại Điểm giao dịch

Giải ngân vốn chính sách tại Điểm giao dịch

Tại các Điểm giao dịch, NHCSXH thực hiện công khai chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng và Chính phủ, chính sách lãi suất, công khai dư nợ, thời hạn trả nợ, số lãi còn phải trả, số dư tiền gửi tiết kiệm của từng hộ… và tổ chức giao dịch theo lịch cố định tại các Điểm giao dịch. Nhờ vậy các chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được công khai, minh bạch tại các Điểm giao dịch tại xã và tại UBND các xã không đặt Điểm giao dịch. Từ đó tạo điều kiện cho chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân được biết để cùng thực hiện, đồng thời kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng ưu đãi, góp phần đưa hoạt động NHCSXH đến gần dân và sát dân hơn từ đó tạo điều kiện cho NHCSXH thuận lợi trong quá trình triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi.

Những năm qua, hoạt động của Tổ giao dịch tại các Điểm giao dịch tại xã đã không ngừng được củng cố, hoàn thiện và dần dần đi vào nề nếp, được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và người dân ghi nhận, nhiệt tình ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi nhất về cơ sở vật chất cho Điểm giao dịch tại xã hoạt động. Hoạt động của Tổ giao dịch tại Điểm giao dịch xã đã đưa hoạt động ngân hàng đến gần dân và sát dân, góp phần đưa đồng vốn tín dụng chính sách đến đúng người thụ hưởng với một chi phí thấp nhất và hạn chế tiêu cực phát sinh.

Giải pháp tổ chức mạng lưới giao dịch lưu động tại xã của NHCSXH được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nhiệt tình ủng hộ. Nhờ có mạng lưới Điểm giao dịch tại xã, các chương trình tín dụng chính sách được thực hiện nhanh chóng hơn, chất lượng tín dụng được nâng lên rõ rệt phù hợp với đặc trưng của NHCSXH là khách hàng nhiều, mức vay ít, địa bàn rộng, đi lại khó khăn, giao dịch không thường xuyên.

Với kết quả thực hiện hơn một thập kỷ qua, có thể khẳng định phương thức ủy thác một số công việc qua các tổ chức chính trị - xã hội là sáng tạo, phù hợp với tôn chỉ hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, phù hợp với tính chất chính trị, xã hội của tín dụng chính sách, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Phương thức cho vay trực tiếp với mô hình Tổ tiết kiệm và vay vốn có ủy thác một số khâu tác nghiệp cho các tổ chức chính trị - xã hội theo các nguyên tắc chính là: Bình xét dân chủ, công khai; vốn giải ngân trực tiếp đến người vay tại xã/phường thông qua hoạt động của Tổ giao dịch tại Điểm giao dịch xã, nhằm tiết giảm tối đa chi phí cho người vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận được với dịch vụ tài chính tín dụng, trong khi vẫn tiết kiệm được chi phí quản lý cho ngân sách Nhà nước. Phương thức này thể hiện tính ưu việt riêng có của NHCSXH.

Theo đánh giá của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Chính sách tín dụng cho hộ nghèo là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là một trong những “Điểm sáng” trong các chính sách giảm nghèo. Đây cũng là chính sách xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước thông qua NHCSXH với các tổ chức đoàn thể và người nghèo, phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo với chính quyền cơ sở thông qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng… Việc tổ chức giao dịch tại xã của NHCSXH đã tạo được hệ thống dịch vụ gần dân, thân thiện và có trách nhiệm, tiết kiệm chi phí giao dịch, đi lại cho người dân, mô hình tổ chức và hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn hỗ trợ hiệu quả cho từng hộ nghèo”.

Để phương thức quản lý tín dụng chính sách ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng cao hơn góp phần vào sự phát triển bền vững của NHCSXH, cần có một số giải pháp. Đào tạo đội ngũ cán bộ làm ủy thác, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn có kiến thức cơ bản về quản lý tín dụng; kiểm tra giám sát; phát hiện, phòng ngừa rủi ro; tư vấn, hướng dẫn sử dụng vốn hiệu quả cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách. Thường xuyên phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, củng cố kiện toàn tổ yếu kém theo kế hoạch; tổ chức đối chiếu nợ, tuyên truyền hộ vay trả nợ, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, quá hạn, lãi tồn đọng, lập hồ sơ nợ bị rủi ro…

Đẩy mạnh phát triển cơ sở vật chất, công nghệ thông tin. Tranh thủ nguồn lực từ Trung ương và địa phương để đầu tư, nâng cấp, ổn định trụ sở ngân hàng các cấp, kho tàng, phương tiện vận tải, trang thiết bị làm việc, đặc biệt là trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của các tổ giao dịch và các Điểm giao dịch xã. Hoàn thiện và bổ sung kịp thời những quy định về tổ chức hoạt động giao dịch tại Điểm giao dịch xã nhằm nâng cao hiệu quả, tăng năng suất lao động, giảm thời gian giao dịch nhưng đảm bảo an toàn về con người và tài sản.

Tiếp tục triển khai có chất lượng các sản phẩm, dịch vụ hiện có. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như: Tiết kiệm, thanh toán, chuyển tiền, chi trả kiều hối, đào tạo, tư vấn tài chính vi mô, nhận dịch vụ ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

Bài và ảnh HH

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác