Phát huy sức mạnh toàn hệ thống chính trị - xã hội cùng chung tay giảm nghèo bền vững
Điều hành Hội nghị có đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị - Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Phùng Quốc Hiển, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng - Thống đốc NHNN Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH; đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên BCH Trung ương Đảng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; đồng chí Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội; đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Uỷ ban TW MTTQ Việt Nam; đồng chí Dương Quyết Thắng, Ủy viên HĐQT - Tổng Giám đốc NHCSXH.
Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí Lãnh đạo Đảng, các Ban, Bộ, ngành Trung ương, địa phương, hơn 400 đại biểu trong nước, quốc tế và hơn 10.000 đại biểu tại các điểm cầu là Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy, Sở ngành, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trên cả nước.
Nhân lên niềm tin với Đảng và Chính phủ
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Kể từ khi thành lập đến nay, quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng là phát triển kinh tế phải đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Từ những chủ trương và chính sách đúng đắn của Đảng đối với các đối tượng chính sách trong quá trình phát triển kinh tế, công tác xóa đói, giảm nghèo ở nước ta trong thời gian qua đạt được những kết quả nổi bật. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm xuống chỉ còn dưới 3% vào năm 2020. Việt Nam đã sớm hoàn thành các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, trở thành hình mẫu cho các quốc gia đang phát triển về xóa đói, giảm nghèo.
Trong số các chính sách xã hội được triển khai, tín dụng chính sách xã hội là một điểm sáng, được đánh giá là giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Chỉ thị số 40 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và thông qua đó, chính là tiếp tục khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.
5 năm qua, dưới sự chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Chính phủ; sự tham mưu kịp thời của NHNN Việt Nam và NHCSXH trong việc thực hiện Chỉ thị số 40, từ các Bộ, ban, ngành đến các cấp ủy, chính quyền địa phương đã đưa tín dụng chính sách xã hội trở thành một nội dung quan trọng trong các chương trình, kế hoạch hoạt động của mình, để chỉ đạo cũng như giám sát thực thi. Cấp uỷ Đảng từ Trung ương đến địa phương, chính quyền các cấp đã coi việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên. Điều này có thể thấy rõ qua hệ thống văn bản triển khai Chỉ thị xuyên suốt theo các cấp từ Trung ương đến địa phương để tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ trong cả nước gắn việc huy động và sử dụng nguồn vốn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kết nối với các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt vai trò tuyên truyền, thực hiện và giám sát nguồn vốn chính sách. Cùng với đó là sự vào cuộc của hàng triệu đảng viên với vai trò cầu nối đưa chính sách vào cuộc sống.
Báo cáo Chỉ thị số 40 tại Hội nghị được đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên BCH Trung ương Đảng - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương trình bày càng thấy rõ Chỉ thị số 40 là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền trên cả nước.
Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện việc tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước vào NHCSXH; ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện các chương trình, dự án tín dụng chính sách xã hội, thông qua việc Quốc hội ban hành kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước hàng năm, trung hạn và dài hạn; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 6 cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội; các Bộ ngành theo chức năng nhiệm vụ của mình đã ban hành các thông tư hướng dẫn về cơ chế quản lý tài chính đối với NHCSXH, theo hướng tăng tính chủ động, bảo đảm hiệu quả cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội và hoạt động của NHCSXH, qua đó làm giảm “gánh nặng” ngân sách Nhà nước trong cấp bù lãi suất và phí quản lý cho NHCSXH. Ban hành thông tư hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. HĐND, UBND các cấp căn cứ chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính tiếp tục dành một phần ngân sách hàng năm ủy thác qua NHCSXH để cho vay các đối tượng chính sách xã hội; ban hành cơ chế đặc thù và quy chế quản lý, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách địa phương uỷ thác qua NHCSXH để triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Một số tỉnh, thành phố ban hành chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo quốc gia đã bố trí đủ nguồn lực để cho vay các đối tượng này.
Khi từng thành tố quyết tâm thực hiện hóa ý Đảng
Để rồi nhìn lại chỉ sau 5 năm, quá trình chuyển biến sâu sắc từ nhận thức đến hành động của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với tín dụng chính sách xã hội, coi đó trở thành “đòn bẩy” - một công cụ quan trọng trực tiếp thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đã khiến nguồn vốn ủy thác qua địa phương tăng 15.697 tỷ đồng gấp 4,1 lần so với giai đoạn trước, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương qua hệ thống NHCSXH đến 30/6/2020 đạt 19.505 tỷ đồng.
Đặc biệt, Hà Nội khi sáp nhập có tới hơn nửa thành phố với 18 quận, huyện và 386 xã, phường có tỷ lệ hộ nghèo cao và không đồng đều, Thành ủy đã nhận thức sâu sắc ý nghĩa của việc triển khai hiệu quả Chỉ thị số 40.
“Hà Nội luôn coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 40, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, mang tính nhân văn sâu sắc phù hợp với thực tiễn của thành phố; góp phần quan trọng trong thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu nhiệm vụ mà Đảng bộ đã đề ra; đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới”, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội khẳng định. Tiếp nối vị trí đứng đầu trong cả nước về nguồn vốn ngân sách ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trước khi có Chỉ thị số 40, sau khi triển khai, Hà Nội tiếp tục có bước đột phá mới với 100% quận, huyện dành nguồn vốn lớn ủy thác qua NHCSXH để hỗ trợ người dân trên địa bàn. Tính đến ngày 30/6/2020, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH thành phố Hà Nội đạt 4.047 tỷ đồng. Trong 5 năm qua, thành phố bổ sung 2.950 tỷ đồng, tăng gấp 3,7 lần so với trước khi thực hiện Chỉ thị.
Tín dụng chính sách đã đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của thành phố, đưa tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội giảm từ 3,64% (đầu năm 2016) xuống còn 0,42% (cuối năm 2019), phấn đấu đến cuối năm 2020 cơ bản không còn hộ nghèo; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 92,2% (356/386 xã).
Là một tỉnh miền núi, biên giới như Sơn La, việc triển khai hiệu quả Chỉ thị số 40 không chỉ tiếp sức cho việc đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, mà “việc cho vay ưu đãi hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn có động lực quan trọng đối với việc giữ đất, giữ biên cương, đặc biệt ở những vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới Tổ quốc”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Quốc Khánh nhấn mạnh.
Thông qua tín dụng chính sách xã hội, từ năm 2014 đến 2019, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có 216 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được hỗ trợ vay vốn, trên 44 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, góp phần trang trải chi phí học tập cho trên 1.000 con em đi học tại các trường, thu hút và tạo việc làm thường xuyên cho trên 18 nghìn lao động…
Lan tỏa giá trị
Những “chiếc cần câu” từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp hàng triệu hộ thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu. Xa hơn nữa, sử dụng công cụ tín dụng chính sách hiệu quả còn là “đòn bẩy” phát triển kinh tế bền vững, tiến tới hội nhập kinh tế quốc tế.
Như ở tỉnh Đồng Tháp, đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên BCH TW Đảng - Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ: Với một địa phương còn khó khăn có 19.077 hộ nghèo. Trong quá trình lãnh đạo, điều hành địa phương cũng có những cách riêng: “Dù không thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 40 như một số tỉnh nhưng chúng tôi đã lồng ghép việc triển khai thực hiện vào nội dung của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới do đồng chí Bí thư cấp uỷ các cấp làm Trưởng Ban chỉ đạo để cùng thực hiện mục tiêu chung là giảm nghèo, là một trong 19 tiêu chí của Chương trình xây dựng nông thôn mới”. Một bài học quý mà đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp rút ra trong quá trình triển khai tín dụng chính sách xã hội chính là quan điểm sử dụng vốn, không chỉ là câu chuyện về “con cá, cần câu”, mà quan trọng hơn là cách câu và thái độ câu cá. Tức là bên cạnh việc hỗ trợ vốn, cán bộ cho vay phải “giúp người nghèo định hình lại suy nghĩ, kiên trì trong phương án sản xuất, phải có niềm tin và phải rèn luyện thái độ sống tốt”, có như vậy mới nâng cao hiệu quả đồng vốn vay.
Cùng với việc dành 409 tỷ đồng uỷ thác qua NHCSXH, tỉnh Đồng Tháp chú trọng hướng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đi lao động, làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Hiện nay tỉnh Đồng Tháp đang dẫn đầu khu vực ĐBSCL về công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng… “Không chỉ giúp giải quyết vấn đề giảm nghèo, phát triển kinh tế, hướng đi này còn giúp tỉnh hiện thực hóa mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, bởi lao động đi làm việc ở nước ngoài đang tiếp cận với sự phát triển của nước văn minh, sẽ làm thay đổi suy nghĩ cách làm. Sau khi về nước, số tiền lao động mang về đã quý, kiến thức lao động mang về còn quý hơn, có một cuốn sách nói về vấn đề này “người nghèo là nghèo cái túi, người giàu là giàu cái đầu”. Vì vậy, tín dụng chính sách xã hội phải lồng ghép được nguồn vốn hữu hình và kiến thức vô hình để kích hoạt đối tượng yếu thế trong xã hội thoát khỏi sự mặc cảm, tự ti, vươn lên thoát nghèo”, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhấn mạnh.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chia sẻ, nhờ thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40 đã huy động được thêm nguồn vốn tại địa phương, nên số hộ DTTS được vay vốn từ NHCSXH ngày càng tăng. Đồng bào DTTS chiếm 14,7% dân số cả nước nhưng tỷ lệ dư nợ tại NHCSXH chiếm 24,8% tồng dư nợ; toàn quốc có 3,04 triệu hộ DTTS thì đã có 1,4 triệu hộ vay vốn NHCSXH, chiếm 46%. Dư nợ bình quân là 38 triệu đồng/hộ.
“Đồng bào DTTS còn khó khăn, nhưng truyền thống văn hóa tốt đẹp từ bao đời để lại là “không có thì xin”, “vay thì phải trả”, NHCSXH đưa ra con số nợ quá hạn chỉ chiếm 0,6%, làm cho các cấp lãnh đạo thật sự yên tâm khi quyết định chuyển vốn qua NHCSXH”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết.
Kiên định trên những chặng đường mới
Là đơn vị trực tiếp thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đồng chí Dương Quyết Thắng, Ủy viên HĐQT - Tổng Giám đốc NHCSXH cho biết: NHCSXH đã thực hiện tốt việc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc triển khai hiệu quả Chỉ thị số 40, tập trung nguồn lực, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, đồng thời nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH. Cùng với đó là những bước chuyển về nội lực của chính NHCSXH để thực thi tín dụng chính sách hiệu quả từ việc cải cách hành chính đến sự tận tụy trách nhiệm của từng cán bộ, nhân viên và người lao động không quản ngày nghỉ, nắng mưa, giá rét… đúng giờ giao dịch cố định là có mặt phục vụ nhân dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, tạo lên thành công chung của Chỉ thị số 40.
Đến ngày 30/6/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 219.565 tỷ đồng, tăng 90.109 tỷ đồng (+69,6%) so với từ khi có Chỉ thị, với tổng số tiền đã giải ngân đạt 336.944 tỷ đồng cho hơn 12 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, xã xây dựng nông thôn mới…, góp phần giúp hơn 2,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 1,3 triệu lao động; giúp hơn 24 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; gần 346 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 7,3 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 142 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách…
Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đã giảm từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 5,23% (năm 2018). Từ 2016 đến nay tỷ lệ giảm nghèo luôn đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao hằng năm tại Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.
Đại diện đến từ Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Alwaleed Fareed Alatabani - Chuyên gia trưởng Thị trường Tài chính ghi nhận: Việt Nam đã nghiên cứu kỹ kinh nghiệm của các nước trên thế giới và tìm ra hướng đi riêng phù hợp với văn hóa, lịch sử và cấu trúc xã hội Việt Nam. Đó là thiết lập được mối quan hệ lãnh đạo, chỉ đạo và đối tác chặt chẽ giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội và từ Trung ương đến địa phương trong việc cung cấp, giám sát tín dụng.
“Thành công của việc triển khai tín dụng chính sách xã hội ở Việt Nam đã góp phần vào việc Việt Nam sớm đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ trước thời hạn”, ông Alwaleed Fareed Alatabani cho biết.
Ghi nhận và đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - xã hội trong việc thực hiện Chỉ thị số 40, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị - Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh: Chỉ thị số 40 đã đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống, là một trong những đòn bẩy kinh tế góp phần phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị để thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định chính trị - xã hội, trật tự an toàn xã hội, củng cố thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Để tiếp tục phát huy hiệu lực, hiệu quả của Chỉ thị số 40 trong thời gian tới, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị - Thường trực Ban Bí thư đề nghị Ban Kinh tế Trung ương tập hợp các kiến nghị tại Hội nghị, kịp thời tham mưu cho Ban Bí thư để chỉ đạo thực hiện Chỉ thị trong thời gian tới. Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 40; tiếp tục quán triệt sâu sắc mục tiêu đã nêu trong Chỉ thị; hoàn thiện hệ thống chính sách tín dụng xã hội phù hợp với thực tiễn, bố trí đủ nguồn nhân lực để thực hiện các chương trình, chính sách về tín dụng chính sách xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn ưu đãi. NHCSXH các cấp chú trọng nâng cao chất lượng cán bộ, đáp ứng yêu cầu gần dân, sát dân, lo cho dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức chính trị - xã hội phát huy hơn nữa vai trò tập hợp lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân,…
Phát biểu tiếp thu và bế mạc Hội nghị, đồng chí Lê Minh Hưng, Thống đốc NHNN Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH ghi nhận, tiếp thu những ý kiến phát biểu và đưa vào chương trình hành động trong việc triển khai Chỉ thị số 40 trong thời gian tới. HĐQT NHCSXH sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ban, ngành, cơ quan Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương các cấp và chỉ đạo toàn hệ thống NHCSXH triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư tốt hơn nữa, nhằm tập hợp nguồn lực của cả cộng đồng và hệ thống chính trị trong công cuộc giảm nghèo bền vững, để không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển đất nước.
Nhân dịp này, 22 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 60 Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn là người dân tộc thiểu số được nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; 25 tập thể và cá nhân ngoài Ngành ngân hàng nhận Bằng khen của Thống đốc NHNN Việt Nam.
PV
Các tin bài khác
- » Đoàn cán bộ cấp cao ASDP - Nepal làm việc tại VBSP
- » CHỈ THỊ SỐ 40-CT/TW: Tô đậm thêm tính nhân văn của chính sách tín dụng xã hội
- » Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020
- » NHCSXH tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2015 - 2020
- » Đảng bộ NHCSXH TW triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020
- » Tiếp ngọn lửa thi đua, thổi bùng sức mạnh tín dụng chính sách xã hội
- » NHCSXH TP Hà Nội biểu dương lao động giỏi, lao động sáng tạo giai đoạn 2015 - 2020
- » Sáu tháng đầu năm 2020 hoàn thành 69% tăng trưởng dư nợ tín dụng chính sách
- » Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng tiếp và làm việc với Giám đốc AFD Việt Nam
- » Tín dụng chính sách thúc đẩy nhịp phát triển kinh tế biển tại Côn Đảo