Giúp người dân có điều kiện tái sản xuất sau lũ lụt
Triệu Phong là vùng rốn lũ, thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Theo báo cáo của UBND huyện, các đợt mưa lũ trong tháng 10/2020 đã làm cho hơn 17.000 hộ dân trên địa bàn bị ngập lụt, ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 300 tỷ đồng. Sau mưa lũ, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với việc chăn nuôi, trồng trọt của hộ nghèo và các khách hàng chính sách khác.
Để kịp thời tạo điều kiện cho người dân có vốn tái sản xuất, ngay sau các đợt lũ lụt, NHCSXH huyện Triệu Phong phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn huyện rà soát nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các khách hàng chính sách đủ điều kiện để bình xét cho vay phát triển kinh tế, có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Nguồn vốn vay bổ sung này đã kịp thời đáp ứng nhu cầu của các khách hàng.
Gia đình chị Lê Thị Hường ở thôn Cổ Thành, xã Triệu Thành thuộc diện hộ cận nghèo, thu nhập chủ yếu dựa vào chăn nuôi gà. Trong các đợt lũ vừa qua, nước tràn vào làm nhà chị ngập sâu, chuồng trại phục vụ chăn nuôi đều bị hư hỏng, toàn bộ hơn 500 con gà chuẩn bị xuất chuồng bị chết, thiệt hại hơn 60 triệu đồng. Nguồn thu nhập chính bị mất trắng khiến cuộc sống của gia đình chị đã vất vả nay càng thêm khó khăn.
Ngay sau lũ lụt xảy ra, gia đình chị có tên trong danh sách bình xét, hỗ trợ vốn vay tái sản xuất của NHCSXH huyện. Chị Hường cho biết: “Trước nhu cầu bức thiết của gia đình chúng tôi, NHCSXH huyện đã giải ngân cho vay 50 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, chúng tôi tiếp tục duy trì chăn nuôi gà, đầu tư thêm máy ấp gà con để phục vụ chăn nuôi cũng như cung cấp nguồn giống cho những hộ có nhu cầu. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi nên việc chăn nuôi sau lũ lụt của chúng tôi không bị gián đoạn. Hiện cuộc sống gia đình tôi cơ bản ổn định, yên tâm làm ăn”.
Cũng chung tình cảnh như gia đình chị Hường, gia đình chị Phan Thị Hảo ở thôn Cổ Thành, xã Triệu Thành thuộc diện hộ nghèo, lũ lụt vừa qua đã làm ngập chuồng trại, chết 4 con lợn. Nguồn vốn vay trước chưa kịp trả hết nay sau lũ lụt gia đình chị trở nên trắng tay, không thể nào tự mình khôi phục. Chị Hảo cho biết: “Trước đây, gia đình tôi vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH huyện để đầu tư chăn nuôi lợn. Nhờ chăn nuôi, chúng tôi có nguồn thu nhập khá ổn định. Tuy nhiên, chưa kịp trả hết vốn vay thì thiên tai xảy ra làm chúng tôi mất trắng tài sản. Vừa qua, NHCSXH huyện đã khảo sát thiệt hại do lũ lụt và đồng ý tiếp tục cho vay vốn để duy trì chăn nuôi lợn nên chúng tôi cảm thấy bớt lo lắng, quyết tâm làm lại từ đầu, sớm ổn định cuộc sống”.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Triệu Phong có hàng trăm hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách được vay vốn để phát triển kinh tế. Đây là những khách hàng yếu thế, dễ bị tổn thương trước những biến cố của thiên tai. Trong đợt mưa lũ vừa qua có 600 khách hàng vay vốn sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, phát triển ngành nghề tại NHCSXH huyện bị ảnh hưởng với dư nợ thiệt hại gần 25 tỷ đồng.
Để đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế, phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống cho người dân sau các đợt lũ lớn vừa qua, NHCSXH huyện đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác để rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại của các hộ vay. Từ đó, thực hiện các biện pháp như gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, cho vay bổ sung để khôi phục sản xuất, kinh doanh, giúp người dân từng bước vượt qua ảnh hưởng của bão lũ, tiếp tục phát triển kinh tế.
Tính đến ngày 30/10/2020, NHCSXH huyện đã giải ngân cho vay 24 khách hàng bị thiệt hại sau lũ lụt với tổng số vốn 1,2 tỷ đồng. Hiện nay, đơn vị tiếp nhận hồ sơ của 36 khách hàng và phấn đấu giải ngân hoàn thành cho vay trước 30/12/2020 với tổng số vốn 1,8 tỷ đồng để người dân có điều kiện tái sản xuất, duy trì hoạt động kinh doanh phù hợp, ổn định cuộc sống.
Phó Giám đốc NHCSXH huyện Triệu Phong Nguyễn Hữu Hải cho biết: Hiện nay, đơn vị tiếp tục triển khai các giải pháp như phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn rà soát các khách hàng đang vay và khách hàng chưa vay vốn NHCSXH bị thiệt hại do lũ lụt giúp họ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để tái sản xuất kịp thời. Đối với những trường hợp bị thiệt hại lớn thì áp dụng những chính sách, phương án xử lý như khoanh nợ, giãn nợ theo quy định. Phối hợp với các phòng, ban chức năng của huyện nắm bắt tình hình đầu tư cây trồng, vật nuôi của khách hàng để đảm bảo đúng khách hàng được thụ hưởng cũng như nguồn vốn đầu tư đúng mục đích.
Bài và ảnh Ngọc Trang
Các tin bài khác
- » Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT NHCSXH
- » Hiệu quả từ chương trình cho vay nhà ở xã hội
- » Nhân rộng nhà ở phòng tránh bão, lũ ở Quảng Điền
- » Tín dụng chính sách góp phần phát triển sản xuất hàng hóa
- » Cầu nối để thanh niên thoát nghèo
- » Thủ tướng yêu cầu tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19
- » Đồng Tháp tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận với vốn chính sách
- » Đà Nẵng giải ngân gói hỗ trợ cho người dân vay trả nợ tiền đất tái định cư
- » Nguồn lực góp sức xây dựng nông thôn mới
- » Phụ nữ ổn định cuộc sống từ nguồn vốn ưu đãi