Để chính sách tín dụng học sinh, sinh viên đạt hiệu quả

16/01/2013
(VBSP) Thực hiện “Không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì lý do khó khăn về tài chính” - theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHCSXH đã có nhiều giải pháp thực hiện. Tuy nhiên, để việc vay vốn thực sự phát huy hiệu quả, đòi hỏi nhà trường và các gia đình học sinh, sinh viên phải cùng nỗ lực chung tay chia sẻ.

 

Ý kiến về mức vay tối đa 1 triệu đồng/tháng

Từ năm 2007, Nhà nước có chính sách cho học sinh, sinh viên vay vốn để đầu tư học tập. Tuy nhiên, sự trượt giá thị trường đã làm cho các khoản vay trở nên ít tác dụng. Theo quy định hiện hành, định mức cho vay là 1 triệu đồng/tháng, số tiền này so với chi phí một tháng cho 1 sinh viên đi học ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh khoảng 3 triệu đồng/tháng, đó là một bất cập.

Sinh viên Nguyễn Trà My - Khoa Quản trị kinh doanh trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics cho biết: Nếu mức chi 1 triệu đồng/tháng thì chỉ đáp ứng 50% nhu cầu của nữ sinh viên, còn nam thì chỉ 30% nhu cầu tối thiểu. Mỗi bữa ăn hết 20 nghìn đồng là mức trung bình, ngày ăn 50 nghìn đồng, vậy tiền ăn một tháng là 1,5 triệu đồng và còn tiền thuê nhà trọ, học phí, mua sách vở… thực sự các bạn không có sự trợ giúp của gia đình thì phải bỏ học.

Trên thực tế đó, Chính phủ rất quan tâm, chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành liên quan như Bộ Giáo dục và Đào tạo, NHCSXH tính toán điều chỉnh khi nhu cầu thực tế phát sinh. Hiện nay, với mức vay tối thiểu 800 nghìn đồng/tháng, với nhu cầu sinh viên trong 1 chu kỳ cho vay 5 năm thì số nguồn vốn dành cho chương trình khoảng 50 nghìn tỷ đồng. Đây là con số khá lớn.

Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Bộ Tài chính Nguyễn Ngọc Anh, cho biết: “Từ năm 2007 khi bắt đầu cho vay tối đa 800 nghìn đồng, và từ năm 2011 đến nay thực hiện mức cho vay tối đa 1 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên. Cách thức cho vay cũng đã đổi mới theo hướng cho gia đình trực tiếp vay vốn khi học sinh, sinh viên có đủ hồ sơ xác nhận theo quy định”.

Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều ý kiến trong dân cho rằng mức trần vay hiện thời nên điều chỉnh cao hơn. Ông Phạm Văn Nam ở xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư (Thái Bình) bày tỏ: Vẫn biết cho con đi học là gia đình phải lo và thực tế gia đình vẫn lo là chủ yếu, song gia cảnh quá khó khăn, nếu Nhà nước tăng mức cho các cháu vay thì số tiền gia đình phải chạy vạy sẽ giảm đi dùng vào mục đích khác bảo đảm cuộc sống.

Tuy nhiên, xét từ mục tiêu của chương trình là kêu gọi xã hội hóa, Nhà nước hỗ trợ một phần, gia đình, xã hội tham gia một phần để bảo đảm nguồn vốn chung cho học sinh đi học chứ không chỉ dựa vào nguồn vốn Nhà nước. Đây là một vấn đề cần phải được mọi người thông suốt.

Gia đình, sinh viên cần cố gắng và chia sẻ với Nhà nước

Tại Hải Phòng, NHCSXH thành phố bằng nhiều biện pháp, tạo mọi điều kiện thuận lợi để học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn. Thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn để hướng dẫn thủ tục, phát hồ sơ, mẫu biểu cho học sinh, sinh viên vay, thực hiện giải ngân vốn nhanh, cho vay đủ nhu cầu, đúng quy định.

Theo báo cáo của NHCSXH thành phố Hải Phòng với UBND thành phố, tổng nguồn vốn sau 5 năm thực hiện Chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đạt gần 534 tỷ đồng. Trên thực tế khoản vay đầu tư cho giáo dục với các vùng nông thôn nghèo là vô cùng quý giá.

Việc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính cũng được các trường chuyên nghiệp ở Hải Phòng thực hiện nghiêm chỉnh. Ông Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng trường Đại học Dân lập Hải Phòng cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo các trường cùng chia sẻ khó khăn với Nhà nước, nhà trường cũng như các trường chuyên nghiệp ở Hải Phòng đều thống nhất xây dựng chính sách giãn thu cho các em. Các em thuộc diện cho vay theo Quyết định 157 sẽ được đóng tiền sau.

Như vậy việc học sinh, sinh viên nghèo được vay vốn học tập đã rất rõ ràng, được sự ủng hộ giúp đỡ của NHCSXH thành phố và các nhà trường, mặc dù số lượng được vay chưa nhiều như mong muốn. Tuy nhiên, các gia đình cũng cần có ý thức tham gia chia sẻ gánh nặng ngân sách với thành phố và bản thân các học sinh, sinh viên cần xác định tiết kiệm và sử dụng đúng, hiệu quả nguồn tài chính của xã hội và gia đình trợ giúp.

Anh Minh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác