Đồng vốn khuyến học ở Tân Tiến

15/01/2013
(VBSP) Nhiều gia đình ở xóm Tân Tiến, thôn Đông Tảo Nam, xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) từng không thể hình dung ngày nào đó gia đình đủ tiền cho con đi học. Giờ, có vốn Chính phủ, sự học của con em Tân Tiến "có người đồng hành", phong trào khuyến học ở Tân Tiến cũng phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Dong-von-khuyen-hoc-o..jpg600

Bà Nguyễn Thị Cúc đang chia sẻ câu chuyện gia đình mình với cán bộ NHCSXH huyện Khoái Châu
và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn

 

Nỗi niềm của người mẹ 

Bà Nguyễn Thị Cúc ở xóm Tân Tiến, thôn Đông Tảo Nam, xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) kể, là công nhân nghỉ mất sức, bà một mình tần tảo nuôi con trai đi học ở Đại học Y Hải Phòng. Làm thuê làm mướn, kinh tế gia đình lại vô cùng eo hẹp, nên khi con đi học khó khăn lại chồng chất lên vai gầy người mẹ. 

May thay, đúng vào lúc đó gia đình bà Cúc được anh chị em trong Tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn vay vốn Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên theo diện gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Từ tháng 10/2010 đến nay, gia đình bà đã vay tổng cộng 24 triệu cho con trai Trịnh Xuân Thủy học 3 năm ở Trường Y. “Học trường này, chi phí học tập cao lắm, bởi liên quan nhiều đến thực hành - bà Cúc kể - Mỗi tháng, cháu phải chi ít nhất khoảng 3 - 4 triệu đồng, vay Nhà nước được 1 triệu, tôi còn phải cố gắng gửi thêm tiền cho cháu yên tâm ăn học”. Khoản tiền còn lại, họ hàng phải xúm vào hỗ trợ, cộng với thu nhập từ ruộng vườn và lương một suất của bà. Thế nhưng, thời gian học Đại học Y còn kéo dài 6 năm, và sẽ là thử thách không nhỏ đối với hai mẹ con bà Cúc. “Tôi vừa lo cho con ăn học, vừa phải tính kế hoạch để về sau còn trả nợ - bà Cúc chia sẻ - Cháu Thủy cũng lo cho mẹ, ngoài thời gian học tập cũng cố gắng làm gia sư kiếm tiền, thậm chí đi làm cách trường đến hàng chục km cháu cũng không nề hà gì”. 

Bà Cúc kể, con cái học được, cách gì bà cũng cố gắng cho con đi học. Một mình bà không xuể, họ hàng cũng sẽ góp sức vào cho con bà đi học. Nhưng có vốn chính sách Nhà nước bà vững tâm hơn nhiều. Thứ nhất, lãi suất thấp, thời hạn vay dài, đồng vốn như là sự hỗ trợ vật chất và niềm khích lệ tinh thần; thứ hai, vì đây là chủ trương lớn của Nhà nước nên bà cũng yên tâm hơn rất nhiều. 

Thay đổi số phận nhờ đồng vốn nhỏ 

Ông Nguyễn Văn Khanh - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn số 1 Đông Tảo Nam do Hội Nông dân phụ trách, là Tổ mà bà Nguyễn Thị Cúc là thành viên - cho hay, tổ ông có 28 thành viên, nhưng có tới 12 gia đình vay Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên cho 13 cháu đi học, với dư nợ hơn 310 triệu đồng. 

Bà con chấp hành tốt chủ trương, không có hộ nào vướng mắc liên quan đến chuyện trả nợ, dù rằng đối với điều kiện gia đình ở nông thôn, hộ nào có con em đi học trên thành phố đều lâm vào hoàn cảnh kinh tế khó khăn - “Vì thế, kể cả vay vốn cho Chương trình giải quyết việc làm cũng là nhằm củng cố kinh tế, trong đó có thu nhập thêm cho con cái đi học - ông Khanh cho hay - Là một Tổ trưởng, tôi chỉ mong bà con được tạo điều kiện để cải thiện đời sống. Nhưng cũng vì thế, chúng tôi thực hiện quy trình rất chặt chẽ, để đồng vốn vay đúng đối tương, đúng mục đích”. 

Nhờ vay vốn Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên, hộ ông bà Giang Lê Tý - Nguyễn Thị Hiền đã nuôi được con gái Giang Thi Dịu học Đại học Sư phạm Hưng Yên đến năm cuối. Vay từ năm 2009, những sau 2 năm, ông bà đã xoay xở để không phải nhờ đến sự hỗ trợ của vốn chính sách, để “có tiền cho gia đình khó khăn hơn vay”. “Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên là chương trình có tác động sâu sắc nhất vào đời sống, làm thay đổi hẳn không khí nông thôn - ông Khanh tâm sự - Nhờ có vốn tín dụng các cháu có nguyện vọng đều cố gắng ăn học. Và vì thế, các hộ cũng có ý thức rất rõ ràng về chuyện trả nợ, để Nhà nước duy trì đồng vốn quay vòng, tạo cơ hội cho các hộ khác được thụ hưởng”.

 

Bách Linh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác