Hơn 30 nghìn học sinh, sinh viên ở Bình Dương được vay vốn đến trường
Những tấm gương vượt khó
Em Nguyễn Thị Ngọc Mai ở số 4/10, khu phố Bình Quới B, phường Bình Chuẩn (thị xã Thuận An) vẫn nhớ như in cái ngày nhận giấy báo trúng tuyển vào Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh. “Lúc ấy, tôi rất vui vì đã làm được điều mà nhiều bạn đồng trang lứa mong muốn. Thế nhưng sau đó, tôi nhận ra rằng, có thể không tiếp bước trên con đường học vấn bởi hoàn cảnh gia đình”.
Hoàn cảnh gia đình Mai vốn rất khó khăn, bố sức khoẻ yếu, mẹ cũng đau ốm liên miên, 2 anh trai đang theo học tại các trường đại học, trung cấp. Với đồng lương 2 triệu đồng/tháng của bố cùng sự buôn bán vất vả của mẹ thì việc lo cho cuộc sống đã khó nói gì đến việc học của ba anh em. Trong lúc khó khăn, Mai được thầy cô giáo ở trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn làm thủ tục vay vốn NHCSXH. Lúc này, Mai mới thấy con đường tương lai sáng rõ phía trước. “Sau khi được biết về chương trình tín dụng này, tôi đã đi sâu tìm hiểu qua NHCSXH thị xã Thuận An và đã được tiếp cận nguồn vốn”, Mai cho biết.
Nhờ có chính sách tín dụng học sinh, sinh viên, gia đình Mai được vay 77 triệu đồng từ NHCSXH cho 3 anh em theo học. Số tiền này đã giúp gia đình Mai phần nào bớt đi nỗi lo. “Trong thời buổi giá cả biến động, mức cho vay 1 triệu đồng/học sinh, sinh viên/tháng như hiện nay là chưa phù hợp. Vì vậy, tôi kiến nghị Nhà nước nên tăng mức cho vay lên trên 1,2 triệu đồng/học sinh, sinh viên/tháng. Có như thế, chúng tôi mới chuyên tâm vào việc học hành”, Mai kiến nghị.
Số phận nghiệt ngã của Nguyễn Thị Hữu, sinh năm 1979 ở phường Vĩnh Phú (thị xã Thuận An) cũng khiến nhiều người xúc động. Mẹ Hữu mất sớm khi em còn nhỏ, ba mất lúc em tròn 16 tuổi. Vì mang thân phận mồ côi nên Hữu phải nghỉ học sớm, đi làm công nhân. Một thời gian sau, Hữu nhận ra: “Gia đình mình quá nghèo, không còn cách nào khác để tiến thân ngoài việc đi học”. Từ đó, Hữu quyết tâm đăng ký đi học bổ túc. Ngày ngày sau giờ tan ca, Hữu lại cắp sách đến trường. Bằng ý chí và nghị lực của mình; Hữu đã thành công. Ngày tốt nghiệp trung học phổ thông, Hữu chẳng có ai để mà khoe “thành quả học tập”. Không dừng lại ở đó, vừa đi làm, Hữu vừa đăng ký học thêm lớp Quản trị văn phòng vào buổi tối nhưng do học phí quá cao nên nhiều lần Hữu định nghỉ học. Được thầy cô giới thiệu Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên nên Hữu đã hoàn thiện các thủ tục vay. Không thể tả được niềm vui khi Hữu nhận được những đồng vốn đầu tiên của NHCSXH. Với chương trình học 4 học kỳ, tổng số tiền Hữu nhận được từ ngân hàng là 16.900 nghìn đồng. Đến nay, Hữu đã ra trường và được nhận vào làm việc tại UBND phường Vĩnh Phú.
Bảo đảm an sinh xã hội
Theo báo cáo của NHCSXH tỉnh Bình Dương, tính đến 31/12/2012 tổng dư nợ đạt 218,9 triệu đồng với hơn 13.600 HSSV và hơn 11.800 hộ vay vốn còn dư nợ. Với những kết quả đạt được qua 5 năm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Bình Dương, có thể khẳng định, chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên là chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, có tính nhân văn sâu sắc, tính xã hội hóa cao từ việc phân bổ nguồn vốn, cho vay, công tác kiểm tra giám sát, sử dụng vốn vay và trả nợ khi đến hạn.
Tuy nhiên, Lãnh đạo NHCSXH cũng thừa nhận, UBND cấp xã, phường, thị trấn tại một số địa phương chưa thường xuyên thực hiện việc khảo sát điều tra bổ sung kịp thời danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình khó khăn đột xuất về tài chính để các hộ được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi. Việc xác nhận cho các đối tượng vay vốn mỗi địa phương triển khai một kiểu, có nơi quá chặt chẽ, có nơi lại lỏng lẻo, gây dư luận không tốt trong xã hội. Một số trường hợp học sinh, sinh viên khi ra trường chưa có việc làm, không có thu nhập, trong khi gia đình vẫn thuộc diện hộ nghèo, hộ khó khăn nên việc thu hồi nợ đến hạn gặp nhiều khó khăn.
Để phát huy những thành quả và khắc phục khó khăn, tồn tại, ông Nguyễn Quang Hưng - Giám đốc NHCSXH tỉnh Bình Dương xác định trong thời gian tới, ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa các chương trình tín dụng chính sách nói chung, tín dụng học sinh, sinh viên nói riêng để huy động sức mạnh tổng hợp của xã hội nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thường xuyên củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn. Xây dựng Tổ tiết kiệm và vay vốn thực sự là cầu nối hữu hiệu giữa ngân hàng với người vay.
Duy Phong
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Cán bộ ngân hàng của làng quê
- » Tận tụy với công việc
- » Đã qua thời dùng nước nhiễm độc hại
- » Phát huy hiệu quả đồng vốn ưu đãi
- » Lập trang trại, làm giàu trên vùng đất hoang
- » Vốn vay ưu đãi tiếp sức học trò nghèo hiếu học
- » Xuân Thọ vào xuân sớm
- » Hiệu quả từ mô hình đặc thù
- » Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đất nước nhất định sẽ vượt qua khó khăn!
- » Tín dụng chính sách xây dựng nông thôn mới