“Vươn dậy” các làng nghề

10/01/2013
(VBSP) Yên Khánh là một huyện đồng bằng, nằm ở phía đông nam tỉnh Ninh Bình. Với hệ thống sông ngòi phân bổ tương đối đều, sản xuất nông nghiệp phát triển tạo nền tảng cho địa phương phát triển tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề “vươn dậy”, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.
Untitled-1-10.1.2012600

Nhiều chủ dự án được vay vốn mở rộng sản xuất

Sau hơn 20 năm đổi mới, nhiều vùng nông thôn ở Yên Khánh đã thay đổi một cách cơ bản, cả cơ sở hạ tầng cũng như tư liệu sản xuất. Toàn huyện hiện có hàng ngàn máy làm đất (loại nhỏ), 66 máy gặt đập liên hợp. Năm 3 vụ sản xuất, nông dân đã yên tâm với khâu làm đất vì được cơ giới hóa hoàn toàn. Được xác định là vùng trọng điểm lúa của tỉnh, Yên Khánh đã tạo được cánh đồng mẫu lớn, với diện tích 790ha qua 7 xã. Năm 2011 và 2012, giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản của huyện đạt khoảng 400 tỷ đồng/năm. Giá trị sản xuất/đất canh tác, ước đạt 110 triệu/động/ha/năm. Nông nghiệp là thế mạnh, nhưng Yên Khánh đất chật, người đông, bình quân ruộng đất canh tác chỉ có trên 2 sào/người, nhưng không đồng đều. Vì vậy, các nghề truyền thống như dệt chiếu, thêu ren, mây tre đan, chế biến bún, bánh… được người dân duy trì ở hầu khắp các xã, thị trấn trong huyện. Các nghề truyền thống của Yên Khánh ít “kén” người làm, lại có thể làm quanh năm, nhất là vào lúc nông nhàn, rảnh rỗi nên phù hợp với lao động vùng nông thôn.

Để mọi người đều có điều kiện tham gia làm nghề và duy trì nghề, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thị trường, mấy năm nay vốn chính sách đã tích cực vào cuộc. Cụ thể, năm 2012, với tổng dư nợ trên 240 tỷ đồng, NHCSXH huyện Yên Khánh cho vay 6 chương trình. Xếp theo thứ tự dư nợ thì chương trình cho vay học sinh, sinh viên chiếm đầu bảng 133,9 tỷ đồng; tiếp theo cho vay hộ nghèo 44,5 tỷ đồng; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 33,2 tỷ đồng. Cho vay giải quyết việc làm xếp thứ 4, với dư nợ 8,8 tỷ đồng. So với “cầu” thì vốn cho vay giải quyết việc làm còn khiêm tốn, nhưng hiệu quả lớn.

Theo Giám đốc NHCSXH huyện Yên Khánh Phạm Đức Cường, vốn cho vay giải quyết việc làm ở Yên Khánh có 306 dự án, với 376 hộ vay. Trong đó, dư nợ các dự án thuộc UBND tỉnh quản lý 1 tỷ đồng; dư nợ các dự án do hội, đoàn thể quản lý trên 1,7 tỷ đồng, dư nợ các dự án thuộc UBND huyện quản lý trên 6 tỷ đồng, tăng 300 triệu so với năm 2011. Hầu hết các chủ dự án, các hộ được vay vốn đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, giải quyết việc làm cho 936 lao động. Nhiều chủ dự án, sau khi được vay vốn đã đầu tư mở rộng và phát triển ngành nghề, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn, với mức thu nhập từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng… Điển hình như dự án sản xuất hàng may mặc của ông Hoàng Văn Thắng (xã Khánh Phú) đã tạo việc làm cho 25 lao động; dự án sản xuất nấm của ông Trần Văn Tư (xã Khánh Vân) tạo việc làm cho 15 lao động. Đến nay, Yên Khánh đã thành lập được 15 tổ hợp sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nấm, góp phần tạo được sự liên kết của các hộ sản xuất. Mỗi năm, các cơ sở này sản xuất ra trên 2.200 tấn sản phẩm nấm các loại, đáp ứng được nhu cầu thị trường và nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ gia đình. Nhờ được tiếp vốn từ NHCSXH, thị trường rộng mở, các làng nghề đan cói xuất khẩu ở thôn Bình Hòa (xã Khánh Hòa), nghề xe cói ở xóm 10 (xã Khánh Nhạc), xóm 8 (xã Khánh Mậu), chế biến lương thực - thực phẩm ở Khánh Ninh; mây, tre đan ở xã Khánh Vân có điều kiện “vươn dậy”. Riêng nghề mây, tre đan ở Khánh Vân, chủ yếu tập trung ở 2 xóm La Bình và Đông Thịnh, thu hút 500 - 700 lao động lúc nông nhàn, vừa tăng thu nhập cho bà con, vừa góp phần phát triển kinh tế địa phương. Năm 2011 và năm 2012, tổng nguồn thu của xã khoảng 6 tỷ đồng/năm, trong đó: riêng nghề mây, tre đan thu 4 tỷ đồng. Ngoài phát triển ngành nghề, Yên Khánh còn tập trung phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo mô hình kinh tế trang trại, gia trại có giá trị kinh tế cao, như nuôi cá lóc bông, ba ba, nhím, gà an toàn sinh học… Với lợi thế đồng bằng, Yên Khánh đang vươn lên phá thế thuần nông, hướng tới sản xuất hàng hóa.

Hồ Khánh Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác