LÀO CAI: Chuyện những “cánh tay nối dài”

10/01/2013
(VBSP) Trong quy trình hoạt động của NHCSXH, các Tổ tiết kiệm và vay vốn đã coi là “cánh tay nối dài” và Tổ trưởng là một phần quan trọng trong quy trình hoạt động đưa đồng vốn chính sách tới tận tay bà con và kiểm tra việc sử dụng đồng vốn đúng mục đích. Câu chuyện từ Lào Cai là một ví dụ.

 Lao-cai---chuyen-nhung-canh

Chục năm làm Tổ trưởng  

Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Na Pao là một trong những Tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập đầu tiên ở xã Bản Lầu, huyện Mường Khương (Lào Cai). Chị Lý Thị Nguyệt, dân tộc Giáy, là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Na Pao kể, khi đó Tổ Na Pao do Hội phụ nữ phụ trách (mãi gần đây mới chuyển sang cho Đoàn Thanh niên quản lý). Chị Nguyệt lúc ấy là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xã. Hồi đầu, nói chuyện vay vốn bà con vừa tò mò, vừa e ngại. “Ngay chúng tôi cũng phải mất một thời gian mới thấu đáo để tuyên truyền cho bà con, vì vốn thì rất cần để làm ăn, nhưng nghe đến chuyện vay mượn thì đầu tiên người nghèo ngại lắm” - chị Nguyệt nói.

Được anh em NHCSXH tận tình tập huấn kỹ thuật, chị Nguyệt đã nhanh chóng nắm được phương pháp “ra, vào” số liệu, và nay đã trở thành một trong những Tổ trưởng thạo nghề. “Thời gian đầu tuyên truyền để bà con hiểu ý nghĩa của tín dụng chính sách, khi bà con hết e dè thì lại rất háo hức tìm hiểu - chị Nguyệt kể. Nhưng hồi đầu trả lãi theo quý cũng khó hơn, vì bà con nghèo mà dồn lại 3 tháng thu một lần thì khoản tiền lãi là không nhỏ. Nhiều lúc bà con giải thích, nêu lý do. Tổ trưởng cũng thấy khó xử. Sau đó, chuyển sang thu theo tháng, khoản tiền ít hơn, bà con dễ thu xếp hơn. Với lại, bây giờ tư duy của bà con đối với việc trả lãi trả vốn đã khác trước rất nhiều rồi”.

Chị Nguyệt say sưa kể về quy định hướng dẫn cho hộ chị Lục Thị Hằng (dân tộc Nùng) vay vốn chương trình tín dụng học sinh, sinh viên, quá trình cùng các hộ Vùi Thị Bích, Lục Thị Thủy, Lò Thị Phượng… thoát nghèo. Chị Nguyệt cũng trăn trở với trường hợp một, hai hộ “nghèo lắm nhưng vận động mãi mà chẳng chịu khó, nỗ lực để thoát nghèo”.

Tổ của chị Nguyệt được NHCSXH huyện Mường Khương đánh giá là Tổ hoạt động tốt. Điều mà Lãnh đạo NHCSXH huyện Mường Khương vui nhất là trên địa bàn còn có nhiều Tổ trưởng có kinh nghiệm như chị Nguyệt.

Không có Tổ tiết kiệm và vay vốn yếu  

Ông Ngô Chí Dũng - Giám đốc NHCSXH huyện Mường Khương cho biết, toàn huyện có 284 Tổ tiết kiệm và vay vốn do 4 hội, đoàn thể phụ trách, trong đó Hội phụ nữ quản lý nhiều nhất. Toàn huyện chỉ có 3 Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại trung bình, còn lại đều khá, tốt trở lên. “Không có Tổ tiết kiệm và vay vốn nào xâm tiêu, do Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện đủ các điều tiện theo quy định như do dân bình xét, xã công nhận… Tỷ lệ nợ quá hạn thấp do các Tổ tiết kiệm và vay vốn đã được kiện toàn, vận động tuyên truyền tốt” - ông Dũng cho biết.

Lào Cai hiện dư nợ hơn 1.724 tỷ đồng, với 10 chương trình tín dụng và các dự án. Tỷ lệ nợ quá hạn là 0,29%, và không có xã nào nợ quá hạn quá 2%. Được đánh giá là tỉnh có số liệu đảm bảo, chất lượng, nhưng tỉnh vẫn đang lập đề án mẫu nhằm nâng cao chất lượng tín dụng. Đạt kết quả này, không thể không kể đến công tác phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội và sự quan tâm của chính quyền các cấp. Chất  lượng của các Tổ tiết kiệm và vay vốn phần nào nói lên điều này. “Toàn tỉnh có 2.075 Tổ tiết kiệm và vay vốn nhưng không có tổ yếu. Các Tổ tiết kiệm và vay vốn làm việc có trách nhiệm. Những năm qua không có hiện tượng xâm tiêu tín dụng - ông Nguyễn Hải Hà - Giám đốc NHCSXH tỉnh Lào Cai chia sẻ - Bản thân Tổ trưởng cũng ý thức được vai trò của mình trong cộng đồng, nên cũng hết sức nỗ lực để không phụ sự tin cậy lựa chọn của bà con”.

Thế nên, ở Lào Cai có chuyện, tổ chức hội có thể thay đổi qua các kỳ đại hội, nhưng Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thì có người làm cả chục năm nay, vì đó là những người tiêu biểu nhất đã được cộng đồng lựa chọn.

Hoàng Thủy

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác