NHCSXH tỉnh Long An hết mình vì “quốc sách hàng đầu”
Hàng chục tỷ đồng đến tay học sinh, sinh viên nghèo
Trao đổi với phóng viên, những gia đình hộ nghèo, cận nghèo có con em được vay vốn theo Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên không giấu được niềm vui, sự xúc động, bởi theo họ, nếu không có chủ trương mang tính nhân văn của Đảng và Nhà nước như Quyết định 157/2007/QĐ-TTg, con em họ không thể có điều kiện học hành, cũng như cơ hội đổi đời.
Ông Phạm Văn Điệp ở ấp Bình Lợi, xã Đức Tân (Tân Trụ) cho biết, vợ chồng ông không có công ăn việc làm ổn định, chủ yếu làm thuê, thu nhập bấp bênh, trong khi gia đình có 3 người con đang tuổi ăn, học nên việc đảm bảo đủ sinh hoạt hàng ngày đã là gánh nặng, chưa nói đến chuyện cho con cái học hành đến nơi đến chốn. “Từ khi được vay vốn thông qua NHCSXH, gia đình tôi thực sự bước sang trang mới. Còn nhớ năm 2008, con trai tôi là Phạm Văn Định thi đỗ vào trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Vĩnh Long, vợ chồng tôi vừa mừng, vừa lo vì không biết sẽ kiếm tiền ở đâu để nuôi con ăn học. Được cán bộ địa phương “mách nước”, tôi xin gia nhập Tổ tiết kiệm và vay vốn; được hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn theo Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên. Năm học 2008 - 2009, tôi được vay 8 triệu đồng để lo cho con học hành. Năm 2009, con trai thứ là Phạm Văn Được thi đỗ vào trường Cao đẳng Xây dựng miền Tây, tôi lại được NHCSXH cho vay tiền để lo cho con ăn học. Tới năm 2011, con gái út của tôi thi đỗ vào trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, cán bộ NHCSXH lại tận tình hướng dẫn tôi làm hồ sơ để được vay vốn. Hiện, cháu Định đã ra trường, làm việc tại quận Bình Tân (thành phố Hồ Chí Minh), bắt đầu gửi tiền về để cha mẹ trả nợ ngân hàng. Cháu Được vừa tốt nghiệp, đang ôn thi liên thông lên đại học… Quả thật, gia đình tôi vô cùng tự hào”, ông Điệp phấn khởi kể.
Chuyện của gia đình em Nguyễn Quốc Lịnh ở ấp 6, xã Mỹ Yên (Bến Lức) cũng khiến chúng tôi thấy vui lây. Lịnh sinh ra trong một gia đình có tới 8 người con nên cha mẹ em phải đầu tắt mặt tối, vất vả lo cho các con ăn học. Nhờ chăm chỉ học hành, Lịnh và các anh chị em đều thi đỗ đại học. Được vay vốn của NHCSXH, các em đều yên tâm đến trường, đến nay nhiều người đã học xong, có công ăn việc làm ổn định. Bản thân Lịnh đã tốt nghiệp trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, hiện đang làm việc tại Tòa án nhân dân huyện Bến Lức. Trong gia đình Lịnh còn có em Nguyễn Quốc Dũng được vay vốn học Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, ngành công nghệ cơ khí, sau khi ra trường, Dũng được nhận vào làm việc tại Công ty Dệt Thái Tuấn; em Nguyễn Thị Kim Ngọc đã tốt nghiệp hệ cao đẳng trường Đại học Sài Gòn, hiện đang tiếp tục học liên thông lên đại học; Nguyễn Thành Dư đã tốt nghiệp trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng, đang làm việc tại Công ty Dệt Thái Tuấn; Nguyễn Hữu Tiền đang học năm thứ nhất hệ cao đẳng trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Thị Kim Dung đang học năm thứ nhất trường Trung cấp Đông Á.
Ông Nguyễn Thuấn cho biết, Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên được triển khai tại Long An từ tháng 3/1998, đến nay đã có hàng vạn học sinh, sinh viên được vay vốn với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng. Do đối tượng vay được mở rộng tới các hộ cận nghèo nên các cán bộ, nhân viên trong hệ thống NHCSXH trên địa bàn cũng bận rộn và vất vả hơn. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo ngân hàng cấp trên, sự phối hợp nhịp nhàng của chính quyền địa phương, đội ngũ cán bộ, nhân viên của ngân hàng luôn xác định đây vừa là nhiệm vụ, vừa là trách nhiệm của mình với chính sách đầy ý nghĩa nhân văn của Đảng và Nhà nước, vì thế, ai cũng “vào cuộc” bằng tất cả sự tâm huyết, nhiệt tình.
“Bí quyết” của Long An
Ông Thuấn cho biết, sự ra đời của Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên đã tạo được sự đồng thuận cao từ hệ thống chính trị đến người dân, lại được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời của các ban, ngành đoàn thể và chính quyền cơ sở nên NHCSXH đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Cụ thể, NHCSXH tỉnh và các NHCSXH huyện đã phối hợp tốt với các ngành, các cấp chính quyền cơ sở và tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác hướng dẫn các quy trình, thủ tục cho vay, thu nợ; tổ chức tập huấn đến cán bộ NHCSXH, cán bộ chủ chốt của UBND cấp xã, cán bộ của các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, xã và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn. Với sự quyết tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời và đồng bộ, chương trình đã nhanh chóng triển khai đến các đối tượng thụ hưởng.
Với mạng lưới hoạt động mở rộng đến các Điểm giao dịch xã, đặc biệt là với việc cho vay và thu nợ thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn, thời gian qua, Tổ trưởng các Tổ tiết kiệm và vay vốn của các hội, đoàn thể đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện các nội dung ủy thác đã ký kết với ngân hàng, động viên hộ vay vốn trả nợ kịp thời, do vậy công tác cho vay, thu nợ trên địa bàn đạt kết quả tốt. Đến nay, nguồn vốn thu hồi nợ luôn đảm bảo trên 30% nhu cầu vốn vay cho học sinh, sinh viên hàng năm.
Bên cạnh đó, việc tổ chức huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng tạo thuận lợi cho hộ vay tích lũy dần, trả nợ theo định kỳ, nhằm giảm áp lực trả nợ gốc, lãi tiền vay khi đến hạn cuối cùng; đồng thời, để tạo điều kiện thuận lợi cho gia đình và học sinh, sinh viên trong việc vay vốn và sử dụng tiền vay, NHCSXH tỉnh Long An đã triển khai phát hành thẻ ATM đến Tổ tiết kiệm và vay vốn và hộ vay.
Với những biện pháp sát sao trên, đến nay, NHCSXH tỉnh Long An đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong quá trình “nâng cánh ước mơ” của học sinh, sinh viên. Cụ thể, vốn vay giải ngân bình quân hàng năm đạt 140.057 triệu đồng, riêng năm học 2012 - 2013 (học kỳ I) đang tiếp tục giải ngân với kế hoạch vốn trên 60 nghìn triệu đồng. Tổng doanh số thu nợ của đơn vị đạt 131.873 triệu đồng, số thu nợ hiện đang tăng dần qua những năm về sau, do những học sinh vay trước đây đã ra trường và đến hạn trả nợ.
Đặc biệt trong năm 2011, doanh số thu nợ đáp ứng được trên 30% và năm 2012 đáp ứng trên 40% nhu cầu vốn vay trong năm ở địa phương. Tổng dư nợ của đơn vị đến cuối tháng 9/2012 là 576.361 triệu đồng, tăng trên 55 lần so với cơ chế cho vay cũ (trước thời điểm ban hành Quyết định 157/2007/QĐ-TTg). Đến nay, ngân hàng đã giúp 51.124 lượt học sinh trên địa bàn được vay vốn với 31.764 hộ còn dư nợ và 37.316 học sinh, sinh viên đang còn dư nợ vốn vay.
Thái Linh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Nước sạch về vùng sâu Tây Nguyên
- » Đồng vốn khuyến học ở Tân Tiến
- » NHCSXH triển khai nhiệm vụ năm 2013
- » Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Quảng Bình họp phiên thường kỳ lần thứ I năm 2013
- » Triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2013
- » “Vươn dậy” các làng nghề
- » Ban đại diện HĐQT NHCSXH TP. Đà Nẵng tổng kết hoạt động năm 2012
- » LÀO CAI: Chuyện những “cánh tay nối dài”
- » Huyện vùng sâu K’Bang có thêm 1 nghìn hộ Bahnar thoát nghèo bền vững
- » Bội thu mùa lúa thơm trên đất nuôi tôm