Chuyển dịch nuôi trồng thủy sản ở Thới Bình

16/01/2013
(VBSP) Về vùng chuyển dịch nuôi trồng thuỷ sản ở huyện miền biển Thới Bình (Cà Mau) vào những ngày giáp Tết Nguyên đán năm nay mới cảm nhận hết niềm vui của bà con nghèo là đồng bào dân tộc Khmer. Họ đang vui vì trúng vụ và vì cái nghèo đói của mỗi gia đình cơ bản được giải quyết, còn chuyện làm giàu thì chỉ trong nay mai.
Chuyen-dich-nuoi-trong-thuy-san..jpg600

Mô hình nuôi cua đã tạo ra hướng đi mới cho nông dân vùng chuyển dịch

Lão nông Thạch Khuối, 60 tuổi, ngụ ấp 7, xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình khẳng định: “Bà con ở đây nếu không nhờ nguồn vốn chính sách hỗ trợ để chuyển dịch từ nuôi tôm sang nuôi cua biển đem lại thu nhập cao thì không biết lấy gạo đâu mà ăn nữa”. Theo lời ông Thạch Khuối, sau mấy vụ liên tiếp “sống dở, chết dở” với con tôm sú, nhiều bà con người Khmer trong vùng thật sự rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nhất là đối với những hộ nghèo, ít vốn thì xem như bế tắc.

Trong lúc bà con đang bí lối ra thì Hội Nông dân, Trung tâm khuyến ngư và NHCSXH huyện đã họp lại bàn kế hoạch triển khai. Phương án cuối cùng được mọi người thống nhất thực hiện là Hội Nông dân và Trung tâm khuyến ngư xây dựng mô hình, NHCSXH cho vay vốn cải tạo ao đầm, mua con giống và thức ăn cho cua. Kể từ tháng 5/2009, Tổ hợp tác nuôi cua đầu tiên ở vùng chuyển dịch Thới Bình hình thành mới chỉ có 20 thành viên cùng số vốn vay ưu đãi 300 triệu đồng, rồi kế tiếp là nhiều hộ khác cũng vay vốn áp dụng mô hình nuôi cua. Ông Thạch Sa Huy ở ấp 9, xã Tân Lộc Ba được mệnh danh là tiên phong trong phong trào chuyển dịch nuôi trồng thuỷ sản của bà con nghèo, bởi vì ông đang sở hữu hàng chục vạn con cua biển với 4 ao nuôi. Ông Sa Huy tâm sự “Sau những vụ nuôi tôm không còn mang lại hiệu quả như trước. Nuôi vụ nào chúng cứ kéo nhau đâm đầu vào bờ chết ráo. Thấy vậy, tôi đi một số nơi học hỏi cách nuôi cua rồi về vay 20 triệu đồng, áp dụng mô hình nuôi cua bán công nghiệp vào diện tích đất của gia đình. Không ngờ mang lại hiệu quả kinh tế cao”. Ông nông dân Khmer này vui mừng cho biết; sau mỗi vụ thu hoạch, trừ tất cả chi phí ông còn lãi hơn 30 triệu đồng.

Học hỏi và làm theo ông Huy, gia đình anh Thạch Văn Song ở ấp 5 cũng đang từng bước thoát nghèo. Anh Song chia sẻ: “Nhờ có vốn và kỹ thuật hỗ trợ, tôi đã cải tạo ao đầm cho bớt bùn và mua cua giống tốt để thả nuôi. Nuôi cua dễ hơn nuôi tôm, thức ăn cho cua có thể tận dụng các loại tạp có sẵn trong ao, trong đó cá rô phi là chủ yếu. Phần thu nhập, lời lãi của nuôi cua theo mô hình mới chắc chắn cao hơn nuôi tôm và trồng lúa rồi” Tín hiệu khả quan từ việc nuôi cua ở huyện Thới Bình đang mang lại niềm tin của người dân vùng chuyển dịch, bởi thời gian vừa qua vấn nạn tôm điêu đứng. Nhiều hộ dân không biết mình sẽ nuôi con gì trong đồng ruộng của mình. Thì nay, chuyện nuôi cua đã làm cho người dân tin tưởng vào mô hình chuyển dịch mới, chắc ăn này.

Ông Lý Hồng - Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình đánh giá: Mô hình nuôi cua ở vùng chuyển dịch này đang là cứu cánh cho hộ nông dân nghèo và đồng bào dân tộc Khmer. Vì vậy, các thôn, ấp đều thành lập Tổ hợp tác nuôi cua nhằm trao đổi học hỏi kinh nghiệm và giúp nhau kỹ thuật nuôi thả, phòng bệnh cho cua cũng như cách thức sử dụng vốn vay vào mở rộng diện tích, thâm canh nuôi cua. Tổ hợp tác có cái hay nữa là nhắc nhở bà con trả nợ, trả lãi ngân hàng đúng kỳ hạn, đồng thời đoàn kết xây dựng quỹ hùn vốn, hàng tháng mỗi thành viên góp số tiền 200 nghìn đồng dồn cho một gia đình vay để đầu tư phát triển mô hình nuôi cua hoặc mua máy nổ sục nước ở ao đầm. Nhờ nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ mà các tổ hợp tác ngày càng lớn mạnh về mọi mặt, cùng đồng lòng làm giàu.

Quang Đông

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác