Mùa xuân trên quê mới Bến Cừ

16/01/2013
(VBSP) Mùa xuân đã về mang niềm vui, hạnh phúc cho tất cả mọi người trong đó có hơn 100 hộ dân nghèo làng tái định cư Bến Cừ - nơi được coi là điển hình về sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ vào mục đích sản xuất, ổn định cuộc sống nơi biên giới thuộc xã Ninh Điền, huyện Châu Thành (Tây Ninh).
mua-xuan-tren-que-moi...jpg600

Phát triển đàn bò ở làng tái định cư Bến Cừ

Nhìn cảnh ruộng đồng trù phú, xóm làng bình yên vào những ngày này, nhiều người không thể hình dung được đây là khu tái định cư ở biên giới Tây Nam, cách xa tỉnh lỵ hàng trăm km. Đó chính là làng tái định cư Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành (Tây Ninh).

Theo bà Võ Thị Quỳnh Dao - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Điền, làng tái định cư này bắt đầu khởi công xây dựng cuối năm 2009, chỉ sau thời gian ngắn đã có hơn 100 hộ dân ở các nơi khác nhau trong tỉnh, huyện đến lập nghiệp. Cùng với việc chính quyền địa phương thực hiện đầy đủ chế độ hỗ trợ di dân tái định cư theo Quyết định của Chính phủ như cấp tiền xây nhà để ở, cấp đất thổ cư để làm nhà và đất canh tác sản xuất… cho bà con. NHCSXH huyện Châu Thành đã chủ động phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể thành lập 2 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở làng tái định cư Bến Cừ, thu hút các hộ dân tham gia sinh hoạt và hướng dẫn họ sử dụng vốn vay ưu đãi vào mục đích phát triển sản xuất, nâng dần cuộc sống.

Chị Huỳnh Thị Hạ, một trong 10 hộ đầu tiên ở thị xã Tây Ninh đi xây dựng kinh tế  mới ở làng tái định cư đã sử dụng 20 triệu vốn vay ưu đãi đầu tư nuôi heo nái. Với số tiền lãi từ chăn nuôi heo, chị đang có dự định đón Tết xong sẽ vay tiếp NHCSXH để khai hoang mở đất trồng cao su, bắp lai. Bên căn nhà mới, chị Hạ không giấu được niềm vui: “Lúc còn ở ngoại ô thị xã gia đình tôi rất khó khăn, vì cả 2 vợ chồng đều nghèo, không có vốn làm ăn nên phải đi làm thuê gánh mướn nuôi 2 con nhỏ. Nhưng 3 năm qua chuyển về khu tái định cư, gia đình được các chương trình, dự án của Nhà nước, trong đó có nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước tiếp sức kịp thời nên đã thoát cảnh nghèo khó, đời sống khá lên rồi”.

Đúng vậy, gia đình chị Hạ đã có một tổ ấm thực sự trên quê mới. Anh Lâm, chồng chị làm công nhân nhà máy gạch ngoài thị trấn, còn chị ở nhà vừa trông con nhỏ, vừa chăn nuôi heo nái, heo thịt từ nguồn vốn vay ưu đãi, mỗi tháng cũng lời lãi thêm 2 - 3 triệu đồng nữa. Tết năm nay, thay vì cảnh phải đưa con về quê ăn tết nhờ ông bà nội như trước, anh chị quyết định đón ông bà lên ở cùng gia đình, vừa là chơi cùng các cháu, vừa để tuổi già an tâm về cuộc sống mới của con cái ở Làng tái định cư biên giới.

Cũng như hộ nhà chị Hạ, các gia đình anh Thạch Xuyên, bác Bàng, chị Võ Thị Hậu cũng được các chính sách ưu tiên, ưu đãi khi tham gia chuyển đổi sản xuất ở khu tái định cư. Chị Võ Thị Hậu phấn chấn kể: “Gia đình tôi có thâm niên nuôi trâu bò, hơn chục năm nay nhưng chăn nuôi tự phát, đã thiếu vốn lại không được hướng dẫn cách phòng trừ dịch bệnh tới nơi tơi chốn. Từ khi di dời ra làng tái định cư Bến Cừ được Nhà nước cho vay 30 triệu đồng, chúng tôi đã tiến hành xây dựng chuồng trại kiên cố, mua bò giống tốt, chăm sóc theo kỹ thuật cho 2 con bò sinh sản và 5 con bò cày kéo. Thế nên chăn nuôi đã mang đến cho gia đình tôi nguồn thu chủ yếu”.

Chỉ tay về phía nhà tắm mới xây có bình nước Sơn Hà màu xanh trắng to tướng, chị Hạ cười nói: “NHCSXH không chỉ giúp bà con khu tái định cư vốn phát triển sản xuất mà còn cho chúng tôi vay vốn ưu đãi xây dựng công trình nước sạch kịp đón xuân, ăn tết Quý Tỵ đó. Cuộc sống tuy vẫn còn khó khăn nhưng có thể nói, nhờ sự giúp đỡ của chính quyền, các ban, ngành, của NHCSXH, người dân vùng tái định cư nơi biên giới xa xôi đã có điều kiện để phát triển kinh tế lâu dài hơn ở quê cũ rất nhiều”.

Ông Huỳnh Trung Định - Bí thư Đảng uỷ xã Ninh Điền, cho biết: Trong năm 2013, xã sẽ triển khai làm đường giao thông trong làng tái định cư bằng cách kiên cố theo Chương trình xây dựng Nông thôn mới. Đặc biệt, xã sẽ tiến hành phối hợp với NHCSXH triển khai có hiệu quả dự án đầu tư vốn ưu đãi trồng 100ha cao su tiểu điền và thâm canh 90ha một số loại cây khác như mía, khoai mỳ, là những cây rất thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây.

Vì vậy, có thể nói, với sự giúp đỡ của các ban, ngành, nhất là có nguồn vốn ưu đãi đầu tư kịp thời, trong tương lai không xa, cuộc sống của các hộ dân làng tái định cư Bến Cừ sẽ nhanh chóng thay da đổi thịt, giảm đáng kể hộ nghèo và tiến tới làm giàu trên chính dải đất biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Đinh Trang

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác