Bài 2: Cùng làng nghề vươn khơi

24/05/2024
(VBSP News) Bên cạnh vai trò là trụ cột trong giảm nghèo của chính quyền địa phương, các chương trình tín dụng chính sách còn là “bệ đỡ” cho làng nghề truyền thống trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa độc đáo cũng như phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Từ chương trình cho vay giải quyết việc làm, người dân làng nghề đã có thêm cơ hội nâng tầm sản phẩm lên thành OCOP và lan tỏa ra khỏi biên giới đất nước, quảng bá giá trị văn hóa dân tộc với bạn bè quốc tế.
Anh bai cuoi

Nguồn vốn giải quyết việc làm từ NHCSXH huyện Chương Mỹ đã tiếp lửa làng nghề phát triển
                                                                                                                                                       Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Tự hào mảnh đất giàu truyền thống
Nằm trong vành đai xanh phát triển của Thủ đô với khu đô thị vệ tinh Xuân Mai và đô thị sinh thái Chúc Sơn; huyện Chương Mỹ được thiên nhiên ban tặng cho địa hình khá đa dạng. Nơi đây, vừa có đặc trưng của vùng đồng bằng châu thổ, vừa mang dáng dấp của vùng bán sơn địa với hệ thống sông Bùi, sông Tích phía Tây, sông Đáy bao bọc phía Đông dệt nên bức tranh sơn thủy hữu tình, thơ mộng và đầy ắp những huyền thoại.
Bởi thế, không có gì ngạc nhiên khi huyện Chương Mỹ dẫn đầu về số làng nghề truyền thống với 36 làng nghề/1.350 làng nghề truyền thống của TP Hà Nội. Tiêu biểu như : mây tre đan Phú Vinh - xã Phú Nghĩa, Mộc Phù Yên - xã Trường Yên, Mộc Phụ Chính - xã Hòa Chính, nón lá Văn La, xã Văn Võ; chế biến nông sản thực phẩm thôn Chi Nê - xã Trung Hòa, Đá mỹ nghệ - xã Phụng Châu.
Tận dụng lợi thế này, lãnh đạo huyện đã tập trung chỉ đạo xây dựng các trung tâm du lịch lớn; mở rộng nhiều ngành nghề, tập trung vào sản xuất hàng hóa có tính kỹ thuật, mỹ thuật cao nhằm kết hợp phát triển du lịch sinh thái, làng nghề và tâm linh. Đặc biệt, từ tháng 7/2021, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, nhằm bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề, gìn giữ và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề Việt Nam. Chương trình cũng xác định phát triển làng nghề với du lịch. Đây là cơ hội để các làng nghề nói chung và làng nghề ở Chương Mỹ nói riêng có cơ hội bứt phá.
Trên thực tế, sự phát triển của làng nghề sẽ tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, việc làm thêm cho người già, người khuyết tật và trẻ em. Làng nghề phát triển giúp tăng thu nhập, rút ngắn khoảng cách về thu nhập cho người nghèo; tạo điều kiện kết nối cộng đồng; phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, lưu giữ và bảo tồn những tinh hoa nghệ thuật.
Nhiều năm kiên trì bám trụ và gìn giữ nghề cha ông, cùng với đó là sự đồng hành của các cấp ngành; trong đó có sự tiếp sức từ nguồn vốn tín dụng chính sách, người dân huyện Chương Mỹ đã thu hái kết quả đáng ngưỡng mộ. Theo đó, toàn huyện chỉ còn 99 hộ nghèo và hơn 1.100 hộ cận nghèo; thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 70 triệu đồng/người/năm.
Giám đốc NHCSXH huyện Chương Mỹ Quách Thiên Dũng cho biết: “Chúng tôi đã bắt nhịp ngay với xu thế phát triển của huyện; luôn dành nguồn lực để cho vay giải quyết việc làm; đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của bà con. Đến hết quý I/2024, tổng dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm do NHCSXH huyện thực hiện trên địa bàn Chương Mỹ đạt 566.224 triệu đồng, với 11.774 hộ còn dư nợ ”.
Tiếp lửa làng nghề…
Với đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân được truyền từ đời này sang đời khác và kéo dài tới cả 400 năm, những sợi mây, ống tre vô tri được thổi hồn và trở thành những vật dụng tinh xảo, đầy tính nghệ thuật đang lan tỏa ra khắp đất nước, vượt ra ngoài lãnh thổ. Đặc biệt, trong hành trình đến với khách hàng và bạn bè quốc tế, nhiều sản phẩm đã có sự đồng hành của vốn tín dụng chính sách.
Trò chuyện với chị Nguyễn Thị Hân - vợ nghệ nhân Hoàng Văn Hạnh - Chủ cơ sơ sản xuất mây, tre đan Hân Hạnh ở xóm Hạ, thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa mới thấy giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Gia đình chị là một trong số những gia đình làm nghề lâu đời nhất ở Phú Vinh, trên 300 năm. Cả hai vợ chồng nối dõi nghề cha ông và đều là nghệ nhân ưu tú. Anh chị đã không ngừng nghiên cứu và sáng tạo, xe duyên thành công cho gốm và mây, tạo nên sức sống mới và gia tăng giá trị cho các sản phẩm mây tre đan truyền thống. “Tôi muốn kết hợp sản phẩm của hai làng nghề truyền thống là sứ và mây lại để tạo ra cái mới, để sản phẩm mây tre đan được nâng tầm”, chị Nguyễn Thị Hân chia sẻ.
Nhờ sự sáng tạo đó, có lúc gia đình chị đã nhận được đơn đặt hàng 4 container sản phẩm gốm quấn mây xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Hai vợ chồng cùng với các thợ thủ công trong cơ sở đã phải làm cả ngày lẫn đêm mới kịp giao hàng đúng thời gian. Chỉ mới đây thôi, hơn 5.000 sản phẩm mũ “Chiến sỹ Điện Biên” do cơ sở Hân Hạnh sản xuất đã được chọn làm quà tặng chính thức tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đáng quý, không chỉ giữ được nghề truyền thống, anh chị Hân - Hạnh còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương ở mọi lứa tuổi; tạo việc làm cho 1.000 người làm vệ tinh ở khắp các vùng miền, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số với mức thu nhập dao động từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
“Tuy nhiên, nghề này cần nhiều vốn lắm. Đôi khi, thiếu một chút vốn cũng mất đơn hàng như chơi. Cũng may, đợt này có NHCSXH hỗ trợ theo gói cho vay giải quyết việc làm, chúng tôi sẽ có điều kiện mở rộng sản xuất, nhất là giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số duy trì việc làm, thu nhập”, chị Hân chia sẻ.
Công ty TNHH Mây, tre đan Việt Quang là một trong những xưởng mây tre đan lâu năm nhất trong làng với 6 - 7 thế hệ nối nhau làm nghề. Anh Nguyễn Phương Quang - con trai Nghệ nhân nổi tiếng Nguyễn Văn Tĩnh cho biết: Gia đình anh không chạy theo xu hướng phát triển sản phẩm hàng loạt, sử dụng các trang thiết bị máy móc hiện đại mà vẫn giữ nguyên cách làm thủ công, “gia truyền”. Từng chi tiết nhỏ được người thợ cẩn thận, tỉ mỉ từng chuốt đường đan, nối móc để cho ra những sản phẩm tinh xảo, chất lượng cao và đó là cách mây tre đan Việt Quang chinh phục thị trường và giành được gần 20 chứng nhận OCOP 4 sao. “Cũng như các cơ sở khác, làm nghề này cũng ngốn vốn dữ lắm. Đợt rồi, nếu không có 200 triệu đồng vốn giải quyết việc làm của NHCSXH huyện thì chúng tôi khó hoàn thành đơn hàng 8.000 sản phẩm vừa xuất đi châu Âu”, anh Quang tâm sự.
Chia sẻ thêm về các hộ vay đang sử dụng vốn giải quyết việc làm của NHCSXH, ông Quách Thiên Dũng cho biết: Tuy còn khiêm tốn so với nhu cầu của nhiều hộ vay nhưng những người làm tín dụng ưu đãi như ông rất vui vì đã góp một phần công sức trong bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề; trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh trên địa bàn huyện; nhất là được đồng hành với Thủ đô thực hiện mục tiêu đến năm 2025 sẽ hình thành trung tâm sáng tạo và giới thiệu sản phẩm OCOP của quốc gia gắn với du lịch, văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa. Đồng thời, phát triển 9 trung tâm thiết kế sáng tạo giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP tại các huyện và thị xã.

Bình Nhi

Các tin bài khác