Tiếp sức cho hộ nghèo vượt khó
Hàng trăm hộ nghèo được vay vốn ưu đãi
Ngày 26/4/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 28) về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2021 - 2025). Nghị định 28 quy định về một số chính sách tín dụng ưu đãi, trong đó có nội dung hỗ trợ hộ nghèo là người DTTS, dân tộc Kinh sinh sống ở thôn, xã đặc biệt khó khăn và miền núi vay vốn để chuyển đổi nghề, phát triển sản xuất. Mức cho vay tối đa là 100 triệu đồng/hộ với lãi suất ưu đãi bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ. Theo đó, các hộ nghèo được vay vốn phải có phương án phù hợp với mục đích sử dụng vốn vay. Căn cứ vào phương án vay vốn, chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Giang sẽ thẩm định và thỏa thuận với các hộ về thời gian cho vay, tối đa là 10 năm.
Hơn 2 năm qua, chính sách cho vay vốn ưu đãi theo Nghị định 28 được thực hiện tại 5 huyện trong tỉnh gồm: Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế và Lạng Giang. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, hàng trăm hộ nghèo đã mạnh dạn mở rộng mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề, từng bước phát triển sản xuất, có thêm thu nhập. Tiêu biểu như gia đình anh Tống Văn Liên, dân tộc Cao Lan, thôn Nghè Mản, xã Bình Sơn, huyện Lục Nam. Khoảng 3 năm trước, cuộc sống gia đình anh rất khó khăn, là hộ nghèo của thôn, 2 con nhỏ, mọi chi tiêu sinh hoạt chỉ trông vào thu nhập từ mấy sào ruộng.
Để phát triển kinh tế, anh từng nuôi chim bồ câu song do không có vốn mua con giống, xây dựng chuồng trại chắc chắn nên mỗi năm chỉ nuôi từ 100 - 200 đôi, thu nhập không cao. Trong lúc khó khăn, cuối năm 2022, gia đình được NHCSXH huyện cho vay 100 triệu đồng với lãi suất 3,3%/năm trong 4 năm để mở rộng quy mô nuôi chim bồ câu.
Anh Liên cho biết: “Được vay vốn, tôi đã cải tạo vườn, xây hai dãy nhà nuôi chim bồ câu Pháp; tăng quy mô đàn, lứa nọ gối lứa kia, lúc nào trong chuồng cũng có khoảng 1 nghìn đôi chim. Từ cuối năm ngoái đến nay, mỗi tháng, tôi bán 700 đôi chim thương phẩm, với giá từ 120 - 140 nghìn đồng/đôi, gia đình thu về khoảng 90 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi 10 - 15 triệu đồng/tháng”. Có thu nhập ổn định, cuộc sống dần khấm khá, anh Liên dự kiến cuối năm nay tiếp tục mở rộng quy mô nuôi chim bồ câu thương phẩm.
Tương tự, một số hộ dân khác cùng thôn anh Liên và ở các xã: Tam Dị, Lục Sơn, Vô Tranh, Bảo Sơn (huyện Lục Nam) cũng được vay vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị định 28 để chăn nuôi trâu, bò.
Tại huyện Yên Thế có tổng số 39 hộ nghèo được vay vốn chuyển đổi nghề theo Nghị định 28. Gia đình bà Phạm Thành Huế ở thôn Trại Sáu, xã Hồng Kỳ là ví dụ. Bà Huế chia sẻ: Nhiều năm qua, chồng bà bị tai nạn nằm liệt một chỗ, cuộc sống gia đình vì thế gặp nhiều khó khăn, thuộc diện hộ nghèo. Được NHCSXH huyện rà soát, thẩm định, cho vay 100 triệu đồng vào cuối năm 2022, bà đã mua trâu và bò nái về chăn nuôi. Cuối năm ngoái, gia đình bà Huế bán gia súc thương phẩm, thu lãi hàng chục triệu đồng. Qua bình xét của địa phương, đến nay gia đình bà Huế đã thoát nghèo.
Giám sát chặt việc sử dụng vốn
Theo báo cáo của chi nhánh NHCSXH tỉnh, hơn 2 năm qua, thực hiện Nghị định 28, toàn tỉnh đã giải ngân gần 30,8 tỷ đồng cho 329 hộ nghèo sinh sống ở vùng DTTS, miền núi vay vốn ưu đãi để phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trừng, chuyển đổi nghề… Qua đánh giá bước đầu, các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích, có thu nhập ổn định, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thực tế cho thấy, việc triển khai chính sách cho vay vốn ưu đãi theo Nghị định 28 đã có tác động tích cực giúp các hộ nghèo sinh sống ở vùng đồng bào DTTS và miền núi có thêm nguồn lực để vươn lên phát triển kinh tế. Trong đó, nhiều hộ đã thoát nghèo, có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống. Chính sách này thể hiện sự quan tâm, đồng hành của Đảng, Nhà nước đối với người dân vùng đặc biệt khó khăn, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí thu nhập của người dân trong xây dựng nông thôn mới.
Với tinh thần triển khai chính sách cho vay nhanh chóng, kịp thời, thuận tiện và hiệu quả, chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Giang đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành một số văn bản, kế hoạch chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan… tăng cường công tác tuyên tuyền, phổ biến chính sách đến người dân sinh sống ở vùng đồng bào DTTS, miền núi. Chi nhánh tập trung chỉ đạo NHCSXH các huyện tham mưu UBND huyện rà soát chính xác các trường hợp được thụ hưởng chính sách.
Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Nguyễn Văn Cảnh cho biết: Căn cứ vào danh sách các trường hợp được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đơn vị chỉ đạo các phòng chuyên môn, NHCSXH các huyện phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các Tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ vay; tập trung giải ngân vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các hộ; phối hợp kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay…”. Từ khi triển khai đến nay, các địa phương đã phối hợp kiểm tra hàng nghìn lượt hộ. Kết quả, các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, trả lãi và gốc đúng thời hạn.
Thời gian tới, chi nhánh NHCSXH tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo NHCSXH các huyện phối hợp với các phòng chuyên môn rà soát, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt danh sách các trường hợp được thụ hưởng chính sách năm 2024 để giải ngân vốn bảo đảm theo lộ trình. Đồng thời quan tâm hướng dẫn các hộ hoàn thiện hồ sơ, thẩm định chặt chẽ bảo đảm cho vay đúng đối tượng.
Bài và ảnh Minh Linh
Các tin bài khác
- » Quảng Bình thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Ðức Trọng nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội
- » Tín dụng chính sách xã hội thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại Thừa Thiên Huế
- » Bài 2: Sức mạnh từ những “cánh tay nối dài”
- » Tín dụng phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia (Bài 1: Khi cần câu “đủ mồi”)
- » Hậu Giang lan tỏa tín dụng chính sách
- » Điểm tựa cho người nghèo ở Đam Rông
- » Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác làm hồ sơ cho vay và kiểm tra giám sát
- » Tạo sinh kế cho người mãn hạn tù
- » Nghệ An: Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững (Bài cuối: Nỗ lực thu hẹp khoảng cách vùng miền)