Tín dụng chính sách xã hội thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại Thừa Thiên Huế
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua, tín dụng chính sách xã hội góp vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống của một bộ phận dân cư, đặc biệt là hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS và miền núi, góp phần đảm bảo an sinh xã hội địa phương.
Đến hết năm 2023, tổng nguồn vốn chi nhánh NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện 20 chương trình tín dụng đạt trên 4.383 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt trên 4.375 tỷ đồng với 96.377 khách hàng còn dư nợ. Trong giai đoạn 2021 - 2023, tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng đạt hơn 5.178 tỷ đồng, cho 117.241 lượt khách hàng vay vốn. Trong đó, doanh số cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đạt hơn 2.730 tỷ đồng, với 57.543 lượt khách hàng vay vốn; doanh số cho vay tại các xã xây dựng nông thôn mới đạt hơn 3.171 tỷ đồng với 80.361 lượt khách hàng vay vốn; doanh số cho vay tại vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt hơn 241 tỷ đồng, với trên 5,2 nghìn hộ vay vốn.
Nguồn vốn chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung ưu tiên cho vay đối với vùng đồng bào DTTS&MN, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; góp phần thực hiện những mục tiêu cơ bản nhất trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống của người nghèo, đối tượng chính sách khác. Đa số dư nợ tín dụng tập trung vào các chương trình như: cho vay hộ nghèo; cho vay hộ cận nghèo; cho vay hộ mới thoát nghèo; cho vay hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn; cho vay thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn; cho vay tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm; cho vay phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi…
Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm khá đáng kể. Năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo là 4,93%; năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 3,56% giảm 1,37%/năm so với năm 2021. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,27% giảm so với năm 2021 là 2,66%. Việc giảm tỷ lệ hộ nghèo qua các năm cho thấy các chương trình tín dụng chính sách đã được triển khai hiệu quả, góp phần gia tăng cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như: nguồn vốn cho vay các Chương trình còn hạn chế; nguồn vốn ủy thác tại một số địa phương chưa đáp ứng; hiệu quả của việc sử dụng các nguồn vốn chưa cao. Bên cạnh đó, đối tượng vay vốn đầu tư chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, kinh doanh nhỏ lẻ… trong điều kiện tự nhiên, dịch bệnh, thiên tai, thường xuyên thiên tai, dịch bệnh thường xuyên tác động đến hoạt động sản xuất, buôn bán, kinh doanh; tình trạng hộ vay bỏ đi khỏi địa phương có chiều hướng gia tăng, dẫn đến việc thu hồi nguồn vốn cho vay gặp khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng chính sách.
Trong phạm vi giới hạn giai đoạn 2021 - 2023, nhóm nghiên cứu đề tài đã cung cấp lý luận tổng quan về vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; phân tích, đánh giá thực trạng, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của chi nhánh trong việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Tổng hợp được các kết quả đạt được, cũng như những điểm còn hạn chế, khó khăn, chỉ ra các nguyên nhân chủ quan và khách quan của các hạn chế, khó khăn nói trên. Qua đó, đưa ra một số các giải pháp, kiến nghị nhằm phát huy vai trò của các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH trong việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế phù hợp với định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian tới.
Ghi nhận và biểu dương những nội dung trong đề tài đã được nhóm nghiên cứu trình bày, Phó Tổng Giám đốc Huỳnh Văn Thuận - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài, những nỗ lực, cố gắng và tâm huyết của Nhóm nghiên cứu. Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề nghị Nhóm nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phản biện, góp ý, nhận xét để đưa kết quả đề tài ứng dụng vào thực tiễn, nhằm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng của chi nhánh NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế trong giai đoạn tới.
Đề tài đã đạt được Hội đồng Khoa học NHCSXH chấm điểm và đánh giá xếp loại Giỏi.
PV
Các tin bài khác
- » Quảng Bình thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Bài 2: Sức mạnh từ những “cánh tay nối dài”
- » Tín dụng phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia (Bài 1: Khi cần câu “đủ mồi”)
- » Hậu Giang lan tỏa tín dụng chính sách
- » Điểm tựa cho người nghèo ở Đam Rông
- » Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác làm hồ sơ cho vay và kiểm tra giám sát
- » Tạo sinh kế cho người mãn hạn tù
- » Nghệ An: Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững (Bài cuối: Nỗ lực thu hẹp khoảng cách vùng miền)
- » Nghệ An: Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững (Bài 2: Dấu ấn vốn chính sách trên vùng khó)
- » Nghệ An: Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững (Bài 1: Nhiệm vụ trọng tâm)