Nghệ An: Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững (Bài 1: Nhiệm vụ trọng tâm)
Chung tay xóa “lõi nghèo” miền Tây Nghệ An
11 huyện miền Tây tỉnh Nghệ An là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các DTTS. Với địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, kinh tế - xã hội còn chậm phát triển, đời sống nhân dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện miền Tây cao hơn mức trung bình chung của toàn tỉnh. Thời điểm trước năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo ở một số huyện miền Tây Nghệ An lên tới 50 - 60%; do đó, thoát nghèo không còn là chuyện của một hộ dân, một địa phương mà nhiệm vụ này đã được các bộ, ban, ngành và địa phương ghé vai chung sức.
Sự chung tay ngày càng được thể hiện rõ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30.7.2013 về phương hướng nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Trong thời gian đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An đến năm 2020 tại Quyết định số 2355/QĐ/TTg, ngày 4.12.2013.
10 năm sau, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về xây dựng, phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2030, Nghệ An là tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Đây là sự quan tâm đặc biệt của Trung ương đối với tỉnh Nghệ An nói chung và miền Tây Nghệ An nói riêng; trở thành tiền đề quan trọng phát triển các huyện miền Tây Nghệ An. Điều này đã được thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khoảng 1 - 1,5% mỗi năm, trong đó vùng miền núi là 2 - 3%.
Đặc biệt, xóa “lõi nghèo” miền Tây Nghệ An là nhiệm vụ đã và đang được tỉnh triển khai thông qua các chương trình, đề án như Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020; Chương trình 30a; Chương trình nông thôn mới và Đề án nâng cao mức sống cho nhân dân vùng miền Tây và ven biển Nghệ An đến năm 2020. Bên cạnh đó, phấn đấu 80% số thôn bản đặc biệt khó khăn của các huyện miền Tây đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn 2021 - 2025.
Sự chung vai góp sức của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương đã giúp Nghệ An nói chung, các huyện miền Tây Nghệ An nhanh chóng có nhiều thay đổi; với 64/203 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 5 xã thuộc huyện nghèo 30a và xã biên giới…
Đời sống nhân dân các huyện miền Tây Nghệ An, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS được cải thiện và nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Các hủ tục như ma chay, nạn tảo hôn và hôn nhân cùng huyết thống giảm nhanh chóng; tình trạng di cư tự do ít xảy ra. Giai đoạn 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân khu vực miền Tây Nghệ An đạt khoảng 8,5%/năm, thu nhập bình quân đầu người khoảng 26,5 triệu đồng/người/năm.
Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2 - 3%
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung, bên cạnh việc phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh và bền vững, Nghệ An đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025 các huyện miền Tây có 80% số thôn bản đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới và tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2 - 3%; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%.
Ngay đầu năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 132/KH-UBND ngày 26/2/2024 về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Theo Kế hoạch, trong năm 2024, Nghệ An sẽ thực hiện 7 dự án, bao gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình.
Để thực hiện tốt các nội dung của Kế hoạch, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững; xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án về hỗ trợ giảm nghèo; hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình; hoàn thành các thủ tục đầu tư dự án cơ sở hạ tầng huyện nghèo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm, bảo đảm đúng quy định; bảo đảm điều kiện bố trí và giải ngân kế hoạch vốn theo từng danh mục dự án đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua.
Mặt khác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác giảm nghèo; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái” đối với người nghèo; động viên, khuyến khích người nghèo vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.
Cùng với đó, đổi mới phương pháp, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền công tác giảm nghèo trong các ngành, các cấp; kịp thời giới thiệu các cá nhân, tập thể, mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững để nhân rộng.
Bình Nhi
Các tin bài khác
- » Hiệu quả từ Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn xã Nam Anh
- » Tín dụng chính sách “tô thắm” bức tranh thảo nguyên Mộc Châu
- » “Tiếp sức” cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo
- » Hộ dân mạnh dạn đầu tư, phát triển kinh tế gia đình
- » Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng hoạt động NHCSXH
- » Phú Yên giúp người chấp hành xong án phạt tù tiếp cận vốn vay ưu đãi
- » Huyện Mộ Đức phát huy thiết thực hiệu quả Chỉ thị số 40
- » Hiệu quả từ Quỹ vốn vay phục hồi kinh tế
- » Hiệu quả nguồn vốn vay giúp người dân Thừa Thiên Huế giảm nghèo
- » Hái “quả ngọt” từ nguồn vốn tín dụng chính sách