Hiệu quả nguồn vốn vay giúp người dân Thừa Thiên Huế giảm nghèo

15/05/2024
Thời gian qua, hàng nghìn hộ nghèo ở Thừa Thiên Huế đã được vay vốn chính sách để phát triển kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
hue-1

Vốn vay chính sách giúp hộ nghèo ở Thừa Thiên Huế phát triển kinh tế

Thoát nghèo nhờ vay vốn
Gia đình ông Huỳnh Chung ở xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc là hộ nghèo, năm 2018, được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, gia đình ông Chung đã mạnh dạn thực hiện cải tạo đất đai, vườn tạp, đầu tư trồng 40 gốc bưởi da xanh. Bên cạnh đó, gia đình còn được chính quyền địa phương và Trung tâm khuyến nông, khuyến lâm huyện hỗ trợ tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn về kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi. Đến nay, số gốc bưởi da xanh đã cho quả, bình quân thu nhập 2 triệu đồng/gốc/năm.
“So với nhiều cây ăn quả, bưởi da xanh là cây trồng có múi rất thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng gò đồi Lộc Hòa. Cây trồng đến năm thứ 4 sẽ bắt đầu cho trái. Sau 2 năm thu hoạch, gia đình tôi đã hoàn trả số tiền vay từ NHCSXH và tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất với 120 gốc bưởi da xanh, 2 ao cá với diện tích hơn 500m2. Nhờ có nguồn vốn chính sách, gia đình tôi rất vui vì đã có mô hình sinh kế với thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo”, ông Chung chia sẻ.
Còn gia đình chị Dương Thị Đỡ ở tổ dân phố 12, phường Thủy Phương, TX Hương Thủy từ một hộ khó khăn, năm 2021 được NHCSXH cho vay 100 triệu đồng để mở dịch vụ giặt là và đặc biệt, chị đã xây dựng mô hình nuôi chim yến đem lại thu nhập hàng năm khoảng 200 triệu đồng, nhờ thế gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo.
Chủ tịch Hội LHPN phường Thủy Phương Văn Thị Hằng cho biết: Nguồn vốn vay của NHCSXH đã giúp cho hội viên phụ nữ phường có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Hàng năm, hội đã tiến hành kiểm tra 100% các Tổ tiết kiệm và vay vốn, đánh giá hiệu quả nguồn vốn, theo dõi những hộ vay đi khỏi địa phương để đôn đốc thu hồi. Hoạt động ủy thác được thực hiện hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Trong khi đó, trên địa bàn TP Huế có hơn 2.500 lượt lao động được nguồn vốn giải quyết việc làm tiếp sức, hiện thực hóa ước mơ phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều hộ trong số đó đã trở thành những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, nâng cao đời sống gia đình và cộng đồng.
Tiếp tục nâng cao đời sống cho người nghèo

hue-2

NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế giải ngân vốn cho người nghèo tại Điểm giao dịch xã

Năm 2023, nguồn vốn chính sách đã góp phần tích cực trong việc cải thiện và nâng cao đời sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở Thừa Thiên Huế. Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã cho gần 17.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vay để phục vụ sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao đời sống; trên 1.700 lượt hộ vay vốn chương trình hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn để đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống hộ gia đình.
Ngoài ra, thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho trên 8.930 lao động, tạo điều kiện để người lao động phát triển sản xuất, giải quyết tình trạng thất nghiệp cho người lao động, đồng thời tạo điều kiện cho 378 lao động được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Chương trình tín dụng cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đã đáp ứng cho 913 em có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; cho vay 260 hộ xây dựng 260 căn nhà với tổng số tiền giải ngân gần 114,2 tỷ đồng từ nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội.
Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Lộc Cái Diệu Trang, nguồn vốn chính sách là một trong những chính sách an sinh xã hội có hiệu quả ở địa phương. Hiện nay, trên địa bàn huyện, nguồn vốn ủy thác qua hội đạt hơn 250 tỷ đồng giúp các hội viên vay vốn sản xuất, mở rộng kinh doanh. Trong đó, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư mở rộng trang trại, gia trại đem lại thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu và giải quyết lao động nhàn rỗi của địa phương. Từ nguồn vốn này, các em học sinh, sinh viên được tiếp cận để có một khoản chi phí để trang trải việc học tập, giảm áp lực kinh tế cho gia đình. Cũng thông qua việc ủy thác cho vay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100 % các thôn, bản, tổ dân phố tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời…
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: Năm 2024 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị. Vì vậy, tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện các chỉ thị, kết luận về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội tại địa phương một cách hiệu quả và thiết thực hơn nữa trong giai đoạn mới, trọng tâm là tăng cường nguồn lực từ địa phương hỗ trợ thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Chi nhánh NHCSXH tỉnh cần bám sát định hướng phát triển kinh tế, xã hội cũng như định hướng phát triển của tỉnh trong năm 2024 từ đây phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, bảo đảm an sinh xã hội. Tập trung giải ngân các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được giao trong năm, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, phù hợp với nhu cầu và phương án vay vốn, sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả. Bên cạnh đó, phát huy tinh thần trách nhiệm của các thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh, sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành và địa phương trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ và kế hoạch đề ra.
Hộ nghèo toàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ 3,56 % cuối năm 2022 đã giảm xuống còn 2,27% vào cuối năm 2023 (giảm 4.195 hộ). Hiện tỉnh còn 7.540 hộ nghèo. Đến nay, toàn tỉnh có trên 96.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang được vay vốn với tổng dư nợ 4.584 tỷ đồng.

Các tin bài khác