Tín dụng chính sách xã hội tại Thừa Thiên Huế (Bài 1: Phục hưng nghề truyền thống)

29/02/2024
(VBSP News) Bên cạnh việc giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, những người làm tín dụng chính sách ở tỉnh Thừa Thiên Huế còn đang nỗ lực giúp người dân khôi phục, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống. Thông qua những đồng vốn chính sách ưu đãi, những giá trị văn hóa lâu đời của Cố đô di sản được gìn giữ và đang lan tỏa khắp mọi miền đất nước, vượt ra khỏi lãnh thổ, đến với bạn bè quốc tế…
IMG_3324

Nghệ nhân Nguyễn Hóa và con trai Nguyễn Hiếu giới thiệu về các làm hoa sen

Từ nghề hoa giấy
Tưởng chừng đã bị lãng quên trước những hào nhoáng của thị trường nhưng đến nay, Hoa giấy Thanh Tiên của làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, TP Huế đã được khôi phục, góp mặt tại các lễ hội Festival Huế, lễ hội Festival làng nghề, lễ hội áo dài, cung đình, các sự kiện văn hóa và xuất khẩu sang nhiều nước.
Sự phục hồi và phát triển của nghề truyền thống này có sự đầu tư, quan tâm của cấp ủy, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế, sự đồng hành sát sao của chi nhánh NHCSXH tỉnh và trên hết là tình yêu nghề của người làng cùng với sự thay đổi tư duy, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.
Nghệ nhân Nguyễn Hóa, người có công nghiên cứu, tìm tòi và khôi phục tất cả những công đoạn chế tác hoa giấy chất lượng cao nhất từ cha ông từng nửa thế kỷ thất truyền cho hay, sự đi xuống của làng nghề xảy ra bởi làng không chịu thay đổi. Khi mọi người cứ bám vào hào quang cũ, nghĩ nghề này quá cao quý, sẽ khó sống được. “Chính tôi cũng phải thay đổi, chuyển qua làm hoa nghệ thuật, phục vụ trưng bày ở các khách sạn, nhà hàng sang trọng. Có như vậy, mới nâng tầm được hoa giấy” - nghệ nhân Nguyễn Hóa chia sẻ.
Đáng quý hơn, tư tưởng và tình yêu nghề của nghệ nhân Nguyễn Hóa đã truyền sang người con trai Nguyễn Hiếu - cũng là người nổi tiếng trong nghề với sản phẩm hoa sen vô cùng độc đáo. Anh Nguyễn Hiếu kể, anh biết làm hoa giấy từ lúc nào không nhớ nữa nhưng hoa sen thì bắt đầu làm từ năm 2007. Sản phẩm của anh Hiếu hiện đã có mặt ở hầu hết các thành phố lớn như: TP Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… Mỗi năm, trung bình anh Hiếu sản xuất được xấp xỉ 10 nghìn bông hoa sen giấy các loại, giá trung bình từ 25 - 50 nghìn đồng/cành. “May mắn, sản phẩm làm đến đâu hết đến đó nên cuộc sống của gia đình chúng tôi khá ổn”, anh Nguyễn Hiếu chia sẻ.
Cách cơ sở của ông Hóa không xa, cơ sở sản xuất hoa giấy của nghệ nhân Phan Thị Thanh cũng thuộc dạng lâu đời bậc nhất làng Thanh Tiên. Song, bà Thanh cũng phải ngậm ngùi gói ghém niềm đam mê làm hoa giấy, tìm sinh kế mới. Mỗi năm, vào dịp Tết Nguyên đán, bà Thanh mới trở lại nghề để thỏa đam mê là chính. “Nghề này làm gì cũng thủ công, rất cầu kỳ, vất vả; nhưng nếu đã yêu nó thì khó lòng dứt bỏ. Rất may, nét đẹp của nghề hoa giấy đã được UBND tỉnh nhìn ra, cho lập thành làng nghề từ năm 2013 và quan trọng nhất là chúng tôi đã theo kịp thị hiếu của người tiêu dùng”, bà Thanh cho biết.
Đến làng hương Thủy Xuân
Rời Làng Hoa giấy Thanh Tiên, chúng tôi cùng đoàn giám sát việc thực hiện nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH đến khu vực sản xuất hương trầm ở đường Huyền Trân Công Chúa, phường Thủy Biều, Thủy Xuân, TP Huế. Nơi đây thường được gọi với cái tên thân thuộc “làng hương Thủy Xuân”. Nơi đây cũng chứng kiến rất nhiều người thành nghề nhờ sự hỗ trợ của những đồng vốn chính sách.
Thăm cơ sở sản xuất hương trầm của vợ chồng anh Huỳnh Văn Thành và chị Ngô Thị Như Trang ở 76 Huyền Trân Công Chúa mới thấy, nghề này thật lắm công phu. Anh Thành cho biết, để làm ra một cây hương thì khâu đầu tiên là khâu chọn nguyên liệu gồm quế chi, thảo quả, nụ tùng, đinh hương, hoa hồi, bạch đàn, quế…hòa với nước, trộn lại với nhau làm bột hương.
Sau đó là công đoạn làm lõi hương; lõi hương được làm từ ruột tre chẻ nhỏ đều tăm tắp, phơi nắng nhiều ngày để khô và giòn, cách làm này giúp hương khi đốt sẽ không bị tắt nửa vời mà cháy đều đến tận chân hương. Tre làm lõi hương là tre già lấy từ rừng Nam Đông, Bình Điền, Phong Sơn. Bột hương trộn dẻo rồi được se quanh lõi hương, sao cho vừa đủ mỏng, tròn thì lại đem đi phơi nắng. “Mặc dù ngày nay đã có máy se hương nhưng chúng tôi vẫn lưu giữ cách làm hương truyền thống, tuy vất vả hơn nhưng giữ được hồn cốt của nghề”, chị Như Trang tiếp lời.
Anh Thành chia sẻ thêm, hai vợ chồng được thừa hưởng nghề từ tổ tiên để lại. Trước đây, hương làm ra chỉ phục vụ cho nhu cầu của người dân địa phương nhưng những năm gần đây, làng đã trở thành một điểm du lịch thu hút du khách đến tham quan, mua sắm; được nhiều người biết đến, có không gian phát triển và giúp người làng có thêm đồng ra đồng vào.
Quả thật, dưới hàng chục cặp mắt ngỡ ngàng của đoàn khách du lịch đến từ Nga đang dõi theo đôi tay nhỏ nhắn của chị Trang, thoăn thoắt xòe những bó chông nhang đang “trổ bông” rực rỡ sắc màu, mới thấy nghề hương trầm không đơn thuần là nghề phát triển kinh tế, mà còn thể hiện được nét văn hóa tâm linh, tín ngưỡng ở vùng đất kinh thành linh thiêng. Dưới cơn mưa chiều xứ Huế, từng bó hương dựa vào nhau, xòe ra rồi bung tỏa như những đóa hoa, xóa tan sự trầm mặc cố hữu của Huế; trở thành gạch nối gắn kết giữa thực tại và tín ngưỡng nơi xứ kinh kỳ huyền bí.

Thái Bình

Các tin bài khác