Đưa vốn chính sách đến với vùng cao

23/02/2024
(VBSP News) Với những phương thức tiếp cận vốn linh hoạt, nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã có cuộc sống sung túc, đầm ấm hơn. Những thay đổi đó chính là nhờ các chương trình tín dụng chính sách của hệ thống chi nhánh NHCSXH tỉnh đã vươn đến các vùng sâu, vùng xa, thật sự góp phần tích cực vào mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội.
vốn tdcs

Cán bộ NHCSXH huyện Hà Quảng kiểm tra việc sử dụng vốn của hộ vay ở xóm Tổng Cán, xã Thượng Thôn

Xóm Tổng Cán là một trong những địa bàn vùng cao tại xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng. Ở đây, cái nghèo đang dần lùi xa và thay dần vào đó những đổi mới từ bộ mặt nông thôn đến chất lượng cuộc sống, đó là căn nhà khang trang, vững chãi dần hiện hữu trên bản làng. Gia đình anh Đàm Văn Lợi là một trong những điển hình vay vốn NHCSXH để chăn nuôi gia súc thoát nghèo của xóm. Với nguồn vốn giải quyết việc làm 50 triệu đồng của NHCSXH huyện, anh Lợi đã đầu tư chăn nuôi và trồng trọt. Đến nay, gia đình anh đã có đàn gia súc hơn chục con trâu, bò vỗ béo và đàn lợn nái, lợn con gần 20 con.
Ngoài phục vụ chăn nuôi, anh còn bán con giống cho các hộ dân khu vực lân cận, đem về thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm. Có thêm vốn, anh đầu tư vườn đồi trồng cam, quýt và các loại rau màu phục vụ thị trường, góp phần tăng nguồn thu nhập đáng kể. Từ một hộ nghèo, đến nay, gia đình anh xây dựng được nhà cửa khang trang và có cuộc sống ổn định.
Theo báo cáo của NHCSXH huyện Hà Quảng, đã có hơn 3.000 lượt khách hàng vay vốn trong năm 2023, với doanh số cho vay tín dụng chính sách ước đạt 178,8 tỷ đồng, trong đó, đa phần khách hàng là người DTTS. Vốn tín dụng chính sách được đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, tạo sinh kế, tạo việc làm cho nhân dân trên địa bàn huyện. Từ đồng vốn ưu đãi, cuộc sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện đã không ngừng được nâng lên.
Hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH được khẳng định khi mà những hộ nghèo là đồng bào DTTS cũng như các hộ gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh có cơ hội tiếp cận với hệ thống tín dụng, tài chính. Mức sống của đồng bào các dân tộc tỉnh còn thấp, nhất là đồng bào các DTTS vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Do vậy, việc đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với người dân đã khó, để nguồn vốn phát huy hiệu quả lại càng khó hơn.
Xác định rõ điều đó, chi nhánh NHCSXH tỉnh Cao Bằng đã chú trọng công tác phối hợp với các cấp, ngành, đặc biệt là phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác; đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền về chính sách vay vốn ưu đãi, như bình xét công khai, đúng đối tượng vay vốn; thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay và, niêm yết công khai các chính sách tín dụng ưu đãi tại các Điểm giao dịch xã.
Riêng trong năm 2023, chi nhánh đã giải ngân cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt 293,9 tỷ đồng; tổng dư nợ 19 chương trình tín dụng chính sách đạt 4.132,7 tỷ đồng, với 22.375 lượt khách hàng được vay vốn; tạo việc làm cho 11.656 lao động; hỗ trợ xây dựng 4.575 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xây dựng 81 căn nhà cho hộ gia đình có thu nhập thấp; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo được 1.247 hộ gia đình… góp phần ổn định và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đầu từ tín dụng ưu đãi các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đảm bảo an ninh chính trị… trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2024, chi nhánh đưa ra một số giải pháp để thực hiện tốt hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn. Trong đó, tiếp tục tuyên truyền triển khai cho vay đối với hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, đặc biệt là đối tượng thuộc đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; tổ chức triển khai kiểm tra, giám sát các món vay để tăng cường khâu giám sát việc sử dụng vốn; không ngừng nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ ngân hàng, nâng cao chất lượng phục vụ cho nhân dân.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 4,23%, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 28,94% xuống còn 24,71% vào cuối năm 2023. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã và đang trở thành công cụ hữu hiệu, mở lối thoát nghèo cho nhân dân, giúp địa phương thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Diệu Linh

Các tin bài khác