Từ chiếc máy xúc sau khi ra tù đến cơ ngơi biệt thự bề thế

22/02/2024
(VBSP News) Chiều chập choạng, chúng tôi về xã Bình Xuyên, huyện Bình Giang (Hải Dương). Trong bóng tối nhập nhoạng, căn biệt thự của vợ chồng anh Nguyễn Văn Long và chị Vũ Thị Yến nổi bật giữa một không gian rộng lớn.
hai duonh

Anh Nguyễn Văn Long cùng vợ chia sẻ về câu chuyện đời mình

Vượt qua chính mình, làm lại cuộc đời
Thiếu tá Lê Xuân Thành - cán bộ Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (THAHS&HTTP) Công an huyện Bình Giang dẫn tôi đi theo con đường đất vào nhà của vợ chồng anh Long. Thấy có tiếng bước chân, người phụ nữ ngoài 30 tuổi với chiếc bụng vượt mặt bước ra khỏi nhà, còn người đàn ông đang lúi húi dưới ao cá cũng vội bước lên, đôi bàn chân lấm đầy bùn đất… Nhận ra Thiếu tá Thành, cả hai đon đả chào mời. Trong câu chuyện rôm rả giữa vợ chồng chủ nhà và người cán bộ Đội Cảnh sát THAHS & HTTP Công an huyện Bình Giang, tôi cảm nhận được tình cảm và sự gần gũi, thân thiết của họ.
Bước vào căn nhà 5 gian, tôi không khỏi trầm trồ, ngỡ ngàng trước cơ ngơi của vợ chồng gia chủ. Trong gian phòng rộng hàng trăm mét vuông, bộ sập gụ cùng bộ bàn ghế được bài trí bắt mắt… Nếu không có sự giới thiệu của Thiếu tá Lê Xuân Thành, chúng tôi không nghĩ rằng đây là cơ ngơi của một người đã từng có một thời lầm lỡ.
Khác hẳn với tâm lý e dè, lo ngại ban đầu của tôi, anh Long và chị Yến khá cởi mở… Trong gian phòng ấm áp, câu chuyện về quá trình vượt lên chính mình của anh Long khiến buổi chiều Đông thêm ấm áp. “Tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông. Tuổi trẻ nông nổi vì một lần bốc đồng mà đã một lần vướng vòng lao lý; phải trả giá với bản án 6 tháng tù về hành vi cố ý huỷ hoại tài sản. Nếu không có sự đồng tình, ủng hộ của gia đình; sự giúp đỡ của lực lượng Công an và chính quyền cơ sở thì không có ngày hôm nay…”, anh Long mở đầu câu chuyện.
Nhắc lại câu chuyện cũ, giọng người đàn ông trung niên chợt chùng xuống, anh kể: “Sau khi tôi bị bắt giữ, mọi gánh nặng gia đình đều dồn lên đôi vai gầy guộc của người vợ trẻ. Trong khi đồng lương giáo viên mầm non vô cùng eo hẹp… Những ngày phải trả giá cho sự sốc nổi của mình, tôi vô cùng ân hận. Tôi quyết tâm phải làm lại cuộc đời”.
Nhưng khi trở lại với cuộc sống, Long cũng phải đối mặt với thực tại vô cùng tàn khốc. Không đồng vốn trong tay, trong khi trình độ chẳng có, phải làm gì để bắt đầu cuộc sống? Vào những lúc tưởng như vô vọng ấy, sự đồng hành của người vợ, sự giúp đỡ của người thân và lực lượng Công an cơ sở đã giúp Long dần lấy lại tự tin trong cuộc sống.
“Lúc đó, bố mẹ vợ đã đứng ra bảo lãnh, giúp vợ chồng tôi vay được 300 triệu đồng. Có số tiền này, vợ chồng tôi góp vốn với anh em trong nhà mua một chiếc máy xúc, tiến hành tháo dỡ các công trình”, Long cho biết.
Cuối năm đó, việc làm ăn đã bắt đầu có lãi. Cái Tết đầu tiên, sau khi nhận được tiền có lãi từ việc tháo dỡ các công trình, vợ chồng anh ôm nhau bật khóc. Số tiền lãi đầu tiên, họ đã biếu bố mẹ hai bên ăn Tết. Những năm sau đó, Long cùng vợ tập trung làm ăn, kinh tế gia đình dần trở nên khấm khá… Từ một chiếc máy xúc ban đầu góp vốn, đến thời điểm này, vợ chồng Long đã sở hữu 4 chiếc máy xúc. Việc làm ăn thuận lợi, anh còn giúp tạo việc làm cho nhiều người lao động ở trong và ngoài xã.
Trong quá trình này, không ít lần anh gặp phải những khó khăn và vướng mắc về mặt thủ tục pháp lý; đối mặt với nguy cơ thiếu vốn… Những lúc ấy, sự gần gũi, động viên và giúp đỡ của Thiếu tá Lê Xuân Thành, cán bộ phụ trách địa bàn đã trở thành động lực, giúp Long vượt qua khó khăn. Trong đợt triển khai Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt, trên địa bàn huyện Bình Giang, qua rà soát, Long tiếp tục có đủ điều kiện được cho vay vốn.
Trung tá Vũ Đức Doanh - Đội trưởng Đội Cảnh sát THAHS&HTTP Công an huyện Bình Giang cho biết: Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Bình Giang đã xây dựng được 16 mô hình 4+ về công tác tái hoà nhập cộng đồng để quản lý, giúp đỡ, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương sinh sống với tổng số là 195 người.
Căn cứ vào các đối tượng chấp hành xong án phạt tù về địa phương tái hoà nhập cộng đồng, Công an huyện Bình Giang đã phối hợp với UBND xã, thị trấn và Công an xã tiến hành rà soát, lập danh sách 15 đối tượng đủ điều kiện chuyển về NHCSXH huyện. Sau đó, tiếp tục phối hợp với ngân hàng tiến hành xác minh 15 đối tượng nêu trên; xác định có 3 trường hợp có điều kiện, có nhu cầu vay vốn. Ngoài trường hợp của anh Long còn có Ngô Nguyên Minh ở thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang; anh Nguyễn Kiên Chung tại xã Tân Việt, huyện Bình Giang, mỗi người được vay vốn 100 triệu đồng để phát triển mô hình ổn định cuộc sống…
Hiệu quả từ một mô hình
Muốn giữ vững ổn định chính trị, phải thực hiện việc giảm “đầu vào” của tội phạm. Vì thế, việc triển khai các mô hình tái hoà nhập cộng đồng là rất cần thiết. Từ đó, Công an huyện Bình Giang đã tham mưu với huyện uỷ, UBND huyện để chỉ đạo UBND các xã, thị trấn xây dựng mô hình 4 + về công tác tái hoà nhập cộng đồng để quản lý, giúp đỡ, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù về địa phương sinh sống; đồng thời, tham mưu cho UBND huyện triển khai đến các ban, ngành Quyết định 22 của Chính phủ về tín dụng vay vốn đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương sinh sống.
Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện Bình Giang đã chỉ đạo Công an các xã, thị trấn tham mưu với UBND xã, thị trấn trong công tác tiếp nhận và lập hồ sơ quản lý gần 200 người chấp hành xong án phạt tù tái hoà nhập cộng đồng trên địa bàn.
“Định kỳ hàng tháng, chúng tôi gặp gỡ, động viên, thăm hỏi, giáo dục, giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù để họ xóa đi mặc cảm, sớm hòa nhập với cộng đồng. Đồng thời, yêu cầu Công an các xã, thị trấn lập danh sách cụ thể để quản lý, giáo dục, giúp đỡ số người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Tại các địa bàn, Công an các xã, thị trấn đã tham mưu để phân công cho từng cá nhân ở các ban, ngành, đoàn thể quản lý, giáo dục, giúp đỡ cụ thể”, Đội trưởng Đội Cảnh sát THAHS&HTTP Công an huyện Bình Giang cho biết.
Người chấp hành xong án phạt tù về địa phương có nhu cầu cấp đổi căn cước công dân đều được tạo điều kiện làm thủ tục nhanh gọn, hướng dẫn làm các thủ tục đề nghị xoá án tích phục vụ nhu cầu đi lại và giao dịch khác của họ. Trong năm 2023, Công an huyện Bình Giang đã hướng dẫn, làm thủ tục đăng ký cư trú và hướng dẫn cấp đổi lại thẻ căn cước công dân 50 người.
Đối với những người chấp hành xong án phạt tù đang trong độ tuổi lao động, Công an huyện Bình Giang phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh & Xã hội, Trung tâm giới thiệu việc làm, Ban quản lý các khu công nghiệp trên địa bàn huyện quan tâm giúp đỡ, bố trí, giúp họ tìm việc làm để sớm ổn định cuộc sống. Trong năm 2023 đã có 50 người được tư vấn, giới thiệu việc làm.
Thượng tá Vũ Đình Hùng - Trưởng Công an huyện Bình Giang cho biết: Trong thời gian qua, Công an huyện đã phân công cán bộ làm công tác THAHS phối hợp với Công an phụ trách địa bàn, Công an xã, thị trấn xuống địa bàn kiểm tra, giáo dục, giúp đỡ, động viên người chấp hành xong án phạt tù chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, kịp thời phát hiện và phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm của họ.
Cùng với đó là việc tổ chức các hình thức trợ giúp về tâm lý (tư vấn trực tiếp, tư vấn thông qua các phương tiện thông tin, truyền thông. Trong năm 2023, Công an huyện Bình Giang đã tích cực, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có liên quan đến công tác tái hòa nhập cộng đồng để giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù vay vốn, học nghề, tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.
Rời Bình Giang, chúng tôi vẫn còn suy nghĩ về những trăn trở của lãnh đạo Công an huyện, đó là về việc một số bộ phận cấp chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm; nhận thức chưa đầy đủ đến công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù về địa phương sinh sống. Cùng với đó, chưa có chính sách đặc thù cho cán bộ được phân công giúp đỡ, kèm cặp người chấp hành xong án phạt tù…
Hy vọng rằng, với những kết quả thực tế được ghi nhận, trong thời gian tới, việc triển khai tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn huyện Bình Giang sẽ đạt kết quả tốt hơn. Từ đó, mỗi người từng lầm lỡ có thể làm lại cuộc sống.

Bài và ảnh Xuân Mai

Các tin bài khác