Tín dụng chính sách và chương trình “5 không”, “3 có” và “4 an” của Đà Nẵng

16/02/2024
(VBSP News) Những năm qua, các chương trình tín dụng chính sách xã hội được chi nhánh NHCSXH TP Đà Nẵng triển khai trên địa bàn phát huy hiệu quả tích cực, góp phần to lớn vào hoàn thành vượt kế hoạch giảm nghèo hằng năm của thành phố.
img-20240108-10361920240209000329

Các chương trình tín dụng chính sách luôn được chi nhánh NHCSXH TP Đà Nẵng triển khai kịp thời và nhanh đi vào cuộc sống

Nhiều chương trình cho vay đối với các đối tượng yếu thế của NHCSXH như: cho vay hộ nghèo, cho vay người chấp hành xong án phạt tù, cho vay hộ di dời giải tỏa,… thấm đẫm tính nhân văn. Cùng với đó, các chương trình tín dụng chính sách, như: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, HSSV, giải quyết việc làm… góp phần quan trọng vào việc hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, giúp người nghèo, đối tượng chính sách có trợ lực vươn lên. Tín dụng chính sách cũng giúp người vay làm thay đổi cơ bản nhận thức, sử dụng vốn vay hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo đối với người dân thành phố.
Giám đốc Đoàn Ngọc Chung chia sẻ: Lãnh đạo thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội luôn nỗ lực chăm lo đời sống của người dân. Song do tác động từ nhiều yếu tố khách quan như thiên tai, bão lụt, dịch bệnh COVID-19, tác động từ suy thoái kinh tế thế giới… dẫn đến một bộ phận người dân đối mặt với khó khăn, mất việc làm, tái nghèo… Trong bối cảnh đó, chi nhánh NHCSXH TP Đà Nẵng phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền cấp xã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo, đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm mới, học tập, mua nhà ở xã hội, xây dựng, sửa chữa nhà để ổn định chỗ ở…
Chi nhánh đang thực hiện cho vay 14 chương trình tín dụng nguồn vốn Trung ương và 11 chương trình cho vay từ nguồn vốn địa phương. Hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội được đầu tư đến 100% số xã, phường; 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận vốn vay. Trong năm 2023, doanh số cho vay của chi nhánh đạt 1.830 tỷ đồng, với 23.532 lượt khách hàng vay vốn, doanh số thu nợ của chi nhánh đạt hơn 1.090 tỷ đồng. Tổng dư nợ toàn chi nhánh đạt 4.650 tỷ đồng, tăng 740 tỷ đồng so với năm 2022, tỷ lệ tăng trưởng 18,91%; dư nợ bình quân đạt 664 tỷ đồng/quận, huyện và 83 tỷ đồng/xã, phường.
Cùng với việc tăng trưởng dư nợ thì chất lượng tín dụng luôn được nâng cao, hiện tại tỷ lệ nợ quá hạn 0,03%/tổng dư nợ. Bên cạnh đó, chi nhánh cũng đã tích cực triển khai cho vay phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đạt 100% kế hoạch; trong đó riêng năm 2023, chi nhánh được giao 2 chương trình Nhà ở xã hội 260 tỷ đồng và giải quyết việc làm 50 tỷ đồng đã giải ngân 100% kế hoạch…
Để đồng vốn đến tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác phát huy hiệu quả, không chỉ từ năng lực của đội ngũ làm công tác tín dụng chính sách, mà còn có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng với các tổ chức chính trị - xã hội và sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Chi nhánh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của NHCSXH Trung ương, Thành ủy, HĐND, UBND TP Đà Nẵng và sự phối hợp tích cực từ các Sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, sự đồng tình ủng hộ của người dân. Đặc biệt, đến thời điểm hiện nay, tổng nguồn vốn ủy thác địa phương đạt 2.090 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ đến 44,89% tổng nguồn của chi nhánh.
Có thể khẳng định, tín dụng chính sách xã hội có ý nghĩa rất quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng. Các chương trình tín dụng chính sách được triển khai sâu rộng, kịp thời và đi vào cuộc sống, thực sự mang lại hiệu quả và nhân văn. Nhờ đó, các mục tiêu giảm nghèo của TP. Đà Nẵng luôn về đích trước thời hạn, tùy theo từng giai đoạn. Góp phần hiện thực hoá thành công các chương trình “5 không”, “3 có” và “4 an” của TP Đà Nẵng.

Bài và ảnh Công Thái/TBNH

Các tin bài khác