Không để ai bị bỏ lại phía sau vì thiếu vốn

07/02/2024
(VBSP News) “Quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta xác định con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, là nguồn lực phát triển. Do đó, trong mọi hoàn cảnh phải làm tốt công tác an sinh xã hội, nhất là thời điểm có tác động tới người nghèo, các đối tượng yếu thế, người dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo”.
1111

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng thăm hỏi gia đình anh chị Thị Thảo, sinh năm 1988, dân tộc Raglai ở thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc vay vốn chính sách phát triển kinh tế gia đình, cuộc sống gia đình nay đã ổn định, bền vững

Lời nhắn nhủ của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương là kim chỉ nam cho hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trong những năm qua.
Đặc biệt, trong năm 2023 với mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau vì thiếu vốn”, NHCSXH không chỉ cho vay đúng, cho vay đủ mà còn lồng ghép tín dụng với các chính sách phát triển kinh tế địa phương, hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách vượt lên chính mình, phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn này về vùng đất cổ Na Hang, tỉnh Tuyên Quang giữa vi vút gió và bạt ngàn sắc trắng của hoa mơ, hoa mận và cả hoa đào đang khoe sắc đỏ thắm không chỉ thấy những dòng sông, con suối, vạt rừng thấm đẫm truyền thuyết, văn hóa các dân tộc nơi đại ngàn Tây Bắc mà nghe đâu đây tiếng cựa mình của đất, những mạch nhựa sống xanh tươi của cây công nghiệp, cây ăn trái đang ngày càng trải rộng trên từng vạt núi, cánh rừng từ đôi bàn tay cần mẫn của đồng bào và dòng vốn tín dụng chính sách bồi đắp. Ấm no và hạnh phúc cũng đang ùa về theo những vạt nắng ấm của mùa Xuân.
Ngay cả bản Nà Tà - bản khó khăn nhất của Thượng Nông - xã nghèo nhất của huyện nghèo Nà Hang. Vài năm gần đây, con đường bê tông phẳng lì thoáng rộng như dải lụa vắt ngang cánh đồng cùng cây cầu kiên cố bắc qua suối Nặm Ta không chỉ đẩy lùi nỗi cơ cực quá khứ mỗi khi mưa lũ, con đập tràn chìm trong biển nước, cả bản bị chia cắt với thế giới bên ngoài, mà hơn thế còn mở rộng thêm con đường phát triển kinh tế sôi động trong tương lai. Giao thương thuận lợi, nhiều gia đình mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn chính sách, nâng cao mức vay, tạo sinh kế vững bền.

22222

Gia đình anh Nguyễn Văn Đa ở bản Nà Tà, xã Thượng Nông vay vốn chính sách mở rộng nuôi bò sinh sản và mua máy cày phục vụ sản xuất kinh doanh

Đơn cử như gia đình anh Nguyễn Văn Đa trước đây vay vốn NHCSXH nhưng chỉ nghĩ nuôi được 3 con bò nên thu nhập không cao. Mãi đến tận năm 2022 gia đình anh mới thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Tuy nhiên, cả chặng đường dài vươn lên thoát nghèo ấy cũng cho anh hiểu rằng muốn bứt phá làm giàu không có con đường nào khác là phải đầu tư mở rộng chăn nuôi.
Vì vậy, năm 2023 anh mạnh dạn vay 100 triệu đồng nguồn vốn hộ cận nghèo để đầu tư mở rộng đàn bò sinh sản lên 10 con. Cuộc sống gia đình anh vì thế giờ không còn phải lo chuyện ăn, chuyện mặc nữa, mà tiến tới mục tiêu cao hơn là xây dựng căn nhà mới kiên cố khang trang bên dòng suối Nặm Ta.
Đáng mừng hơn là đồng bào dân tộc thiểu số ở Nà Tà nhận thức rõ con đường thoát nghèo bằng tri thức. Hộ ông Hoàng Văn Minh, dân tộc Tày, sinh năm 1966 là một điển hình vay vốn chương trình tín dụng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để lo cho 4 người con học tập, trong đó 3 con học đại học, 1 con học cao đẳng, đến nay đã ra trường và có việc làm ổn định. Thậm chí, chị Nguyễn Thị Vui, con gái đầu của ông sau khi hoàn thành khóa học tại Đại học Nông nghiệp đã về làm việc tại Trung tâm điều tra quy hoạch Lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, tiếp tục định hướng giúp bà con dân bản phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Cùng với những dồn tích tín dụng 21 mùa Xuân qua và doanh số cho vay năm 2023 đạt 70 tỷ đồng cho 1.136 hộ vay, tính đến nay tổng dư nợ cho hộ nghèo vay vốn của huyện Na Hang đã lên đến 350 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn này, nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt, lao động việc làm… được triển khai thành công và hiệu quả nhất, góp phần giúp 3.500 hộ thoát nghèo trong năm 2023, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 40,76% năm 2022 xuống còn 32,61% vào cuối năm 2023 (giảm 8,15%). Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 13,64% năm 2022 xuống còn 10,45% vào cuối năm 2023. Qua đó, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

33333

Tín dụng chính sách của Chính phủ được NHCSXH triển khai thực hiện bài bản trong suốt 21 năm qua tới khắp vùng miền trong cả nước. Hỗ trợ cho hàng triệu hộ dân nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, vui Xuân đón Tết đầm ấm, an vui

***

Ở những vùng khó khăn như Na Hang, nguồn vốn chính sách đã được chuyển tải kịp thời đến 100% người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tại các thôn, bản, do vậy ở những nơi có điều kiện thuận lợi hơn trong cả nước, NHCSXH lại càng thực hiện tốt phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau vì thiếu vốn”!
Năm 2023 cũng là năm khởi sắc, bứt phá mới trong suốt quá trình hoạt động 21 năm qua của NHCSXH, đó là triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư không chỉ nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội mà còn góp phần tăng độ rộng và độ sâu của dòng vốn chính sách.
Tính đến mùa Xuân này (31/12/2023) nguồn vốn địa phương ủy thác sang NHCSXH tăng 8.573 tỷ đồng so với năm 2022, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đạt 39.174 tỷ đồng; Số dư tiền gửi tài khoản Quỹ “Vì người nghèo” của MTTQ Việt Nam gửi tại NHCSXH là 320 tỷ đồng. Những con số biết nói này đã đưa tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đến 31/12/2023 đạt 346.278 tỷ đồng, tăng 49.262 tỷ đồng (+17%) so với năm 2022.
Đặc biệt, theo quan điểm mà Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Trong mọi hoàn cảnh phải làm tốt công tác an sinh xã hội, nhất là những thời điểm có tác động tới người nghèo, các đối tượng yếu thế, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo”. Thời gian qua, NHCSXH đã tận dụng mọi nguồn lực cũng như hội tụ sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Tính đến hết năm 2023 dư nợ cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đạt 38.400 tỷ đồng, tăng 22.376 tỷ đồng so với năm 2022, với 615,6 nghìn lượt khách hàng được vay vốn. NHCSXH đã giải ngân tổng số vốn vay các chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất 2% đạt 158.994 tỷ đồng, cho hơn 3,3 triệu khách hàng với hơn 3,8 triệu khoản vay; thực hiện hỗ trợ lãi suất với tổng số tiền cả giai đoạn 2022 - 2023 là 2.995,2 tỷ đồng, trong đó năm 2022 là 877,5 tỷ đồng, năm 2023 là 2.117,7 tỷ đồng.
Nhìn tổng thể bức tranh tín dụng chính sách của cả năm 2023, tổng doanh số cho vay toàn hệ thống NHCSXH đạt 108.044 tỷ đồng với 2.218 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Đến 31/12/2023 tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 331.924 tỷ đồng, tăng 48.576 tỷ đồng (+17%) so với năm 2022 với hơn 6,8 triệu khách hàng còn dư nợ.
Vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho trên 790 nghìn lao động, trong đó giúp gần 8,6 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và trên 2.600 người vừa chấp hành xong án phạt tù có việc làm ổn định; giúp gần 97 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng trên 1.435 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 1.383 căn nhà ở cho hộ nghèo, hơn 15 nghìn căn nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp,… góp phần ổn định và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đầu tư tín dụng ưu đãi các Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Những thành quả này góp phần đưa công tác giảm nghèo tiếp tục là điểm sáng, được quốc tế đánh giá cao trong năm 2023 với tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,1% (hiện còn 2,93%). Đây cũng là điểm tựa niềm tin và sức mạnh để toàn thể cán bộ, người lao động toàn hệ thống NHCSXH nỗ lực và nhiệt huyết hơn nữa trong hành trình tín dụng chính sách sắp tới, hiện thực hóa kế hoạch tín dụng tài chính năm 2024 và 3 năm 2024 - 2026, xa hơn nữa là Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bài và ảnh Việt Hải

Các tin bài khác