Hoạt động tín dụng chính sách tại A Lưới, Thừa Thiên - Huế (Bài cuối: A Lưới về đích đúng hẹn)

31/01/2024
(VBSP News) Năm 2023 là năm thành công của huyện miền núi A Lưới. Trong đó, việc “ra khỏi danh sách 74 huyện nghèo nhất cả nước” là sự kiện đặc biệt, thể hiện sự chung sức, chung lòng, quyết tâm đổi mới của các cấp ủy, chính quyền và đồng bào trong huyện, cùng sự hỗ trợ đắc lực của NHCSXH...
A luoi 2

Giám đốc NHCSXH huyện A Lưới Lê Quang Thắng kiểm tra việc sử dụng vốn vay của các hộ đồng bào Pa Cô

Giảm gần 2 nghìn hộ nghèo
Theo thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng, công tác giảm nghèo bền vững năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của huyện A Lưới vừa diễn ra mới đây, công tác giảm nghèo đã có bước đột phá ngoạn mục với thành tích giảm thêm 1.914 hộ nghèo, vượt 203 hộ nghèo so với kế hoạch tỉnh giao.
Như vậy, trong 2 năm (2022 - 2023), toàn huyện có 3.537 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 24,40%, đủ điều kiện để đưa huyện A Lưới thoát khỏi 74 huyện nghèo quốc gia, chung tay cùng với cả tỉnh phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Theo Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện A Lưới, có được kết quả trên là nhờ sự quyết tâm và nỗ lực của cả huyện; trong đó, có công sức lớn của NHCSXH. Nếu như đầu năm 2022, huyện A Lưới có 7.022 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 49,98% và hộ cận nghèo là 2.185 hộ, chiếm tỷ 15,55%. Đến cuối năm 2022, hộ nghèo giảm còn 38,2% (giảm 1.623 hộ và vượt so với kế hoạch 193 hộ); số hộ cận nghèo giảm còn 14,70% (giảm 107 hộ); 100% các hộ đều được thụ hưởng và vượt khỏi ngưỡng nghèo, vươn lên nhờ sự hỗ trợ từ các chương trình tín dụng chính sách. Đặc biệt, nhiều bà con Tà Ôi ở Quảng Nhâm, A Roàng… đã thay đổi cuộc sống, vươn lên với những đồng vốn vi mô của NHCSXH.
Thực tế, A Lưới là một trong 74 huyện nghèo của cả nước với 77,5% là đồng bào DTTS. Toàn huyện có 18 xã, thị trấn, trong đó có 12 xã và 2 thôn của xã Hồng Thượng thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Theo báo cáo của NHCSXH huyện A Lưới, đến hết năm 2023, tổng doanh số cho vay đạt gần 100 tỷ đồng, với trên 2 nghìn khách hàng vay vốn, tập trung chủ yếu vào chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng tăng gần 10% so với cuối năm 2022.
Quảng Nhâm là xã có tổng dư nợ các chương trình tín dụng lớn thứ hai của huyện A Lưới, với gần 50 tỷ đồng. Thông qua các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH, toàn xã Quảng Nhâm có trên 460 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; trong đó, trên 452 hộ là đồng bào DTTS được vay vốn (chiếm 98% số lượt hộ vay) để sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống.
Sẵn sàng cho chặng đường mới
Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: Mặc dù nửa nhiệm kỳ qua, công tác giảm nghèo ở A Lưới đã có những bước đột phá nhưng đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức 38,2% và là điều trăn trở của lãnh đạo địa phương. Với quan điểm “Xác định rõ nguyên nhân nghèo và có phương án thoát nghèo theo địa chỉ cụ thể cho từng hộ nghèo”; trên cơ sở kế hoạch phân bổ chỉ tiêu của Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh về việc giao chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo cho các xã, thị trấn giai đoạn 2022 - 2025; huyện đặt quyết tâm phấn đấu theo lộ trình.
Cụ thể, năm 2023 giảm 1.708 hộ xuống còn 3.691 hộ nghèo, tỷ lệ còn 26,12%; năm 2024 giảm còn 2.234 hộ nghèo, tỷ lệ còn 15,9%; năm 2025 giảm còn 1.784 hộ nghèo, tỷ lệ còn 12,01%. Kết thúc năm 2023, công tác giảm nghèo đã về đích ngoạn mục và vượt gần 2% so với kế hoạch đặt ra.
“Kết quả này có sự đóng góp rất lớn của nguồn vốn tín dụng chính sách. Chúng tôi mong muốn, trong chặng đường tiếp theo vẫn luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của NHCSXH”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Theo đó, năm 2024 là năm quan trọng trong hành trình đưa Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, vì vậy, NHCSXH huyện A Lưới bám sát chỉ đạo của NHCSXH tỉnh, Trung ương; đặc biệt là các nghị quyết của HĐND và Kế hoạch của UBND huyện về thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện năm 2024.
Đồng thời, tiếp tục khơi tăng nguồn vốn, huy động tiền gửi Tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ chức, cá nhân, nhất là tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư; đặc biệt tăng nguồn lực từ ngân sách địa phương để cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách nhằm bảo đảm nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng, đặc biệt các chương trình tín dụng mới như cho vay người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg, các chương trình cho vay liên quan đến DTTS… Tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm duy trì chất lượng tín dụng, chú trọng việc chấp hành các quy trình nghiệp vụ, công tác ủy thác của các hội đoàn thể, sự tham gia của chính quyền địa phương, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn; làm tốt công tác xử lý rủi ro, bảo đảm đúng quy định.
Phát huy sự tương trợ, giúp đỡ nhau, giám sát lẫn nhau trong sử dụng vốn vay có hiệu quả, trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo quy định; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động Điểm giao dịch xã; coi đây là giải pháp cơ bản, trọng tâm để đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến gần người dân nhất, phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.
Đặc biệt, NHCSXH huyện A Lưới sẽ phối hợp với cơ quan báo, đài, chính quyền địa phương và tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách; mô hình làm ăn hiệu quả; chủ trương, chính sách mới; quyền và nghĩa vụ của hộ vay vốn. Kết hợp với các trạm khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư lồng ghép việc cho vay với chuyển giao KHKT và công nghệ mới trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt; giúp người vay sử dụng vốn vay có hiệu quả, nâng cao thu nhập gia đình, góp phần giảm nghèo, tạo việc làm tại địa phương.

Bài và ảnh Bình Nhi

Các tin bài khác