Tín dụng chính sách trở thành “trợ lực” giảm nghèo bền vững tại Hải Dương

23/01/2024
(VBSP News) Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Nhờ nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH đã giúp nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh có được việc làm, thu nhập ổn định, vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
hai duong

Gia đình ông Nguyễn Khắc Hoàn ở thôn Mỹ Khê, xã Vĩnh Hồng vay vốn NHCSXH để phát triển kinh tế

Nguồn vốn tín dụng chính sách được đầu tư đến hầu hết xã, phường, thị trấn của 12 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh, đã góp phần quan trọng giúp 106.694 hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho 46.215 lao động, hỗ trợ gần 120 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng hơn 458 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, thực hiện giải ngân cho gần 7 nghìn người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài…
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Hoàng Liên Sơn cho biết: Những năm qua, chi nhánh đã tận tâm, đoàn kết tham gia trực tiếp thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới của địa phương thông qua những biện pháp cụ thể như: tập trung huy động mọi nguồn lực tài chính, tổ chức chuyển tải kịp thời, an toàn nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước về tận thôn xóm, xã phường, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống. Nhờ đó, chi nhánh được NHCSXH Trung ương và lãnh đạo địa phương tin tưởng giao thêm một số chương trình tín dụng và bổ sung nhiều nguồn vốn để cho vay các đối tượng thụ hưởng.
Đến hết năm 2023, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách tại chi nhánh đạt 4.880 tỷ đồng. Đặc biệt sau 9 năm đưa Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư vào cuộc sống, các nguồn lực tài chính ở Hải Dương có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước được quy về một đầu mối giao cho NHCSXH đạt 267 tỷ đồng, tăng 108,7% so với đầu năm, hoàn thành 556,2% kế hoạch giao tăng trưởng.
Hầu hết nguồn vốn tín dụng chính sách được nhanh chóng chuyển an toàn về khắp thôn xóm, xã phường, bao gồm cả 591,4 tỷ đồng vốn thuộc 4 chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Điều này không chỉ nâng tổng dư nợ tín dụng chính sách năm 2023 ở Hải Dương đạt 4.767 tỷ đồng, mà còn hỗ trợ hiệu quả cho các chương trình an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhờ đó, nhiều mô hình chuyển dịch sản xuất đúng hướng và gương sáng tập thể cá nhân sản xuất kinh doanh giỏi xuất hiện. Đơn cử, tại huyện Cẩm Giàng, nguồn vốn tín dụng đã giúp tái cơ cấu nông nghiệp để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, tạo động lực trở thành huyện Nông thôn mới nâng cao của tỉnh Hải Dương vào năm 2024.
Cũng như nhiều người nghèo và các đối tượng chính sách khác ở huyện Bình Giang, gia đình ông Nguyễn Khắc Hoàn ở thôn Mỹ Khê, xã Vĩnh Hồng đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ NHCSXH để trồng các loại nấm hoàng đế, tú cầu, sò nâu và nuôi cá nước ngọt, thu nhập hàng năm tới 100 triệu đồng. Tương tự, hộ gia đình ông N.Đ.H ở thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang đã sử dụng vốn chính sách dành cho người mãn hạn tù để lập trang trại nuôi gà, vịt đẻ trứng, mỗi tháng tiêu thụ ra thị trường thành phố hơn một vạn quả, ổn định cuộc sống khi hoàn lương…
Tín dụng chính sách xã hội do chi nhánh NHCHXH tỉnh Hải Dương triển khai thực sự là công cụ đòn bẩy kinh tế quan trọng góp phần giảm nghèo bền vững. Phát huy thành tích đạt được, chi nhánh sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù, tập trung huy động nguồn lực, đảm bảo 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp.

Minh Uyên

Các tin bài khác