Thúc đẩy chương trình OCOP từ nguồn vốn chính sách

07/06/2023
(VBSP News) Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, hàng trăm hộ dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương không chỉ ổn định sinh kế, mà còn góp phần phát triển các sản phẩm OCOP của địa phương.
thuc-day-chuong-trinh-ocop-tu-nguon-von-chinh-sach-7-150754

Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, vườn ổi lê của chị Nguyễn Thị Chinh (đứng giữa) góp phần tạo sinh kế bền vững cho gia đình

Nhiều năm trước, gia đình chị Nguyễn Thị Chinh ở thôn Mai Xá, xã Hiệp Lực, huyện Ninh Giang trồng 4 sào ổi bo Đài Loan và 5 sào ổi lê nhưng hiệu quả kinh tế của ổi bo không cao như giống ổi lê. Do vậy, gia đình chị quyết định chuyển toàn bộ diện tích sang trồng ổi lê. “Giữa năm ngoái, khi được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách theo chương trình giải quyết việc làm, gia đình tôi đã cải đất thay cây”, chị Chinh cho biết.
Với 50 triệu đồng vốn ưu đãi chính sách, chị Chinh đã cải tạo đất, mua cây giống, phân bón và một số loại thuốc bảo vệ thực vật chiết xuất từ thảo mộc để dồn toàn bộ công sức cho giống ổi lê. Năm 2022, gia đình chị Chinh thu lãi hơn 100 triệu đồng từ trồng ổi lê. Năm 2022, sản phẩm ổi lê của gia đình chị Chinh nói riêng, hàng trăm hộ dân ở xã Hiệp Lực nói chung được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Trong năm 2022, một sản phẩm khác của Ninh Giang cũng được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao là quả vải sớm. Cuối tháng 5, tại khu đất hơn 2 mẫu của gia đình anh Nguyễn Xuân Tùng ở đội 8, thôn Ngọc Hòa, xã Vĩnh Hòa, từng chùm vải đã căng mọng, chờ ngày thu hoạch. Đầu năm 2022, để mở rộng diện tích trồng vải, anh Tùng đã hoàn thiện hồ sơ để vay vốn tín dụng chính sách theo chương trình giải quyết việc làm. “Với 70 triệu đồng từ NHCSXH, gia đình tôi đã mở rộng từ 1 mẫu lên 2 mẫu trồng vải, số lượng cây cũng tăng lên gấp đôi, tổng cộng hơn 200 gốc. Vụ vải năm trước, gia đình tôi đã thu lãi gần 150 triệu đồng”, anh Tùng chia sẻ.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình ông Mạc Văn Hoành ở thôn Hố Giải, xã Hoàng Hoa Thám, TP Chí Linh đã tập trung nâng cao hiệu quả trồng thanh long ruột đỏ, một sản phẩm OCOP 3 sao của địa phương. Nhiều năm trước, gia đình ông Hoành trồng cam đường canh cùng một số giống cam khác xen kẽ, tuy nhiên giá trị kinh tế thấp. “Muốn thay đổi cây trồng nhưng thiếu vốn. Cũng may tôi được chấp thuận vay vốn chính sách theo chương trình giải quyết việc làm. Đổi sang trồng thanh long ruột đỏ, chỉ riêng vụ thu hoạch năm ngoái, gia đình tôi thu lãi hơn 80 triệu đồng. Năm nay gần 700 gốc thanh long ruột đỏ của gia đình tôi dự kiến sẽ có lợi nhuận hơn 100 triệu đồng”, ông Hoành tâm sự.
Để tập trung phát triển sản phẩm OCOP cũng như tạo điều kiện giúp các hộ dân như gia đình chị Chinh, anh Tùng, ông Hoành, Phòng giao dịch NHCSXH tại các địa phương trong tỉnh luôn ưu tiên, tập trung nguồn vốn phục vụ các đối tượng đủ điều kiện, có mô hình phát triển sản phẩm OCOP. Giám đốc NHCSXH huyện Ninh Giang Nguyễn Trung Kiên cho biết: “Dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt gần 352 tỷ đồng, trong đó dư nợ chương trình giải quyết việc làm 40,5 tỷ đồng. Trong cơ cấu nguồn vốn của chương trình này, chúng tôi dành phần tỷ trọng cao để tập trung vào các mô hình phát triển sản phẩm OCOP”.
Để có nguồn tín dụng phục các mô hình OCOP, chi nhánh NHCSXH tỉnh Hải Dương rất cần bổ sung vốn, nhất là từ nguồn vốn ủy thác địa phương. Theo báo cáo của chi nhán, đến ngày 26/5, tổng dư nợ tín dụng chính sách của Hải Dương đạt hơn 4.200 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ chương trình giải quyết việc làm gần 520 tỷ đồng. Nguồn vốn chính sách phục vụ các mô hình phát triển sản phẩm OCOP chủ yếu tập trung từ chương trình tín dụng này.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Nguyễn Văn Thành cho biết: Chương trình cho vay giải quyết việc làm là một chương trình luôn trong tình trạng thiếu vốn. Còn nhiều hộ dân chỉ được duyệt số tiền vay thấp hơn 100 triệu đồng, mức vay tối đa của chương trình. Thời gian tới, chi nhánh sẽ tích cực hơn nữa trong việc phối hợp các đơn vị để rà soát các hộ vừa đủ điều kiện vay vừa có mô hình phát triển OCOP để bổ sung nguồn vốn ưu đãi.

Hà Kiên

Các tin bài khác