Động lực giúp hộ đồng bào DTTS phát triển

07/06/2023
(VBSP News) Từ nguồn vốn vay ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng DTTS và miền núi theo Nghị quyết số 28 của Chính phủ, là đòn bẩy quan trọng tạo động lực cho hộ dân vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Hậu Giang thoát nghèo và phát triển kinh tế bền vững.
SB3778-3-1

Nhiều hộ đồng bào DTTS tỉnh Hậu Giang phát triển chăn nuôi trâu sinh sản từ nguồn vốn ưu đãi

Vươn lên từ đồng vốn ưu đãi
Đây là lần thứ 2 ông Danh Sung ở ấp 10, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, vay vốn NHCSXH chương trình cho vay hộ nghèo. Ông Sung phấn khởi cho hay: “Năm trước, tôi vay được 50 triệu đồng, tôi mua được 1 con trâu cái và làm chuồng cho trâu. Lần này, tôi được vay 40 triệu đồng, tôi mừng lắm. Với số tiền này, tôi mua thêm 2 con trâu cái nữa về nuôi sinh sản. Tôi vô cùng cảm ơn NHCSXH và các cấp chính quyền địa phương, nhờ có được nguồn vốn vay đã giúp tôi thêm điều kiện làm ăn và thoát nghèo”.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ gia đình DTTS vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có được việc làm và phát triển kinh tế bền vững. Ông Danh Tôn ở ấp 6, xã Lương Nghĩa vui mừng tâm sự: “Gia đình tôi nuôi trâu hồi năm 1985. Sau đó, Nhà nước cho vay được 30 triệu đồng, giúp tôi nuôi thêm trâu sinh sản. Đến nay, tôi phát triển được 4 con trâu sinh sản. Hàng ngày, tôi còn đi làm thêm để có tiền đóng lãi và gửi tiết kiệm hàng tháng cho NHCSXH đúng quy định, cũng như có chi phí để trang trải cuộc sống gia đình. Với đàn trâu này, tôi sẽ bán được vài trăm triệu đồng. Bán trâu đợt này tôi sẽ trả hết tiền vay ngân hàng và tái đầu tư tiếp”.  
Nhờ chí thú làm ăn và trợ lực từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp gia đình ông Thạch Toàn, ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, giải quyết việc làm cho người lao động ở địa phương và đang xây dựng căn nhà mới trị giá gần 500 triệu đồng. Ông Toàn cho biết: “Căn nhà mới tôi đang xây dựng khoảng 2 tháng nữa xong. Có được cơ ngơi như hôm nay tôi vô cùng cảm ơn chính quyền địa phương, các cấp, ngân hàng đã tạo điều kiện cho gia đình tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách. Từ 30 triệu đồng vốn vay NHCSXH, giúp tôi mua gỗ về làm bàn, ghế, giường để bán cho khách hàng. Hiện mỗi tháng tôi làm ra từ 8 bộ sản phẩm thủ công mỹ nghệ cung cấp cho khách hàng, trừ hết chi phí lãi từ 20 triệu đồng trở lên”.
Phó Chủ tịch UBND xã Lương Nghĩa Lê Thanh Tồn cho biết: Qua thực hiện Nghị quyết số 28 của Chính phủ về triển khai vốn tín dụng Chương trình mục tiêu quốc gia đối với xã đồng bào DTTS và đặc biệt khó khăn, xã đã phối hợp với NHCSXH huyện Long Mỹ và các tổ chức chính trị - xã hội rà soát các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu vay vốn. Qua rà soát, toàn xã có 75 hộ vay vốn chương trình này với số tiền trên 2 tỷ đồng.
Trong quá trình thực hiện đối với xã đặc biệt khó khăn là tỷ lệ hộ nghèo còn cao nên nguồn vốn chưa đáp ứng so với nhu cầu của hộ vay vốn. Theo đó, đối với hộ dân vay vốn, trong quá trình thực hiện có nhiều mô hình bền vững và hiệu quả cao không nhiều. Hiện tại, giá cây, con giống rất cao, trong khi hộ dân chỉ vay tối đa được 100 triệu đồng. Vì vậy, cần nâng mức cho vay để hộ dân có đủ nguồn vốn phát triển mô hình.
Tăng cường vốn tín dụng cho hộ có mô hình hiệu quả
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ Lê Hùng Anh, hiện Hội đang quản lý 1.404 hội viên, dư nợ đạt trên 34 tỷ đồng. Đối với hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu vay vốn, Hội phối hợp với các đoàn thể, ấp rà soát, tổng hợp, họp dân xét hộ đủ điều kiện. Đến nay đảm bảo 100% hộ có nhu cầu vay vốn, sử dụng đúng mục đích thoát nghèo bền vững. Đối với chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 28, Hội phối hợp tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu đảm bảo nguồn vốn, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Giám đốc NHCSXH huyện Long Mỹ Huỳnh Quốc Việt cho biết: Việc cho vay hộ trên địa bàn xã Lương Nghĩa thì đa số hộ vay sử dụng đúng mục đích. Để đáp ứng nhu cầu vay, ngay từ đầu năm 2023, với sự chỉ đạo của chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang, Phòng giao dịch phối hợp UBND huyện, xã, hội đoàn thể, ấp rà soát 88 hộ nghèo, cận nghèo để giải ngân trong năm 2023, với số vốn 2,3 tỷ đồng, đáp ứng kịp thời cho bà con tham gia sản xuất vươn lên thoát nghèo bền vững. Để phát huy hiệu quả vốn tín dụng chính sách, đơn vị đã phối hợp hiệu quả với ngành nông nghiệp để chuyển giao tiến bộ KHKT cho bà con. Đồng thời, tuyên truyền bà con biết tiết kiệm, tích lũy nguồn vốn. Để đảm bảo nguồn vốn vay phát huy hiệu quả, Phòng giao dịch kiến nghị Đảng ủy, chính quyền nên quan tâm việc tăng cường nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn.
Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang Trần Thành Đạt chia sẻ: Thực hiện Nghị định số 28 của Chính phủ, trên địa bàn tỉnh chỉ mới triển khai giải ngân cho vay đối tượng hỗ trợ chuyển đổi nghề. Còn các chương trình tín dụng khác khó triển khai như: cho vay hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, do địa phương không có quỹ đất để triển khai thực hiện nên tỉnh không chỉ đạo xây dựng dự án này. Đối với cho vay hỗ trợ nhà ở do chưa ban hành cơ chế đặc thù cho dự án này, nên chưa được các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn do phải sửa đổi Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đối với cho vay phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị do ngành nông nghiệp kêu gọi đầu tư nhưng chưa có doanh nghiệp đăng ký nên chưa thể triển khai.
Tuy còn những khó khăn, nhưng để chương trình cho vay này hiệu quả bền vững, hiện nay chi nhánh đã phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền đến người dân trong vùng nhận biết một cách đầy đủ về chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Lựa chọn, tìm kiếm những mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, có thể nhân rộng cho người dân học hỏi để thực hiện theo, đồng thời tích cực vận động người dân khi sản xuất kinh doanh phải áp dụng theo các quy trình kỹ thuật của ngành chức năng hướng dẫn, đảm bảo hàng hóa được tạo ra an toàn. Tìm kiếm, mời gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp xây dựng dự án tạo việc làm cho người dân, xây dựng nhà máy chế biến nông sản giúp người dân tiêu thụ hàng hóa nông nghiệp, tham gia thực hiện chuỗi giá trị…  
Thực hiện Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ, chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang đã rà soát có 173 hộ có nhu cầu vay vốn, với số tiền 6,357 tỷ đồng, trong đó 132 hộ có nhu cầu chuyển đổi nghề với số tiền 4,757 tỷ đồng, hộ có nhu cầu xây dựng nhà ở với 40 hộ số tiền là 1,6 tỷ đồng. Đến ngày 9/4/2023, toàn tỉnh có gần 120 hộ dân vay vốn theo Nghị định 28 với tiền trên 3,8 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân cho 50 hộ đồng bào DTTS có nhu cầu chuyển đổi nghề với số tiền gần 1,8 tỷ đồng.

Bài và ảnh Thanh Xoàn

Các tin bài khác