Hậu Giang tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng

14/04/2023
(VBSP News) Đến hết tháng 3/2023, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đạt hơn 3.535 tỷ đồng, tăng hơn 72 tỷ đồng so với năm 2022. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Hồ Thu Ánh - Trưởng Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh, chi nhánh cần tiếp tục tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để duy trì, nâng cao chất lượng tín dụng với các đơn vị có chất lượng tín dụng còn thấp, chưa ổn định. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ các đơn vị để theo dõi, nắm bắt tình hình thiên tai, xâm ngập mặn làm ảnh hưởng thiệt hại đến cây trồng vật nuôi xảy ra ở các địa phương.
image001

Nông dân hợp tác xã dưa hấu VietGAP ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy thu hoạch dưa

Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang Bùi Văn Thuấn cho biết: Trong quý II/2023, chi nhánh sẽ tập trung triển khai cho vay tăng trưởng dư nợ đối với các chương trình tín dụng ưu đãi, đảm bảo giải ngân vốn vay đến 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn.

Chi nhánh sẽ phối hợp tốt với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác triển khai tập huấn nghiệp vụ cho các cấp cơ sở và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn nhằm củng cố kiến thức về các quy trình, nghiệp vụ ủy thác của NHCSXH, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách cũng như chất lượng ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội.

Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các Sở, ngành, tham mưu cấp ủy chính quyền địa phương thực hiện chương trình, kế hoạch, Chỉ thị, Nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tạo việc làm, phát triển nông nghiệp, hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh gắn với tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, nâng cao công tác phối hợp giữa chi nhánh và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác để chất lượng hoạt động ủy thác nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng ổn định và hiệu quả.

Đến hết tháng 3/2023, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn đạt hơn 3.535 tỷ đồng, tăng hơn 72 tỷ đồng so với năm 2022. Doanh số cho vay trong quý I/2023 của chi nhánh NHCSXH tỉnh đạt hơn 179 tỷ đồng, giảm hơn 70 tỷ đồng so với cùng kỳ 2022, với hơn 5,5 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh đạt hơn 29 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 0,84%/tổng dư nợ. Trong đó, nợ quá hạn là hơn 6 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,18%/tổng dư nợ, tăng gần 1,3 tỷ đồng so với năm 2022; nợ khoanh hơn 23 tỷ đồng chiếm 0,66%/tổng dư nợ giảm hơn 800 triệu đồng so với đầu năm 2023.

Thời gian qua, việc triển khai nguồn vốn chính sách trên địa bàn tỉnh Hậu Giang gặp một số khó khăn, vướng mắc như: nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn thấp, đạt hơn 243 tỷ đồng, chiếm 6,8% (bình quân toàn quốc 11%).

Tỉnh chưa có chính sách phát triển kinh tế - xã hội cần thiết khác gắn với tín dụng ưu đãi, chưa có chính sách phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, hỗ trợ đối với các sản phẩm OCOP. Vốn huy động tiết kiệm tiền gửi dân cư đến hết tháng 3/2023 giảm so với đầu năm 2023 hơn 1,1 tỷ đồng.

Đặc biệt, chất lượng hoạt động giao dịch xã, chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, chất lượng hoạt động tín dụng xã xếp loại tốt, chất lượng hoạt động tín dụng toàn tỉnh chưa được kế hoạch đề ra.

Duy Ba

Các tin bài khác