Vốn vay chính sách xã hội góp phần bảo đảm an sinh xã hội

04/04/2023
(VBSP News) Thời gian qua, với sự đa dạng về đối tượng thụ hưởng, tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn TX Hoài Nhơn (Bình Định) đã phát huy vai trò trong công tác giảm nghèo, hỗ trợ giải quyết việc làm.
viewimage

Từ vốn vay giải quyết việc làm, bà Nguyễn Thị Hạnh ở khu phố Phụng Du 2, phường Hoài Hảo, TX Hoài Nhơn đầu tư nguyên vật liệu sản xuất bánh tráng nước dừa, tiếp tục tạo việc làm cho 4 lao động địa phương

Tiếp sức hộ nghèo, cận nghèo
Doanh số cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn trong năm 2022 đạt hơn 207 tỷ đồng, với 4.517 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Riêng 2 tháng đầu năm 2023, doanh số cho vay đạt 41,4 tỷ đồng, với 925 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Các chương trình tín dụng chính sách tập trung cho lĩnh vực SXKD, giải quyết việc làm, học tập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được xem là 3 chính sách cho vay trọng tâm để thực hiện chủ trương giảm nghèo nhanh và bền vững. Trong năm 2022, nguồn vốn ưu đãi các chương trình cho vay này đã giúp 239 hộ nghèo, 410 hộ cận nghèo, 262 hộ mới thoát nghèo được vay vốn để SXKD với số tiền 57,6 tỷ đồng. 2 tháng đầu năm 2023, có 94 hộ nghèo, cận nghèo, 18 hộ mới thoát nghèo được vay vốn để phát triển SXKD với số tiền 7,3 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nguồn vốn chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn để trang trải chi phí học tập đã góp phần tạo cơ hội học tập cho các em HSSV trên địa bàn thị xã. Trong năm 2022, NHCSXH TX Hoài Nhơn đã hỗ trợ cho 845 lượt HSSV vay vốn với số tiền 21,1 tỷ đồng.
Hỗ trợ tạo việc làm
NHCSXH TX Hoài Nhơn đã triển khai hiệu quả chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, với tổng doanh số cho vay đạt 71,5 tỷ đồng cho 1.471 khách hàng vay vốn trong năm 2022. Qua đó, đã tạo việc làm cho gần 1.500 lao động. 2 tháng đầu năm 2023, có 248 lao động được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm với hơn 12,1 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Hạnh ở khu phố Phụng Du 2, phường Hoài Hảo đã vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm vào cuối tháng 11/2022. Toàn bộ số tiền này được bà đầu tư cho nguyên vật liệu sản xuất bánh tráng nước dừa. “Tôi tráng bánh tráng nước dừa từ thời trẻ đến nay. Theo thời gian, tôi cố gắng mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho 4 lao động nữa. Trung bình mỗi ngày, tôi tráng khoảng 2.500 bánh gửi vào TP Quy Nhơn để cung cấp cho bạn hàng ở các chợ, cửa hàng. Trừ hết chi phí, tôi kiếm lời được từ 500 - 700 nghìn đồng/ngày. Số tiền này được dành dụm để trả lần vốn vay tại NHCSXH”.
Trong khi đó, chương trình cho vay người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đã đạt được những hiệu quả tích cực. Đến hết tháng 2/2023, tổng dư nợ của chương trình này là 3,2 tỷ đồng với 47 khách hàng đang vay vốn. Nhiều hộ vay đã nhanh chóng trả nợ vay ngân hàng và có đời sống kinh tế gia đình khá giả hơn trước.
Đơn cử như chị Hà Thị Nhất Sang ở thôn Xuân Vinh, xã Hoài Mỹ đã vay 70 triệu đồng để trang trải chi phí đi làm việc theo hợp đồng tại Nhật Bản vào năm 2020. Với thu nhập khoảng 40 triệu đồng/tháng, chị Sang đã tiết kiệm, gửi về để trả nợ vay, hỗ trợ gia đình; hiện dư nợ còn 22 triệu đồng. Đặc biệt, gia đình chị Sang đã thoát khỏi diện nghèo.
Với các điều kiện ưu đãi về lãi suất, thời hạn vay, thủ tục vay đơn giản, mạng lưới rộng khắp đến tận thôn, xóm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vốn vay chính sách xã hội đã giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác ở thị xã Hoài Nhơn từng bước phát triển sản xuất, nâng cao điều kiện sống, trở thành một trong những chính sách quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.
Giám đốc NHCSXH TX Hoài Nhơn Đặng Thị Hương cho biết: Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu cho các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách; tăng cường bổ sung nguồn vốn địa phương để ủy thác qua NHCSXH để bổ sung cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội và chương trình mục tiêu giảm nghèo của tỉnh, của thị xã để thực hiện tăng trưởng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.

Nguyễn Muội

Các tin bài khác