Tín dụng chính sách ở xứ Quảng

23/01/2024
(VBSP News) Những năm qua, tín dụng chính sách xã hội đã trở thành một “chủ công” hỗ trợ nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Nam vươn lên trong cuộc sống. Tín dụng chính sách đang là lực đẩy giúp người dân xứ Quảng từng bước thoát nghèo bền vững...
quang1

Tín dụng chính sách đang là lực đẩy giúp người dân xứ Quảng từng bước thoát nghèo bền vững

Động lực thoát nghèo bền vững
Theo chân cán bộ chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam, chúng tôi về xã Tam Ngọc, TP Tam Kỳ. Với lợi thế đất đai vùng ven sông màu mỡ, nhiều người dân ở Tam Ngọc đã và đang cải tạo vườn tạp chuyển sang trồng cây ăn quả, phát triển kinh tế vườn gắn với du lịch sinh thái. Tại gia đình bà Đoàn Thị Hoa, một trong những hộ làm kinh tế giỏi ở địa phương, bà Hoa cho biết, hiện gia đình đang vay 50 triệu đồng từ NHCSXH theo chương trình giải quyết việc làm thông qua sự giới thiệu của Hội Nông dân xã. Từ nguồn vốn vay này, bà đã đầu tư mô hình trồng nấm và cải tạo vườn cây ăn quả…
Thời điểm trước đây, cuộc sống của gia đình bà còn nhiều khó khăn, song thời gian gần đây thu nhập từ trồng nấm và vườn cây ăn quả đã mang lại thu nhập ổn định với khoảng gần 10 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, bà Hoa còn giải quyết việc làm ổn định cho hai lao động ở địa phương. Kinh tế ổn định nên ba người con của gia đình cũng có điều kiện học hành…
Tương tự, gia đình ông Lương Quang Bình ở xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, từ vốn vay 50 triệu đồng của NHCSXH đã đầu tư chăn nuôi bò với đàn 10 con bò lai. Bên cạnh đó, gia đình còn đầu tư chăm sóc 2ha keo lá tràm… Nhờ chăm chỉ tìm tòi, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, đàn gia súc của ông phát triển tốt và cho thu nhập ổn định. Hiện nay, mô hình chăn nuôi, trồng rừng của ông Lương Quang Bình cho thu nhập 70 triệu đồng/năm.
Không chỉ riêng gia đình ông Lương Quang Bình hay bà Đoàn Thị Hoa mà nhiều hộ gia đình khác ở Quảng Nam đã và đang mạnh dạn vay vốn tín dụng chính sách, sử dụng hiệu quả để phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo… Theo báo cáo của chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam, tổng nguồn vốn đến 31/12/2023 đạt hơn 7.400 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 969 tỷ đồng (15%). Trong đó, tổng dư nợ 20 chương trình tín dụng chính sách đạt 7.400 tỷ đồng, tăng so với đầu năm là 963 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch giao năm 2023 với 141.868 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đạt 853 tỷ đồng.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 36 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác ở tỉnh Quảng Nam được vay vốn, trong đó có trên 3 nghìn lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn từ 6,63% cuối năm 2022 xuống còn 5,57% cuối năm 2023.
Vốn tín dụng chính sách cũng giúp thu hút và tạo việc làm cho trên 13 nghìn lao động, gần 200 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và 15 người vừa chấp hành xong án phạt tù có việc làm, trên 2,5 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, mua máy móc thiết bị học tập trực tuyến, không để HSSV nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính; xây dựng cải tạo trên 18 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ xây dựng 485 ngôi nhà ở xã hội trên địa bàn…
Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Lê Thị Kim Anh khẳng định: Nguồn vốn tín dụng chính sách được cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, vốn vay được sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả. Chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được củng cố và nâng cao…
Phát huy vai trò tổ chức nhận ủy thác

quang2

Công đoàn cơ sở NHCSXH tỉnh Quảng Nam thăm và tặng quà cho học sinh nghèo, mồ côi, khuyết tật tại huyện Đại Lộc

Có thể nói, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng Nông thôn mới, tập trung phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng ở Quảng Nam trong thời gian qua.
Công việc hỗ trợ người dân thoát nghèo của chi nhánh chỉ có thể được thực hiện hiệu quả nhờ phát huy tốt phương thức quản lý vốn riêng có, đặc biệt với sự vào cuộc hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội cùng các Tổ tiết kiệm và vay vốn và hệ thống Điểm giao dịch cấp xã.
Mới đây, tại TP Tam Kỳ, chi nhánh đã phối hợp với 4 tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác gồm: Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động ủy thác tín dụng chính sách xã hội năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 và ký kết giao ước thi đua năm 2024.
Đến ngày 31/12/2023, tổng dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đạt 7.379 tỷ đồng, chiếm 99,7% tổng dư nợ, tăng 954 tỷ đồng so với đầu năm (trong đó, 5 chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đạt 480 tỷ đồng), tăng trưởng 14,9% so với đầu năm; nợ quá hạn ủy thác chiếm tỷ lệ 0,05%/tổng dư nợ. Chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn cũng được nâng lên, có 98,7% tổ được xếp loại tốt, không có tổ xếp loại yếu.
Chi nhánh và 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã ký giao ước thi đua năm 2024 với các chỉ tiêu cụ thể: Tổng nguồn vốn và tổng dư nợ có mức tăng trưởng 8 -10% so với năm 2023; đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp; tỷ lệ nợ quá hạn thấp hơn hoặc bằng 0,05%/tổng dư nợ; tỷ lệ Tổ tiết kiệm vay vốn xếp loại tốt, khá chiếm trên 97% tổng số tổ trên địa bàn; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động tại các điểm giao dịch xã…
Trên thực tế, những năm gần đây, chi nhánh đã luôn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các ban, ngành, chính quyền các cấp tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng, đồng thời, thực hiện tốt công tác đôn đốc, thu hồi, xử lý nợ rủi ro.
Từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi cao đến vùng biển rộng ở Quảng Nam, người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã và đang được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách để không có ai bị bỏ lại phía sau… Để tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu trên, những người làm tín dụng chính sách ở Quảng Nam sẽ tiếp tục bám sát các chính sách, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, tập trung huy động thật nhiều nguồn lực, chuyển tải thật kịp thời đồng vốn về các vùng miền phục vụ đắc lực công cuộc giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội bền vững ở xứ Quảng.

Nghi Lộc

Các tin bài khác