“Điểm tựa” của người nghèo

31/01/2024
(VBSP News) Những năm qua, từ nguồn vốn của NHCSXH huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện đã được vay vốn phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập.
images774149_1__14_

Gia đình anh Cái Viết Thoản ở xã Tân Ninh đã phát triển mô hình nuôi cua, đem lại thu nhập ổn định

Nhờ sự cần cù, chịu thương chịu khó, dám nghĩ dám làm, anh Cái Viết Thoản ở thôn Hòa Bình, xã Tân Ninh (Quảng Ninh) đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi với thu nhập ổn định hơn 200 triệu đồng/năm. Anh Thoản chia sẻ, cũng như bao chàng trai nông thôn khác, anh đã từng làm rất nhiều nghề để kiếm sống nhưng kinh tế gia đình vẫn không dư giả. Anh luôn suy nghĩ, trăn trở phải trồng cây gì, nuôi con gì để có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Sau một thời gian tìm tòi, học hỏi anh quyết định “khởi nghiệp” bằng mô hình nuôi tôm. Để có thêm kiến thức, anh trực tiếp vào các tỉnh miền Nam, như: Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu… để học hỏi kinh nghiệm.
Sau khi “bỏ túi” cho mình vốn kiến thức kha khá, đầu năm 2021, anh bắt tay vào nuôi tôm thẻ chân trắng. Mỗi năm anh Thoản thả nuôi 300 nghìn tôm thẻ chân trắng, đem lại thu nhập ổn định hơn 150 triệu đồng. Sau khi mô hình chăn nuôi tôm dần ổn định, anh mạnh dạn vay thêm vốn từ NHCSXH huyện Quảng Ninh để mở rộng ao và nuôi thử nghiệm giống cua rào.
Với 50 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH, anh đầu tư mua cua giống về nuôi. Vụ đầu tiên anh bán được 500 con cua, thu lãi ròng vài chục triệu đồng. Thời điểm hiện tại, anh đang thả nuôi 6.000 con cua rào và 3.000 con cua Cà Mau. Số cua này sẽ được xuất bán trong dịp Tết Nguyên đán năm 2024, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình anh Thoản.
Phó Giám đốc NHCSXH huyện Quảng Ninh Nguyễn Xuân Hào cho biết: Cùng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, thời gian qua, NHCSXH huyện đã thực hiện nhiều giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Với ưu điểm là nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp, thời gian vay kéo dài nên đây là cơ hội giúp người nghèo tiếp cận với vốn vay nhanh chóng, thuận tiện để phát triển kinh tế gia đình.
Trong năm 2023, đơn vị đã triển khai nhiều chương trình vay vốn ưu đãi đến người dân, trong đó có nhiều chương trình có doanh số cho vay lớn, như: Cho vay hộ nghèo, vay nhà ở xã hội, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giải quyết việc làm… Đến hết tháng 12/2023, doanh số cho vay đạt trên 215 tỷ đồng, tăng trên 3,6 tỷ đồng so với năm trước, với 4.149 lượt hộ vay vốn.
Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các điểm giao dịch xã; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tuyên truyền sâu rộng đến người dân về nội dung và thủ tục vay vốn của các chương trình tín dụng đã triển khai; tăng cường công tác kiểm tra sử dụng vốn để bảo đảm vốn vay sử dụng đúng mục đích và hiệu quả… Hiện, tổng dư nợ của NHCSXH huyện ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt trên 549 tỷ đồng, tăng trên 107 tỷ đồng so với đầu năm.
Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Quảng Ninh Lê Ngọc Huân cho biết: Việc thực hiện tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua NHCSXH đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện; tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên cải thiện cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo. Nguồn vốn tín dụng chính sách được ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giáo dục-đào tạo, chú trọng đầu tư vốn vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, bảo đảm an toàn và trật tự xã hội tại địa phương.
Với mạng lưới rộng khắp và mang tính xã hội hóa cao, vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở tất cả các thôn, xóm của 15/15 xã, thị trấn trong toàn huyện, gắn bó và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đến 31/12/2023, bình quân 1 xã, thị trấn có dư nợ NHCSXH trên 36,7 tỷ đồng; bình quân mỗi tổ tiết kiệm-vay vốn có dư nợ trên 2,6 tỷ đồng; bình quân dư nợ gần 64 triệu đồng/hộ.
Tổng dư nợ tại PGD NHCSXH huyện đến hết tháng 12/2023 đạt trên 550 tỷ đồng, tăng so với đầu năm trên 107 tỷ đồng, với 8.612 hộ còn dư nợ, bình quân dư nợ 63,9 triệu đồng/hộ.
Trong năm 2023, đã có 8.485 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH huyện. Trong đó, đã giải quyết việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho gần 1.168 lao động; xây dựng được 1.697 công trình nước sạch, công trình vệ sinh; gần 700 hộ gia đình là hộ nghèo, cận nghèo được kịp thời vay vốn đầu tư sản xuất vươn lên thoát nghèo bền vững; giúp 307 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; 102 hộ gia đình được vay vốn nhà ở xã hội để xây dựng nhà để ở; 4 trường hợp người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn tạo kế sinh nhai… góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo, an sinh xã hội của địa phương.

Lan Chi

Các tin bài khác