Mang mùa Xuân đến hộ nghèo và đối tượng chính sách

13/02/2024
(VBSP News) Hòa cùng không khí vui tươi, ấm áp của những ngày Tết đến Xuân về là niềm vui của những hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ sản xuất kinh doanh “ăn nên làm ra” nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH. Sau một năm tập trung phát triển kinh tế gia đình, mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo đón một cái Tết ấm no, trọn vẹn.
3a

NHCSXH huyện Trùng Khánh giải ngân vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo tại xã Đoài Dương

Tết năm nay được xem là cái Tết sung túc nhất đối với gia đình chị Tô Thị Phượng ở xóm Nà Ngài, xã Lê Lai, huyện Thạch An. Niềm vui của chị không chỉ là nuôi dê thịt hiệu quả mà dê thịt của gia đình chị được nhiều biết đến tìm mua. Kể với chúng tôi về cơ duyên đến với nghề nuôi dê, chị Phượng trải lòng: Nhận thấy nuôi dê thịt bán ra thị trường là phù hợp nhất, chuồng nuôi không đòi hỏi diện tích lớn nên cũng không tốn kém nên năm 2022, vợ chồng chị vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện đầu tư làm chuồng trại và mua 10 con dê về nuôi thả vào vườn đồi của gia đình.

Hiện gia đình chị có 50 con dê, con nào cũng mập mạp, ăn khỏe. Khu vực chuồng nuôi dê được vợ chồng chị cơi nới mở rộng thêm có thể nuôi từ 50 - 70 con dê. Mỗi năm gia đình chị bán 2 lứa dê, mỗi lứa từ 5 - 7 con, với giá trung bình từ 2 - 2,6 triệu đồng/con. Riêng năm 2023, gia đình xuất chuồng bán được 14 con cho thu nhập trên 30 triệu đồng. Chị Phượng phấn khởi cho biết: Nhờ vay vốn chính sách hỗ trợ kịp thời để gia đình tôi mở rộng và phát triển nuôi dê thịt. Tết này “niềm vui nhân đôi”, gia đình tôi có cái tết đủ đầy đủ, đầm ấm hơn.

Đến thăm gia đình anh Hoàng Văn Điền ở xóm Bản Niếng, xã Quang Hán, huyện Trùng Khánh vào những ngày này, tay cầm kìm đang thoăn thoắt cắt tỉa cây, chăm sóc vườn cam, quýt, anh Điền chia sẻ: Những năm trước, gia đình tôi là hộ còn nhiều khó khăn. Năm 2020, anh vay 100 triệu đồng từ NHCSXH huyện đầu tư nuôi trâu, bò và trồng cam, quýt. Đến nay, gia đình có 3 con trâu, 100 cây cam, quýt cho thu hoạch; ngoài ra nuôi thêm lợn nái, lợn thịt. Năm nay, nguồn thu từ bán quả và chăn nuôi cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Không những trả hết vốn vay, tết năm nay tôi có điều kiện sửa chữa nhà ở khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi phục vụ sinh hoạt của gia đình.

4a

Mô hình chăn nuôi dê của gia đình chị Tô Thị Phượng ở xóm Nà Ngài, xã Lê Lai, huyện Thạch An

Thực hiện các chương trình tín dụng, năm 2023, chi nhánh NHCSXH tỉnh Cao Bằng tích cực triển khai 19 chương trình tín dụng chính sách, cho 22.375 lượt khách hàng vay 1.392,2 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay 19 chương trình tín dụng chính sách đạt 4.132 tỷ đồng; bao gồm 527 tỷ đồng dư nợ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, 67 tỷ đồng dư nợ cho vay hộ nghèo, hơn 55,3 tỷ đồng dư nợ cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, 26 tỷ đồng dư nợ cho vay nhà ở xã hội, 18,2 tỷ đồng dư nợ cho vay hộ cận nghèo, 10,3 tỷ đồng dư nợ cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 161 Điểm giao dịch ở các xã, phường, thị trấn. Nguồn vốn vay ưu đãi được thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn toàn tỉnh.

Hành trình “mang Xuân đến với người nghèo” tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Cao Bằng khẳng định sự phù hợp, kịp thời trong việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách, gia tăng hiệu quả nguồn vốn. Trách nhiệm, quyết tâm của những người tham gia trong “dòng chảy” tín dụng chính sách đã biến đồng vốn thành động lực cho người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên trong cuộc sống. Tín dụng chính sách góp phần quan trọng vào thành quả phát triển kinh tế, mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh Tiến Mạnh

Các tin bài khác