Sức sống mới trên miền trung du Phú Thọ
Hơn 21 năm qua, ngay từ khi thành lập, chi nhánh NHCSXH tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực, vươn lên trên mọi khó khăn, thử thách, tích cực, chủ động huy động được nguồn lực lớn và tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước. Đến nay, chi nhánh đang thực hiện 20 chương trình tín dụng chính sách để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Từ chương trình có quy mô nhỏ nhưng giàu chất nhân văn như: cho vay người tàn tật, người chấp hành xong án phạt tù, xóa nhà ở tạm bợ, dựng nhà ở kiên cố… đến những chương trình cho vay có quy mô lớn, tầm ảnh hưởng rộng như: cho vay hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS hoàn cảnh khó khăn phát triển sản xuất kinh doanh, cho vay HSSV, và các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội. Từ sự chỉ đạo, quan tâm của lãnh đạo các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước được quy về một đầu mối quản lý là NHCSXH. Trong hơn 10 năm qua, nguồn ngân sách địa phương đã ủy thác sang NHCSXH đạt gần 112 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của chi nhánh đạt 6.025 tỷ đồng, tăng trưởng 12,7% so với cuối năm 2022.
Nhờ có nguồn vốn lớn, cùng mô hình tổ chức quản lý phù hợp, hệ thống Điểm giao dịch của NHCSXH trải khắp trên toàn địa bàn xuống tận các xã, mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác nên những cán bộ tín dụng chính sách Phú Thọ như được tiếp thêm nội lực, thực hiện phương thức cấp tín dụng trực tiếp, kịp thời về tận các vùng sâu, vùng khó khăn, đến từng đối tượng thụ hưởng.
Nguồn vốn chính sách đã giúp đỡ hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh có điều kiện chủ động đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong năm 2023, toàn tỉnh có 33.000 lượt hộ được vay vốn tín dụng chính sách với tổng số tiền đạt gần 1.600 tỷ đồng, bình quân doanh số cho vay một huyện đạt 123 tỷ đồng; bình quân dư nợ tín dụng chính sách một xã là 26,7 tỷ đồng và một khách hàng đến gần 53 triệu đồng.
Huyện miền núi Tân Sơn, thông qua các nguồn lực, trong đó có 626 tỷ đồng vốn chính sách đã thoát khỏi danh sách huyện nghèo 30a, về đích trước 2 năm. Gia đình ông Hà Văn Nhất, ở thôn Chiềng 2, xã Kim Phượng đã tận dụng hiệu quả nguồn vốn của 2 chương trình cho vay hộ nghèo và cho vay hộ đồng bào DTTS vùng khó khăn, gây dựng hẳn một cơ ngơi bao gồm đàn trâu 8 con, rừng keo 6ha, vườn hồng 200 cây sai trĩu quả. Đời sống của gia đình ông ổn định hơn trước, thu nhập đạt gần 200 triệu đồng/năm.
Bước sang xuân mới 2024, chi nhánh NHCSXH tỉnh Phú Thọ xác định nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường bám sát sự chỉ đạo của ngành và địa phương, tập trung huy động các nguồn lực, chuyển tải kịp thời an toàn mọi nguồn vốn về đúng đối tượng thụ hưởng, giữ vững và phát huy là trụ cột trong công cuộc giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Đông Dư
Các tin bài khác
- » Không để ai bị bỏ lại phía sau vì thiếu vốn
- » Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành 3 Nghị quyết của Quốc hội Ủy ban Thường vụ Quốc hội
- » Sưởi ấm lòng bệnh nhi những ngày Tết Nguyên đán
- » Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thăm, tặng quà Tết tại An Giang
- » Người Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông với quyết tâm làm giàu từ trồng cây dược liệu
- » Lai Châu đưa nguồn vốn chính sách đến với hộ nghèo
- » Nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH đã vượt kế hoạch cả năm
- » Khi mỗi đảng viên là một trợ công giảm nghèo
- » Hoạt động tín dụng chính sách tại A Lưới, Thừa Thiên - Huế (Bài cuối: A Lưới về đích đúng hẹn)
- » Hoạt động tín dụng chính sách tại A Lưới, Thừa Thiên - Huế (Bài 1: Trao sinh kế bền vững)