Đồng bào A Lưới dệt ấm no, hạnh phúc
Trong khát khao đổi mới…
Gặp những cô gái Tà Ôi, Pa Cô, Cờ Tu xinh đẹp, rạng ngời trong trang phục truyền thống đang thoăn thoắt luồn chỉ, dệt nên những tấm thổ cẩm (hay còn gọi là dệt Zèng) đầy tinh xảo, ma mị và quyến rũ; chúng tôi thêm hiểu lý do vì sao Huế không chỉ là cố đô di sản trong lòng người Việt mà còn là một nền văn hóa độc đáo trong lòng bạn bè quốc tế.
Với một huyện miền núi nhỏ bé và còn rất khó khăn nhưng ý thức bảo tồn, phát triển và niềm tự hào về văn hóa, về nghề truyền thống đã, đang được người phụ nữ Tà Ôi tiếp lửa và lan tỏa đến những cô gái Pa Cô, Cờ Tu trên địa bàn. Trước đây, vải thổ cẩm của người Tà Ôi chỉ có 2 màu sắc đen và đỏ, trong đó, đen tượng trưng cho nước, đỏ tượng trưng cho lửa. Sau này, người dân sáng tạo, pha chế ra nhiều màu sắc như trắng, vàng, hồng, xanh lá để tạo nên những tấm vải đa dạng màu sắc.
Với bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của chị em, nhiều mẫu mã sản phẩm Zèng độc đáo như túi xách, va li, túi du lịch, ví, khăn trải bàn, khăn trải giường, khăn phủ gối, rèm, áo chăn, áo gối, áo nệm, quần áo, cà vạt, khố, thắt lưng, khăn các loại, cà vạt, áo dài thổ cẩm, áo dài cách tân, mũ, giày dép… được giới thiệu ra thị trường, rất được du khách nước ngoài yêu chuộng.
Trò chuyện với chàng trai Pa Cô Nguyễn Hải Teo - một trong những nông dân làm kinh tế giỏi của A Lưới năm 2023, chúng tôi cũng như bị đốt cháy với sự đam mê đầy máu lửa của anh trong chăn nuôi và làm kinh tế hộ. Anh kể, “Khi bắt đầu tham gia chăn nuôi theo công nghệ của Tập đoàn Quế Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh đã hỏi: Teo có tự tin làm không? Có dám liên kết với Quế Lâm không? Và tất nhiên, tôi không do dự nói: tại sao lại không dám! Teo có sức khỏe, Teo khao khát thoát nghèo từ lâu rồi. Nay, được NHCSXH cho vay vốn, còn giống, thức ăn, công nghệ nuôi thì có Quế Lâm cung cấp, Teo bỏ qua thì chắc sẽ không có cơ hội nào tốt hơn!”…
Nhìn khuôn mặt tràn đầy tự tin, khí thế của Teo, khiến chúng tôi liên tưởng: thời điểm A Lưới ra khỏi danh sách huyện nghèo Quốc gia đã đến rồi! Quả thật, kết thúc năm 2023, A Lưới không chỉ ra khỏi danh sách huyện nghèo của quốc gia mà còn về đích giảm nghèo ở mức 24,40%; vượt kế hoạch mà Nghị quyết 11-NQ/TU của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã đặt ra gần 2%.
Luôn có tín dụng chính sách đồng hành
Theo Nghị quyết 11-NQ/TU của Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh giảm còn 2,0 - 2,2%; riêng huyện A Lưới, đây là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất với 5.399 hộ nghèo, chiếm 38,2%; 2.078 hộ cận nghèo, chiếm 14,70%. Theo kế hoạch, A Lưới phấn đấu đến cuối năm 2023 giảm tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 26%, thoát khỏi huyện nghèo quốc gia; đến 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn khoảng 12%.
Giám đốc NHCSXH huyện A Lưới Lê Quang Thắng chia sẻ, để giúp A Lưới thoát nghèo, bên cạnh sự tập trung đầu tư của tỉnh, của huyện, NHCSXH huyện A Lưới cũng dồn toàn lực cho công cuộc giảm nghèo, giải quyết việc làm, xóa nhà tạm; không để các đối tượng chính sách thiếu vốn khi có nhu cầu…
Tính riêng ngân sách huyện chuyển sang NHCSXH cho vay trong năm 2023 là 1 tỷ đồng, đạt 142,9% kế hoạch tỉnh giao, nâng tổng số nguồn vốn ngân sách huyện chuyển sang cho NHCSXH cho vay là 3,9 tỷ đồng. Đến hết năm 2023 tổng dư nợ đạt 525 tỷ đồng với 16 chương trình tín dụng; tăng 85.091 triệu đồng so cuối năm 2022, tỷ lệ tăng trưởng 19,37%. Đặc biệt, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,041% thấp hơn so với bình quân chung toàn tỉnh.
Đến nay, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp, Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững từ cấp tỉnh đến cơ sở, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là sự tận tâm của những cán bộ tín dụng chính sách trên địa bàn, công tác giảm nghèo bền vững tại huyện A Lưới đã về đích vượt kế hoạch gần 2%. Mặt khác, thông qua việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn, người dân A Lưới ngày càng có ý thức tự giác vươn lên, qua đó, cải thiện các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, từng bước thoát nghèo bền vững.
Có thể thấy, khát vọng vươn lên của đồng bào cùng sự trợ lực của cả hệ thống chính trị; trong đó có công sức lớn lao của những người làm tín dụng chính sách với những chương trình vay phù hợp đã làm nên kỳ tích cho A Lưới. A Lưới hôm nay đã khác xưa. Một màu xanh bát ngát của rừng keo lai ôm lấy con đường bê tông thay cho “sơn đạo” trước đây “nắng bụi mưa bùn”. Những căn nhà lụp xụp ngày nào được thay bằng những ngôi nhà xinh đẹp, khang trang ẩn hiện trong các vườn cây ăn quả; đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây ngày càng sung túc…
Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho A Lưới và cho cả Thừa Thiên Huế trên chặng đường thực hiện Nghị quyết 54/NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 38/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bình Nhi
Các tin bài khác
- » Mang mùa Xuân đến hộ nghèo và đối tượng chính sách
- » Nhân lên niềm vui
- » Không để ai bị bỏ lại phía sau vì thiếu vốn
- » Tín dụng chính sách thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn Hưng Yên khởi sắc
- » Sức sống mới trên miền trung du Phú Thọ
- » Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành 3 Nghị quyết của Quốc hội Ủy ban Thường vụ Quốc hội
- » Sưởi ấm lòng bệnh nhi những ngày Tết Nguyên đán
- » Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thăm, tặng quà Tết tại An Giang
- » Người Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông với quyết tâm làm giàu từ trồng cây dược liệu
- » Lai Châu đưa nguồn vốn chính sách đến với hộ nghèo