Bình Định cho vay hiệu quả chương trình tín dụng chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Gia đình anh Lê Văn Đực ở khu phố Hiệp Hà, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh thuộc diện hộ DTTS đặc biệt khó khăn; tài sản lớn nhất của họ sau kết hôn vào năm 2008 chỉ là căn nhà sàn đơn sơ. Năm 2015, được Đoàn Thanh niên thị trấn Vân Canh tư vấn, hướng dẫn, anh Đực vay vốn NHCSXH huyện Vân Canh 8 triệu đồng để trồng 0,5ha keo. Năm sau, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, anh vay thêm 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo, tiếp tục trồng thêm 1,5ha keo. Vợ chồng anh còn khai hoang, cải tạo đất đồi trồng thêm chuối và các loại cây trồng cạn nhằm lấy ngắn nuôi dài và tăng thêm thu nhập. Cần cù, chịu khó làm ăn và tiết kiệm, vợ chồng anh Đực không những trả hết nợ ngân hàng mà còn tích lũy được vốn.
Quyết tâm vươn lên, anh tiếp tục vay 100 triệu đồng từ NHCSXH cộng với số tiền tích góp được để đầu tư mở rộng diện tích trồng keo, nuôi thêm bò. Hiện, gia đình anh Đực sở hữu 5ha rừng trồng, đàn bò 12 con, kinh tế gia đình khá hơn trước rất nhiều, vợ chồng anh đã xây dựng được nhà ngói khang trang, chăm lo cho con ăn học chu đáo. “Có được kết quả hôm nay là nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách và sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền và các hội, đoàn thể tại địa phương”, anh Đực khẳng định.
Cách đây hơn 5 năm, gia đình bà Kiều Thị Vy ở khu phố Nhuận An, phường Hoài Hương, TX Hoài Nhơn thuộc diện hộ nghèo. Một mình bà tần tảo chăm lo cho chồng bị bệnh nan y và mẹ già. Nhờ Hội LHPN phường tư vấn, hướng dẫn bà Vy vay 100 triệu đồng từ NHCSXH TX Hoài Nhơn, làm thủ tục đưa con trai đầu đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Bà Vy cho biết, công việc của cháu ổn định, thu nhập khá, tháng nào cũng gửi tiền về. Nhờ đó, bà có điều kiện chăm lo chữa trị cho chồng tốt hơn, sửa sang lại nhà cửa và gầy dựng được một gian hàng buôn bán tại chợ; năm 2021 gia đình đã thoát nghèo, kinh tế khấm khá dần.
Hoạt động tín dụng chính sách mang lại hiệu quả cụ thể và ngày càng lan tỏa, tạo hiệu ứng tích cực, được chính quyền các địa phương đánh giá cao. Vì thế, cùng với việc trích ngân sách ủy thác qua ngân hàng cho người dân vay vốn với lãi suất ưu đãi, nhiều địa phương đã bố trí vốn cho các hội, đoàn thể xây dựng nhiều mô hình đầu tư phát triển kinh tế; tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giúp bà con phát huy vốn vay. Nhờ vậy, hàng nghìn hộ dân khác được hưởng lợi từ chính sách tín dụng chính sách xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP có điều kiện vươn lên.
Năm 2023, chi nhánh đã giải ngân 969 tỷ đồng cho hộ cận nghèo, hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay với lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế. Nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng được thụ hưởng, đảm bảo mục đích, yêu cầu của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Hầu hết các hộ vay vốn đều phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, trả nợ đúng hạn.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Định Đoàn Trung Thành cho biết. “Năm 2024, chi nhánh tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, tích cực tư vấn, hướng dẫn, đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách đến nhanh với các đối tượng được thụ hưởng. Chi nhánh cũng sẽ chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương, hội, đoàn thể hỗ trợ, giúp bà con phát huy nguồn vốn vay, tạo sinh kế, phát triển kinh tế.”
Bài và ảnh Phạm Tiến Sỹ
Các tin bài khác
- » Nguồn vốn chính sách góp phần giảm nghèo ở Bạch Thông
- » Hoạt động tín dụng chính sách luôn hướng về người nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội
- » Giúp nông dân Quảng Bình giảm nghèo bền vững
- » Quận Nam Từ Liêm uỷ thác 100 tỷ đồng hỗ trợ người dân vay vốn sản xuất kinh doanh
- » Xuân vui từ tín dụng chính sách trên quê hương Nam Định
- » Xuân ấm áp trong những “Ngôi nhà 28”
- » Vốn vay chính sách giúp nông dân Nghệ An làm nên bản du lịch
- » Tín dụng chính sách và chương trình “5 không”, “3 có” và “4 an” của Đà Nẵng
- » Tín dụng chính sách nơi “đầu sóng, ngọn gió”
- » Tết vui hơn dưới những mái gia đình