Phát huy hiệu quả vốn vay chương trình NS&VSMTNT
“Bà đỡ” giúp người dân giải bài toán khó về “khát nước sạch”
Vào năm 2019, sau khi được NHCSXH huyện Tương Dương (Nghệ An) giải ngân 20 triệu đồng nguồn vốn từ chương trình NS&VSMTNT, hộ gia đình anh Vi Công Lý ở bản Pủng, xã Lưu Kiền đã đầu tư 10 cuộn ống để dẫn nước từ đầu nguồn con suối cách bản hơn 3km về đến nhà.
Mặc dù 4 năm đã trôi qua, thế nhưng đến nay, hệ thống nước vẫn phát huy hiệu quả ngay cả vào những thời điểm nắng nóng kéo dài. Anh Vi Công Lý cho hay, nếu như không đầu tư theo cách này thì hàng năm đến mùa khô hạn gia đình anh lại thiếu nước trầm trọng, thậm chí là phải đi xin nước ở bản khác về để sinh hoạt. “Có tiền giải ngân về là tôi bắt tay ngay vào làm hệ thống nước tự chảy này, giờ nước mạnh lắm, lại hợp vệ sinh nữa. Hiện nay, cho dù nắng nóng khô hạn kéo dài gia đình tôi cũng không phải lo thiếu nước như trước đây nữa”, anh Lý cho biết thêm.
Cũng giống như gia đình anh Vi Công Lý, gia đình chị Lữ Thị Lưu ở bản Khe Kiền, xã Lưu Kiền, trước đây, mọi sinh hoạt đều dùng nước trực tiếp từ khe suối, chưa qua lắng lọc. Nguồn nước không bảo đảm vệ sinh nên mọi người rất hay bị bệnh đường ruột, da liễu.
Năm 2022, gia đình chị được vay vốn NHCSXH từ nguồn vốn chương trình NS&VSMTNT để xây nhà vệ sinh và công trình cung cấp nước sạch. Cùng với tiền đối ứng 20 triệu đồng của gia đình, chị đã xây công trình khép kín nhà tắm, nhà vệ sinh và công trình nước sinh hoạt đảm bảo trữ nước ổn định.
Chị Lữ Thị Lưu chia sẻ: “Nhà tôi vay vốn NHCSXH để xây dựng công trình bể nước và mua thêm tẹc nước để trữ nước phòng khi nắng nóng mất nước. Làm được như thế này thì tiện lợi hơn rất nhiều so với khi sử dụng nước trực tiếp, vì có cái dự trữ nước ổn định, nếu không thì mùa nắng hạn này không có nước để dùng”.
Không chỉ ở xã Lưu Kiền, xã Tam Thái cũng là một trong những địa phương thực hiện có hiệu quả vốn vay từ chương trình NS&VSMTNT. Theo Nghị quyết của Đảng bộ xã Tam Thái đề ra, đến năm 2025, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó 93% được sử dụng nước sạch. Đến nay, trên địa bàn xã tỷ lệ người dân được dùng nước hợp vệ sinh đã đạt trên 95%, góp phần giữ vững xã Tam Thái đạt chuẩn nông thôn mới.
Kiến nghị mở rộng đối tượng và tăng nguồn vốn cho vay
Đánh giá về hiệu quả từ chương trình nguồn vốn này mang lại cho nhân dân trên địa bàn, Chủ tịch UBND xã Tam Thái Lô Thanh Tuân cho biết: Các hộ gia đình khi sử dụng nguồn vốn này đã có cách làm khác nhau, một số hộ thì mua máy bơm để bơm nước từ điểm thấp lên điểm cao, còn vài hộ thì mua bồn chứa nước để trữ nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày.
Trong thời gian qua, trên địa bàn huyện miền núi Tương Dương đã có trên 7.560 lượt hộ được thụ hưởng từ nguồn vốn của NHCSXH, nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch, vệ sinh môi trường. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách và các nguồn vốn khác đã góp phần đưa tỷ lệ hộ gia đình nông thôn ở huyện miền núi Tương Dương sử dụng nước hợp vệ sinh đến nay đạt 95%. Trong đó, số hộ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia là 89%; góp phần đưa 4 xã, 5 bản về đích trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là giải quyết vấn đề về thiếu nước sinh hoạt trong mùa nắng nóng khô hạn cho nhân dân.
Phó Giám đốc NHCSXH huyện Tương Dương Hoàng Văn Thắng chia sẻ: Từ nguồn vốn được vay, các hộ đân đã đầu tư, xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, đảm bảo hợp vệ sinh, đạt quy chuẩn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Qua đó, giúp các hộ cải thiện cuộc sống, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Thời gian tới, chúng tôi sẽ chú trọng và ưu tiên giải quyết nguồn vốn này để người dân có cơ hội được đầu tư, xây dựng các công trình nước sạch, công trình vệ sinh, phục vụ nhu cầu cấp thiết trong sinh hoạt của nhân dân.
Đánh giá về những hiệu quả mà chương trình vốn vay này mang lại cho nhân dân trên địa bàn, cũng như có như mong muốn trong thời gian tới, Chính phủ có những chính sách ưu đãi hơn nữa đối với nguồn vốn vay này, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Lô Thanh Nhất cho biết: Huyện Tương Dương xác định đến năm 2025, có đến 99% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh. Do đó, từ chương trình nguồn vốn này đã tạo điều kiện cho nhân dân ở các làng bản có điều kiện để đầu tư xây dựng nguồn nước, công trình vệ sinh để phục vụ sinh hoạt hàng ngày.
Tuy nhiên, vướng mắc ở chỗ là số lượng người vay vẫn đang còn khống chế, nguồn vốn cho vay lại chỉ được 20 triệu đồng nên có những khó khăn nhất định trong tổ chức thực hiện. Do đó, Huyện ủy đề nghị đến các cấp có thẩm quyền tiếp tục thực hiện chương trình này và mở rộng đối tượng, đồng thời tăng nguồn vốn cho vay của chương trình này.
Nước là nhu cầu cấp thiết đối với cuộc sống của con người, tuy nhiên thời tiết ngày càng khắc nghiệt, nước ngày càng khan hiếm, nên cần phải có giải pháp để người dân có nước sinh hoạt trong mùa khô hạn như hiện nay. Do đó, thời gian tới, cần phải có giải pháp phù hợp để người dân miền núi như Tương Dương được tiếp cận hơn nữa những ưu đãi từ nguồn vốn vay nước sạch và vệ sinh môi trường.
Gia Ân - Đình Tỷ
Các tin bài khác
- » Hành trình gieo ấm no nơi cực Tây Tổ quốc
- » Nguồn vốn tín dụng chính sách: “Điểm tựa” phát triển sinh kế
- » Vốn chính sách tạo động lực cho Cựu chiến binh thoát nghèo
- » Đổi thay nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Tín dụng chính sách xã hội tạo “điểm tựa” cho người dân nghèo vùng biên viễn
- » Vốn tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững ở Yên Lương
- » Bắc Ninh đưa dòng vốn tín dụng đến với người nghèo
- » Thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách
- » Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững
- » Đắk Nông đáp ứng nhu cầu vốn vay ưu đãi cho người dân