Đắk Nông đáp ứng nhu cầu vốn vay ưu đãi cho người dân
Hỗ trợ vốn vay kịp thời
Đầu năm 2024, gia đình chị Lê Thị Minh ở thôn 11, xã Nam Dong được vay vốn NHCSXH 50 triệu đồng chương trình hộ mới thoát nghèo. Có vốn, gia đình chị đầu tư mua 50 con dê giống về chăn nuôi. Hiện nay, quá trình chăn nuôi đang diễn ra khá thuận lợi.
Theo tính toán của chị Minh, nếu thuận lợi, đến cuối năm 2024, gia đình chị sẽ xuất bán từ 1 - 2 lứa dê. Nguồn lợi nhuận từ nuôi dê, gia đình chị sẽ tái đầu tư vào chăm sóc vườn rẫy, cây ngắn ngày và nuôi thêm heo thịt. “Nguồn vốn hỗ trợ kịp thời nên gia đình khá thuận lợi trong quá trình đầu tư chăn nuôi. Điều này góp phần rất lớn để gia đình hạn chế tình trạng phải đi vay ngoài đầu tư vào sản xuất như những năm trước”, chị Minh chia sẻ.
Ở huyện Đắk Song, đầu năm 2024, nhiều gia đình vay được vốn ưu đãi từ NHCSXH. Hộ gia đình anh Nguyễn Văn Hoàng ở thị trấn Đức An đã được vay vốn ưu đãi để chăn nuôi heo thịt và bước đầu mang lại hiệu quả cao. Anh Thiên chia sẻ: “Đời sống người dân hiện nay chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi. Hiện nay, giá nông sản cao, người dân phấn khởi. Đặc biệt, có nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH nên chúng tôi mạnh dạn đầu tư thêm chăn nuôi”.
Theo anh Thiên, nguồn vốn vay từ NHCSXH vừa ưu đãi lãi suất, thời gian vay dài nên nông dân đỡ gánh nặng trả gốc, lãi. Hồ sơ vay vốn đơn giản, thuận tiện nên hỗ trợ rất lớn cho bà con nông dân nghèo. Chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm 2024, doanh số cho vay tại chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông thực hiện đạt trên 372 tỷ đồng.
Toàn tỉnh đã có 7.545 lượt hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách được tiếp cận. Nhiều chương trình có doanh số cho vay cao như: cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn; cho vay hộ nghèo; cho vay hộ cận nghèo; cho vay NS&VSMTNT…
Đẩy mạnh rà soát nhu cầu vốn vay
Theo báo cáo của chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông, đầu năm là thời điểm người dân rất cần vốn tái đầu tư cây trồng. Với phương châm không để người dân lỡ thời điểm đầu tư, đơn vị tham mưu cho ban đại diện, chính quyền các địa phương đẩy mạnh rà soát nhu cầu vay vốn tại cơ sở. Trong đó, chi nhánh sẽ ưu tiên các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ gặp khó khăn tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Chi nhánh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra sau cho vay. Qua đó, vừa hạn chế rủi ro sau khi vay vốn, vừa hướng dẫn, hỗ trợ hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, giúp người dân phát huy hiệu quả nguồn vốn cao nhất. Cùng với rà soát, giải ngân vốn vay kịp thời, nhiều biện pháp như: gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ… được ngân hàng thực hiện cụ thể. Thông qua các giải pháp này, các hộ vay vốn một phần giảm bớt gánh nặng, yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Nguyễn Tiến Hà cho biết: Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, chi nhánh đã đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra sau cho vay. Phấn đấu làm sao vừa hạn chế rủi ro sau khi vay vốn, vừa hướng dẫn, hỗ trợ hộ vay sử dụng đúng mục đích, giúp bà con phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ở mức cao nhất. Đến hết tháng 3/2024, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trên 4.413 tỷ đồng, tăng 133 tỷ đồng so với cuối năm 2023, với gần 72.400 hộ gia đình còn dư nợ.
Bài và ảnh Nguyễn Lương
Các tin bài khác
- » Vùng trung du Hiệp Hòa đổi thay từ vốn tín dụng chính sách
- » Giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tỉnh Hậu Giang
- » Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách ở Nam Định
- » Hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình
- » Cánh cửa mở tương lai cho những người lầm lỡ
- » Nữ Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn nhiệt huyết với tín dụng chính sách xã hội
- » Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi từ nguồn vốn vay chính sách
- » Vốn tín dụng chính sách giúp nông dân Đà Nẵng thoát nghèo bền vững
- » Huy động tiền gửi tạo nguồn lực cho tín dụng chính sách
- » Phối hợp thực hiện tốt chính sách tín dụng cho người chấp hành xong án phạt tù