Vốn chính sách tạo động lực cho Cựu chiến binh thoát nghèo
Nguồn vốn hữu ích
Đưa chúng tôi đi thăm trang trại rộng 6ha trồng sầu riêng, mắc ca, sắn và chanh dây, ông Chu Bá Kỳ ở thôn Tân An không giấu vẻ tự hào. Sau gần 30 năm lập nghiệp ở vùng đất mà ông xem là quê hương thứ hai này, giờ đây ông mới tạm yên tâm về kinh tế gia đình. Quê ở tỉnh Bắc Giang, sau khi rời quân ngũ, năm 1995, ông Chu Bá Kỳ cùng gia đình vào Sông Hinh sinh sống. Thời điểm đó, khu vực xã Ea Bar chưa có đường nhựa, việc đi lại, vận chuyển nông sản gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, người CCB này luôn nung nấu quyết tâm và quyết chí vươn lên. Những đồng vốn vay ưu đãi ban đầu của NHCSXH đã trở thành bệ đỡ giúp ông phát triển kinh tế gia đình.
Ông Kỳ cho biết: “Ban đầu, tôi được vay 10 triệu đồng, rồi 20 triệu đồng để nuôi heo, nuôi bò, trồng cao su. Vay vốn làm ăn hiệu quả, rồi trả nợ đúng hạn nên tôi được ngân hàng tin tưởng, tạo điều kiện cho vay khi có nhu cầu”. Theo ông Kỳ, năm 2017, vườn cao su của gia đình bị ảnh hưởng bão, ngã đổ hàng loạt. Mất đi sinh kế nhưng ông không nản lòng mà tự vực dậy, tìm hiểu các mô hình sản xuất khác. Sau một thời gian, ông Kỳ quy hoạch lại đất vườn, chia ra 1,5ha trồng chanh dây, 1ha trồng sắn, 1,5ha trồng mắc ca và 2ha trồng sầu riêng.
“Vì chi phí hạn chế nên tôi trồng đa dạng các loại cây, trong đó sầu riêng và mắc ca là chủ lực, còn chanh dây và sắn để lấy ngắn nuôi dài. Lúc này, chúng tôi tiếp tục được NHCSXH huyện Sông Hinh giải ngân 50 triệu đồng để trả tiền nhân công, chi phí điện, dầu bơm nước nên có thêm động lực tập trung phát triển kinh tế”, ông Kỳ chia sẻ.
Cũng được vay vốn tín dụng chính sách từ những ngày còn gian khó, đến nay, ông Trần Công Cung ở thôn Ea Mkeng vẫn gắn bó với NHCSXH huyện Sông Hinh. Ông Cung cho biết: Gia đình ông bắt đầu vay vốn tín dụng chính sách từ năm 2007 với mức vay 20 triệu đồng vốn chương trình hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Sau khi trả hết nợ, gia đình tiếp tục được ngân hàng tạo điều kiện cho vay lại, rồi vay mới chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, học sinh, sinh viên, giải quyết việc làm.
“Nguồn vốn của NHCSXH không chỉ giúp chúng tôi mạnh dạn phát triển sản xuất với mô hình kinh tế tổng hợp trồng cây ăn trái, trồng lúa, nuôi cá trên tổng diện tích 5ha, mà còn hỗ trợ gia đình xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh, cho con đi học. Có thể nói, nhờ sự góp sức của ngân hàng, kinh tế gia đình tôi mới có được như hôm nay”, CCB quê ở tỉnh Nghệ An này chia sẻ.
Mong muốn nâng mức cho vay
Theo Chủ tịch Hội CCB xã Ea Bar Kpá Y Toàn, để nguồn vốn tín dụng chính sách phát huy được hiệu quả, những năm qua, hội luôn bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên, đồng thời phối hợp chặt chẽ với NHCSXH huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên thực hiện tốt công tác quản lý vốn ủy thác. Hội yêu cầu các Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện nghiêm túc, minh bạch công tác bình xét cho vay, đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng, các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích. Hội đặc biệt quan tâm giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn kịp thời.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT, hướng dẫn cách làm ăn hiệu quả… để hội viên học tập, ứng dụng vào phát triển kinh tế gia đình.
Đến nay, dư nợ nguồn vốn tín dụng chính sách do Hội CCB xã Ea Bar quản lý đạt 8,5 tỷ đồng với 130 hộ còn dư nợ, tăng 473 triệu đồng so với đầu năm; nợ quá hạn chỉ 5 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn của NHCSXH, nhiều hộ hội viên CCB đã mạnh dạn hơn trong cách nghĩ, cách làm, từng bước phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt ở thôn Ea Mkeng có 35 hộ CCB đều đã thoát nghèo, cận nghèo.
Với những hiệu quả mà nguồn vốn tín dụng chính sách mang lại, các CCB ở xã Ea Bar bày tỏ mong muốn thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục nâng mức cho vay và duy trì lãi suất ưu đãi để bà con có thêm động lực phát triển kinh tế gia đình.
Theo Phó Giám đốc NHCSXH huyện Sông Hinh Trần Văn Thanh Minh, đơn vị luôn tạo mọi điều kiện để phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi, góp phần nâng cao đời sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Với tinh thần đó, thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn vốn để hỗ trợ CCB thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ ở vùng khó khăn… vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống.
Bài và ảnh Lê Hảo
Các tin bài khác
- » Đổi thay nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Tín dụng chính sách xã hội tạo “điểm tựa” cho người dân nghèo vùng biên viễn
- » Vốn tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững ở Yên Lương
- » Bắc Ninh đưa dòng vốn tín dụng đến với người nghèo
- » Thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách
- » Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững
- » Đắk Nông đáp ứng nhu cầu vốn vay ưu đãi cho người dân
- » Vùng trung du Hiệp Hòa đổi thay từ vốn tín dụng chính sách
- » Giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tỉnh Hậu Giang
- » Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách ở Nam Định