Tiết kiệm nhỏ, lợi ích to

04/12/2023
(VBSP News) Chỉ với vài chục hay vài trăm nghìn đồng mỗi tháng, người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Phú Yên vẫn có thể gửi tiết kiệm thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Từ những số tiền nhỏ này, người dân dần tích góp được một khoản lớn để trả nợ, giúp giảm gánh nặng khi đến hạn hoàn trả vốn vay.
phu yen

Người dân nhận nguồn vốn giải ngân tại Điểm giao dịch xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa

Tích tiểu thành đại
Vào ngày giao dịch của NHCSXH tại Điểm giao dịch xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa, trong tháng 11 vừa qua, bà Trần Thị Oanh ở thôn Sơn Thọ được NHCSXH giải ngân cho vay 40 triệu đồng vốn chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Trước đó, bà đã trả hết nợ khoản vay 25 triệu đồng cho NHCSXH nên được xét cho vay lại rất nhanh chóng.
“Theo hợp đồng ký với ngân hàng thì 3 tháng nữa khoản vay 25 triệu đồng mới đến hạn nhưng gia đình tôi đã trả sớm. Chúng tôi làm được điều này vì trong suốt thời gian vay vốn, hàng tháng, gia đình đều cố gắng tiết kiệm khoảng 500.000 đồng để gửi qua tổ. Đến thời điểm trả nợ, tính ra chúng tôi đã tiết kiệm được hơn 15 triệu đồng. Phần còn lại, đúng lúc gia đình bán bò nên dồn tiền trả hết nợ ngân hàng. Với số tiền được vay mới, chúng tôi sẽ tiếp tục mua bò về nuôi và cố gắng tiết kiệm hàng tháng, để dành tiền trả nợ”, bà Oanh cho biết.
Tại xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, sau khi được NHCSXH giải ngân 40 triệu đồng vốn chương trình cho vay ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP để xây dựng nhà ở, gia đình chị Nguyễn Thị Thu Yến ở thôn Hà Rai cũng bắt đầu gửi tiết kiệm qua tổ với mức 50.000 đồng/tháng. Theo chị Yến, hiện chị ở nhà chăm con nhỏ, chồng làm thuê nuôi cả nhà 4 người nên cuộc sống còn chật vật. Tuy vậy, khi nghe Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn giải thích về lợi ích của việc gửi tiết kiệm qua tổ hàng tháng, chị cũng cố gắng tham gia.
“Gia đình tôi đang gửi với mức thấp nhất, khi nào có điều kiện, chúng tôi sẽ gửi nhiều hơn. Số tiền gửi ít nên tôi cũng không quá áp lực, xem như mình bỏ ống heo để dành. Điều tiện lợi là gửi tại tổ nên tôi có thể tranh thủ gửi bất cứ lúc nào, không cần phải chờ đến ngày giao dịch, cũng không phải ra đến tận trung tâm xã”, chị Yến chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Ái - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Hà Rai, lúc đầu, khi mới gia nhập tổ, được tuyên truyền về việc gửi tiết kiệm, nhiều người cũng thắc mắc đã không có tiền mới đi vay vốn sao còn phải gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, sau khi được giải thích ý nghĩa, lợi ích của việc gửi tiết kiệm, rằng số tiền gửi hàng tháng rất nhỏ nhưng có thể giúp bà con hình thành thói quen tích lũy, từ đó gom góp để trả dần số tiền nợ gốc, giảm gánh nặng khi nợ đến hạn. Ngoài ra, với số tiền tiết kiệm qua tổ, những tháng kẹt tiền chưa thể đóng lãi, hộ vay có thể yêu cầu tổ trưởng trích ra để thanh toán… Khi đã hiểu được điều này, các thành viên trong tổ đều nhất trí gửi tiết kiệm.
Lợi ích kép
Việc gửi tiết kiệm qua tổ nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác biết dành dụm trong chi tiêu, tạo thói quen tiết kiệm, tạo lập nguồn vốn tích lũy sử dụng trong tương lai, trong đó có việc đảm bảo nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi tiền vay cho ngân hàng. Tuy nhiên, đối với các hộ gia đình nghèo, khó khăn để xây dựng thói quen hàng tháng phải gửi một khoản tiết kiệm là vấn đề không hề dễ dàng.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Phú Yên Hồ Đắc Thích cho biết: “Ngay từ đầu, chi nhánh đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, từng bước thay đổi nhận thức, suy nghĩ của người dân, giúp bà con quen dần với ý thức dành dụm và hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của việc gửi tiết kiệm qua tổ”.
Việc huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn mang lại lợi ích kép. Không chỉ khách hàng có tiền tiết kiệm tích góp để trả nợ và dự phòng rủi ro mà ngân hàng cũng có thêm nguồn vốn cho vay, giúp nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Vì vậy, thời gian tới, chi nhánh sẽ tích cực tuyên truyền, phổ biến các chính sách mới liên quan đến việc gửi tiền tiết kiệm để nâng cao nhận thức của người dân, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng còn khó khăn. Chi nhánh cũng tiếp tục tuyên truyền rộng rãi về các chương trình cho vay ưu đãi, tổ chức tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ, nâng cao trách nhiệm, năng lực cán bộ hội đoàn thể nhận ủy thác cấp xã, ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn.
Đến cuối tháng 11/2023, toàn tỉnh có 88.764 hộ vay gửi tiết kiệm qua tổ, chiếm hơn 96% tổng số hộ vay vốn tín dụng chính sách trên địa bàn, với tổng số tiền gửi gần 184 tỷ đồng.

Lê Hảo

Các tin bài khác