Vốn tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững ở Yên Lương
Tính đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn xã đạt 22,615 tỷ đồng với 582 khách hàng còn dư nợ. Toàn xã không có nợ quá hạn, nợ xấu. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác của NHCSXH huyện với 7 chương trình tín dụng ưu đãi.
Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hữu Mạnh cho biết: Xã quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ giải ngân vốn tín dụng chính sách trên địa bàn, đồng thời tích cực chỉ đạo Hội Nông dân, Ban giảm nghèo xã tập trung rà soát đối tượng, nhu cầu vay vốn của bà con nông dân. Thực hiện bình xét đối tượng vay vốn đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch. Cử cán bộ cùng với các hội đoàn thể giám sát hiệu quả sử dụng vốn đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích sử dụng vốn. Vốn tín dụng chính sách trên địa bàn xã ngày càng đạt hiệu quả cao đáp ứng tốt nhu cầu đầu tư phát triển sinh kế bền vững của hộ dân, góp phần tích cực thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của xã trong công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Thực hiện chỉ đạo của UBND xã, Hội Nông dân xã đã tích cực tham mưu cho Ban giảm nghèo xã tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các Tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức họp và bình xét cho vay theo đúng quy định, dân chủ, công khai; duy trì sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn hàng tháng, lồng ghép triển khai nội dung hoạt động của Hội; hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả; trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn, tuyên truyền vận động các tổ viên thực hành gửi tiền tiết kiệm thông qua tổ. Tham gia đầy đủ các cuộc họp giao ban với NHCSXH huyện tại Điểm giao dịch xã vào ngày định kỳ hàng tháng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đôn đốc các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tham gia các buổi giao dịch tại xã đầy đủ, hướng dẫn, giám sát tổ viên thực hiện giao dịch với ngân hàng.
Bên cạnh đó, Hội còn xây dựng kế hoạch, phân công cán bộ phụ trách thực hiện giám sát toàn diện các hoạt động của tổ, phối hợp Ban quản lý tổ giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, việc trả nợ gốc, trả lãi, thực hành tiết kiệm… của hộ vay vốn. Các chương trình vay vốn tín dụng đều được thông báo dân chủ, công khai bình xét tại các buổi sinh hoạt tổ có sự giám sát của trưởng xóm, đảm bảo đồng vốn thực sự đến tay người cần vốn, đúng đối tượng, vốn vay sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Thường xuyên quan tâm theo dõi, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của 100% các hộ vay vốn trong vòng 30 ngày kể từ ngày giải ngân, để nắm bắt kịp thời việc sử dụng vốn vay cũng như các rủi ro, các khó khăn phát sinh; từ đó chủ động có biện pháp giúp đỡ, động viên các hộ vay cố gắng khắc phục khó khăn, thu xếp có kế hoạch trả gốc, lãi, gửi tiết kiệm đầy đủ, đúng quy định. Chất lượng hoạt động của 100% Tổ tiết kiệm và vay vốn luôn xếp loại tốt, không có nợ quá hạn.
Từ nguồn vốn của NHCSXH huyện Ý Yên, nhiều hộ nông dân ở xã Yên Lương đã đầu tư các mô hình sinh kế nuôi dê, trâu, bò, thỏ hiệu quả như ông Đỗ Văn Bổng nuôi thỏ ở thôn Nhân Nghĩa; ông Nguyễn Văn Rồng nuôi dê ở thôn An Ngọc; ông Trần Văn Hào nuôi bò ở thôn Minh Lương… Thu nhập bình quân toàn xã năm 2023 đạt hơn 70 triệu đồng/người/năm, phấn đấu đến hết năm 2025 đạt hơn 80 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của xã năm 2023 chỉ còn 0,7%.
Ông Trần Văn Hào ở thôn Minh Lương phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo của xã. Hai vợ chồng đã có tuổi lại phải nuôi con học đại học trên Hà Nội nên kinh tế rất eo hẹp. Được Hội Nông dân xã hướng dẫn, hỗ trợ, gia đình tôi đã được vay 90 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ cận nghèo để đầu tư chuồng trại nuôi bò sinh sản. Ngoài ra, diện tích chuồng trại còn trống, gia đình tôi dự định tận dụng nuôi thêm lợn rừng hoặc dê. Dự kiến năm nay, chúng tôi thu về được 50 - 70 triệu đồng từ bán bò giống giúp gia đình có thêm vốn để quay vòng mở rộng sản xuất, tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống”.
Gắn bó với nghề đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống của gia đình hơn 30 năm qua, anh Nguyễn Văn Cần ở thôn An Ngọc hiểu rõ để tạo nên các sản phẩm khác biệt, tiêu thụ tốt, khẳng định thương hiệu thì chỉ có tay nghề thợ tốt thôi là chưa đủ mà cần sự hỗ trợ của máy móc như máy tiện CNC, máy uốn, máy xẻ… Vì thế, với 50 triệu đồng vốn vay chương trình giải quyết việc làm từ NHCSXH huyện đã giúp anh giải quyết được cơ bản yêu cầu đầu tư máy móc. Các sản phẩm sập gụ, tủ chè, bàn ghế của gia đình anh Cần với chất lượng, mẫu mã ngày càng đẹp, đa dạng, được thị trường đón nhận. Hiện tại, xưởng gỗ mỹ nghệ của anh tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động, mỗi năm đạt lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng.
Phát huy hiệu quả đã đạt được, NHCSXH huyện Ý Yên sẽ tiếp tục tạo điều kiện tốt đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn xã Yên Lương được tiếp cận với vốn vay ưu đãi; tham mưu đề nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm, bổ sung nguồn vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm do nhu cầu vốn của người dân còn rất lớn. Đảm bảo thực hiện tốt chất lượng hoạt động điểm giao dịch xã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn tín dụng chính sách thuận tiện, dễ dàng theo phương châm “phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã”. Đẩy mạnh huy động tiền gửi tiết kiệm từ các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Chủ động lồng ghép có hiệu quả hoạt động vay vốn của bà con với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, giúp cho người vay sử dụng đồng vốn đúng mục đích, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bài và ảnh Đức Toàn
Các tin bài khác
- » Bắc Ninh đưa dòng vốn tín dụng đến với người nghèo
- » Thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách
- » Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững
- » Đắk Nông đáp ứng nhu cầu vốn vay ưu đãi cho người dân
- » Vùng trung du Hiệp Hòa đổi thay từ vốn tín dụng chính sách
- » Giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tỉnh Hậu Giang
- » Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách ở Nam Định
- » Hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình
- » Cánh cửa mở tương lai cho những người lầm lỡ
- » Nữ Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn nhiệt huyết với tín dụng chính sách xã hội