Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững
Đáp ứng nhu cầu vay vốn
Hậu Giang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc triển khai giảm nghèo vùng đồng bào DTTS. Bởi số hộ nghèo DTTS và các vùng khó khăn chiếm tỷ lệ cao; hộ nghèo thuộc đối tượng gia đình chính sách, người có công, bảo trợ xã hội… khó có khả năng thoát nghèo vì không còn sức lao động, hoàn toàn dựa vào sự trợ cấp của Nhà nước, sự hỗ trợ của cộng đồng.
Xuất phát điểm rất thấp khi mới thành lập tỉnh (năm 2004), nhưng có lẽ ít người biết tường tận về cái nghĩa, cái tình, sự chăm lo của Đảng bộ tỉnh thời đó dành cho dân nghèo, nhất là về nhà ở, các mô hình sinh kế cụ thể, phù hợp đặc thù địa phương; các hộ nghèo như được chắp cánh thông qua nguồn vốn vay tín dụng chính sách và nguồn lực tài chính khác để thoát nghèo bền vững.
Qua kết quả rà soát hộ nghèo, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh giảm còn 3,29%. Để đạt kết quả đáng phấn khởi đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; tổ chức đối thoại với hộ nghèo, để có sự hỗ trợ phù hợp, kịp thời. Thông qua vốn tín dụng chính sách của NHCSXH, các cấp ngành liên quan trong tỉnh đã đồng hành, hướng dẫn, kèm cặp hộ nghèo trong thực hiện các mô hình làm ăn. Song song đó, chú trọng nâng cao dân trí, phát huy tính chủ động và năng lực của “người trong cuộc” để thoát nghèo bền vững…
Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang Nguyễn Minh Vương cho biết: NHCSXH Trung ương mới giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2024 cho chi nhánh NHCSXH tỉnh để thực hiện cho vay 6 chương trình tín dụng, với tổng nguồn vốn đạt 149,5 tỷ đồng. Trong đó, phân bổ chương trình cho vay hộ nghèo và cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là 65 tỷ đồng; cho vay NS&VSMTNT là 50 tỷ đồng; cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù là 4,5 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ nguồn vốn NHCSXH huy động là 30 tỷ đồng. Hiện nay, nguồn vốn phân bổ đang được ngân hàng triển khai cho vay, để kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn của người dân nghèo.
Đa dạng hóa sinh kế
Trong quý I/2024, chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang đã tập trung giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thực hiện các mô hình sinh kế đã được địa phương chuyển giao để sản xuất kinh doanh cải thiện cuộc sống, từng bước thoát nghèo.
Điển hình là mô hình nuôi dê của hộ ông Thum Em. Nhìn vào chuồng dê giống vừa được xã bàn giao, không giấu được niềm vui, ông Thum Em tâm sự: “Hai con dê cái đã gần sinh sản, mừng lắm! Mới nhận về nuôi mà sắp có thêm dê con. Gia đình khó khăn, cả nhà chỉ phụ thuộc vào 1 công đất ruộng (1 công = 1000m²), nên ăn còn không đủ lấy đâu có dư mà làm ăn để thoát nghèo. Nhờ chính quyền địa phương quan tâm và NHCSXH tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi, rồi hỗ trợ dê giống để phát triển mô hình chăn nuôi, vợ chồng tôi phấn khởi lắm”.
Không riêng gì ông Thum Em, gia đình anh Nguyễn Thanh Tùng ở ấp Trường Thắng là hộ cận nghèo của xã Trường Long A, nhờ sự quan tâm của địa phương, mới đây được hỗ trợ 3 con dê giống và cho vay vốn tín dụng chính sách. Anh Tùng chia sẻ: “Khi được hỗ trợ dê giống và vay vốn tín dụng chính sách chăn nuôi, vợ chồng tôi mừng lắm. Tôi đã thấy nhiều gia đình nuôi dê sinh sản thành công, cho thu nhập khá, do trước giờ không có vốn nên chưa dám nghĩ đến. Tôi sẽ cố gắng chăm sóc dê thật tốt và gây dựng thành đàn, tạo nguồn vốn cho gia đình”.
Được biết, cuộc sống gia đình anh Tùng trước giờ chỉ sống bằng nghề thu mua ve chai, thu nhập khá bấp bênh. “Nếu phát triển được mô hình nuôi dê, tin rằng gia đình tôi sẽ thoát nghèo. Qua tìm hiểu, tôi thấy dê cũng dễ nuôi, lại không kén thức ăn, giá trị kinh tế từ vật nuôi khá ổn định, chỉ cần chịu khó chăm sóc, chắc chắn mô hình sẽ phát triển ổn”, anh Tùng chia sẻ thêm.
Trong quý I/2024, NHCSXH huyện Long Mỹ đã rà soát nhu cầu vốn vay đến 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo. Qua đó, thực hiện đạt 5/7 chỉ tiêu Nghị quyết của Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện đề ra; tổng nguồn vốn đến ngày 31/3/2024 đạt gần 610 tỷ đồng, tăng trên 14,2 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Nguồn vốn huy động tại địa phương được Trung ương cấp bù lãi suất hơn 84 tỷ đồng; nguồn vốn nhận ủy thác hơn 43,2 tỷ đồng. Doanh số cho vay trong quý I/2024 đạt gần 54 tỷ đồng, tăng trên 26,7 tỷ đồng. Cho vay chủ yếu là các đối tượng hộ nghèo, hộ thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, hộ vay giải quyết việc làm.
Để thực hiện tốt công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hậu Giang tổ chức dạy ngoại ngữ, giáo dục định hướng và trang bị kỹ năng phỏng vấn cho người lao động. Khi đó, người lao động sẽ có những kỹ năng cơ bản, cần thiết tham gia phỏng vấn các đơn hàng cũng như đi làm việc ở nước ngoài. Phối hợp với chi nhánh NHCSXH tỉnh và các đơn vị liên quan thực hiện tốt Nghị quyết số 23 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
Phó Giám đóc chi nhánh NHCSXH tỉnh Nguyễn Minh Vương chia sẻ: Để tiếp tục thực hiện tốt công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, cấp ủy, chính quyền địa phương cần thường xuyên cập nhật tổng hợp danh sách người lao động có tiềm năng tại cơ sở để giới thiệu về Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Quan tâm, rà soát nhu cầu vay vốn của của người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại nước ngoài. Ngân hàng sẽ đồng hành, phối hợp chặt chẽ với ngành lao động, cấp ủy, chính quyền địa phương, thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền để người dân nắm bắt về chủ trương hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Quan tâm đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, các địa phương đã rà soát, cập nhật thông tin biến động cung, cầu lao động. Tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng và chủ động tư vấn cho lao động, nhất là lao động khu vực nông thôn, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, lao động là người DTTS.
Với sự vào cuộc tích cực, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh Hậu Giang được kỳ vọng hoàn thành trước 1 năm chỉ tiêu cả giai đoạn 2021 - 2025 là đưa 2.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Nhật Nam
Các tin bài khác
- » Đắk Nông đáp ứng nhu cầu vốn vay ưu đãi cho người dân
- » Vùng trung du Hiệp Hòa đổi thay từ vốn tín dụng chính sách
- » Giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tỉnh Hậu Giang
- » Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách ở Nam Định
- » Hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình
- » Cánh cửa mở tương lai cho những người lầm lỡ
- » Nữ Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn nhiệt huyết với tín dụng chính sách xã hội
- » Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi từ nguồn vốn vay chính sách
- » Vốn tín dụng chính sách giúp nông dân Đà Nẵng thoát nghèo bền vững
- » Huy động tiền gửi tạo nguồn lực cho tín dụng chính sách