Khi đồng vốn ưu đãi vượt sóng gió
Chỉ sau khoảng 40 phút trên tàu cao tốc, chúng tôi đã đặt chân đến huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) để tìm hiểu về nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH. “So với trước đây, thời gian đi lại từ đất liền đến đảo đã được rút ngắn nhiều nên giao thương, du lịch trên đảo ngày càng phát triển, đời sống người dân khấm khá hơn”, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi Đặng Quang Lâm đi cùng chúng tôi chia sẻ.
Cảm nhận đầu tiên khi đặt chân lên đảo là những cánh đồng trồng hành, tỏi xanh mướt, những lồng cá xếp nối nhau trên những bãi ngang ven đảo như báo hiệu một năm no đủ trên đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Điều đặc biệt ý nghĩa là rất nhiều hộ trồng hành, tỏi, nuôi cá lồng trên đảo đã và đang được vay vốn ưu đãi của NHCSXH.
Đến thăm hộ CCB Dương Văn Nhiều ở thôn Tây, xã An Hải mới thấy được sự hiệu quả của tín dụng ưu đãi NHCSXH. Vừa vận hành hệ thống máy tưới nước tự động, ông Nhiều cho biết, gia đình ông bắt đầu vay vốn NHCSXH từ năm 2008 với 30 triệu đồng để trồng tỏi và chính loại cây đặc sản này đã giúp ông thoát nghèo và vươn lên trở thành hộ khá. Ông Nhiều kể, xoay quanh 4 sào đất mỗi năm gia đình ông trồng 1 vụ tỏi và 3 vụ hành. “Đặc trưng của cây tỏi là phải 4 tháng mới được một vụ, còn hành thì chỉ sau 45 ngày là có thể thu hoạch được”, ông giải thích thêm.
Tuy nhiên, theo ông Nhiều, trồng hành, tỏi trên đảo cũng khá vất vả vì cũng có năm bị sâu bệnh thì không có lãi. Sau khi thu hoạch xong một vụ phải đổ thêm một lớp cát mới lấy từ biển lên. Thường thì mỗi sào ruộng phải đổ thêm 4 khối cát với chi phí khoảng 500 nghìn đồng.
Để chuyên nghiệp hơn trong việc trồng hành, tỏi, hiện nay, ông Nhiều đã tham gia vào tổ sản xuất với 8 hộ khác cùng động viên, chia sẻ công việc và góp vốn đầu tư chung hệ thống tưới tiêu cho 14 sào nên đã giảm được thời gian chăm sóc. Năm 2019, sau khi trừ chi phí, ông Nhiều thu lãi khoảng hơn 60 triệu đồng từ trồng hành, tỏi.
Cũng vay vốn NHCSXH nhưng hộ ông Dương Văn Hợp và bà Mai Thị Thanh Nga ở thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn lại sử dụng vốn để mua ngư lưới cụ đánh bắt hải sản. Ông Hợp cho biết, gia đình được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo từ năm 2007, sau vài lần vay trả, gia đình đã thoát nghèo.
Tuy nhiên, trước nhu cầu vốn để phát triển nghề đánh bắt hải sản hiện gia đình ông Hợp, bà Mai đang được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng từ chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn và 50 triệu đồng vốn giải quyết việc làm để bổ sung đóng tàu, mua lưới cụ phục vụ cho việc ra khơi đánh bắt hải sản. Hiện nay, với chiếc tàu công suất 22 CV mới đóng hết 200 triệu đồng của ông Hợp đã giải quyết việc làm cho 6 người ra khơi thường xuyên.
Ngoài đánh bắt hải sản, gia đình ông Hợp, bà Mai còn có 1,5 sào ruộng cho thuê giá 20 triệu đồng/năm; xây 3 phòng homestay cho khách du lịch thuê mang lại thu nhập khá cho gia đình.
Một mô hình sản xuất điển hình nữa chúng tôi được tới thăm là mô hình nuôi cá lồng ở xã An Hải. Trong số hơn 70 hộ đang nuôi cá lồng thì ông Trần Thiện được giới thiệu là người nuôi cá khá “mát tay”. “Để được bén duyên với nghề nuôi cá tôi cũng phải nhờ vào vốn vay của NHCSXH ”, ông Thiện chia sẻ. 05 năm trước, ông vay vốn NHCSXH và sang Bình Định mua cá giống về nuôi cá lồng thấy hiệu quả nên ông dần mở rộng loại hình này. Sau khi trả nợ lãi và gốc đầy đủ, năm 2018 NHCSXH lại tiếp tục cho ông vay vốn chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để mở rộng nghề nuôi cá lồng.
Hiện nay ông Thiện đã có 24 lồng cá bớp, thu nhập năm vừa qua khoảng 200 triệu đồng. Ngoài ra, ông Thiện còn có một xưởng chuyên sửa chữa tàu, thuyền và trở thành một trong những hộ khá ở xã An Hải.
Từng có mặt ngay từ những ngày đầu NHCSXH huyện Lý Sơn được thành lập, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Trần Văn Nam này không giấu nổi niềm vui khi đã chứng kiến ý nghĩa của nguồn vốn ưu đãi với người dân trên đảo. “Đến nay, phần lớn bà con vay vốn ưu đãi đều sử dụng hiệu quả. Chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với tổ chức hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn, chính quyền địa phương để nắm bắt từng hộ vay vốn, vậy nên hoàn cảnh gia đình các hộ vay vốn như thế nào cán bộ Phòng Giao dịch đều nắm được hết”, ông Nam tâm sự.
Từ khi triển khai, Chỉ thị số 40-CT/TW đã tác động tích cực đến hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH, hỗ trợ hiệu quả trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Từ năm 2014 đến nay, nguồn vốn ủy thác của địa phương chuyển sang NHCSXH là gần 4,8 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh 3,8 tỷ đồng và ngân sách huyện 978 triệu đồng. Tổng dư nợ của NHCSXH huyện Lý Sơn hiện đạt 94 tỷ đồng. Hoạt động của NHCSXH luôn được các cấp, các ngành, hội, đoàn thể từ huyện đến xã quan tâm nên chất lượng tín dụng có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ nợ quá hạn được giữ vững ở mức thấp, chỉ chiếm 0,025%/tổng dư nợ. Nhiệm vụ trọng tâm của năm 2020 là phấn đấu không có nợ quá hạn, đẩy nhanh tiến độ cho vay nhưng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng.
Rời huyện đảo Lý Sơn, được gặp những cán bộ ngân hàng tâm huyết, những ngư dân cần cù, chịu khó, chúng tôi tin tưởng rằng, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH sẽ còn hiệu quả hơn nữa, qua đó góp phần thực hiện thực hiện tốt các mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng NTM tại địa phương.
Bài và ảnh Đức Nghiêm
Các tin bài khác
- » An Giang ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho các huyện biên giới
- » Hiệu quả chương trình cho vay HSSV tại Hà Nam
- » Cần tăng cơ hội tiếp cận vốn chính sách cho thanh niên
- » Ươm mầm từ tín dụng chính sách
- » Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách ở huyện Bá Thước
- » Hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi ở Kon Rẫy
- » “Bàn đạp” thoát nghèo
- » Triển khai Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi
- » Đồng vốn nghĩa tình nơi miền đất võ
- » Thoát nghèo nhờ được hỗ trợ vay vốn